Rét hại bao phủ, Lào Cai bảo vệ cho đàn gia súc vùng cao

Rét hại bao phủ, Lào Cai bảo vệ cho đàn gia súc vùng cao

Những ngày này, nền nhiệt độ trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã bắt đầu giảm mạnh, rét đậm, rét hại bao phủ vùng cao. Các biện pháp để bảo vệ cho đàn gia súc hiện đang được các hộ chăn nuôi và các cơ quan chuyên môn tại các địa phương tích cực thực hiện.

Quan Hồ Thẩn là xã có nhiều thôn vùng cao, nhiệt độ thường xuyên giảm sâu khi mùa đông về. Vì vậy để đảm bảo cho đàn đại gia súc gần 1.000 con ở địa phương đội ngũ cán bộ chuyên môn ở địa phương đã tăng cường bám thôn, bản tuyên truyền, vận động hướng dẫn các hộ dân các kiến thức, kỹ năng để bảo vệ đàn đại gia súc hiệu quả nhất.

Trước khi bước vào vụ rét 2021-2022, gia đình bà Hoàng Thị Pla, ở thôn Seo Cáng Hồ, xã Quan Hồ Thẩn, huyện Si Ma Cai đã đầu tư xây dựng được chuồng nuôi nhốt gia súc kiên cố bằng gạch ba-vanh, đảm bảo đủ ấm cho đàn gia súc 5 con của gia đình. Cùng với đó, các biện pháp khác nhằm đảm bảo an toàn cho đàn đại gia súc của gia đình khi mùa Đông về tiếp tục được gia đình bà Pla quan tâm thực hiện như: vệ sinh chuồng trại thường xuyên, tiêm phòng đầy đủ cho vật nuôi...

Theo bà Pla, từ khi có chuồng kín rồi mùa Đông gia đình không lo trâu, bò không bị lạnh nữa. "Gia đình còn gia cố che thêm ít bạt bên ngoài để nếu mưa cho trâu ra ăn cũng không bị lạnh", bà Pla cho biết.

Anh Sùng Seo Hồ, cán bộ khuyến nông xã Quan Hồ Thẩn, huyện Si Ma Cai cho biết, trên địa bàn xã, hầu như không có hộ nào chăn nuôi gia súc mà không có chuồng trại. "Thời tiết lạnh, chúng tôi tăng cường bám sát địa bàn, tiếp tục hướng dẫn bà con che chắn chuồng trại, cho ăn thêm thức ăn tinh thô để đàn trâu, bò không bị chết rét".

Cùng với việc đảm bảo về chuồng trại, các hộ chăn nuôi trên địa bàn Si Ma Cai cũng đã chủ động nguồn thức ăn đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng vật nuôi. Toàn huyện Si Ma Cai hiện có khoảng 1.500 ha cỏ voi, ngô dày được trồng để có thêm nguồn thức ăn cho đàn đại gia súc. Đặc biệt các biện pháp nhằm tăng cường sức đề kháng cho đàn đại gia súc của gia đình cũng được nhiều hộ chăn nuôi quan tâm thực hiện. Anh Giàng Seo Vảng, thôn Lao Chải, xã Sán Chải thường xuyên nấu cám cho đàn gia súc 5 con của gia đình. "Nhiều năm nay gia đình chủ động nấu cám và nhận thấy thức ăn nóng, dễ tiêu sẽ chống rét cho gia súc tốt hơn, trâu bò béo khỏe hơn", anh Giàng Seo Vảng chia sẻ.

Do đã có kinh nghiệm chống rét cho gia súc nên nhiều năm trở lại đây, ông Tẩn Văn Siệu, xã Tả Phìn, thị xã Sa Pa hình thành thói quen cứ đến tháng 10 âm lịch là không thả gia súc đi kiếm ăn nữa mà nuôi nhốt toàn bộ trong chuồng. "Chuồng chúng tôi lấy bạt quây hết để không có gió lùa vào", ông Siệu chia sẻ.

Là vùng “rốn rét”, thị xã Sa Pa có trên 4.300 hộ chăn nuôi gia súc, với tổng đàn đạt trên 13.900 con. Nhờ triển khai tốt các biện pháp phòng, chống rét từ sớm nên từ đầu năm 2020 đến nay, trên địa bàn thị xã Sa Pa không xảy ra tình trạng gia súc chết do đói, rét.

Phó Chủ tịch UBND thị xã Sa Pa Phạm Tiến Dũng cho biết, tại địa phương, trên 91% hộ dân đã chuẩn bị được chuồng trại đảm bảo, trên 70% hộ dân chủ động được thức ăn cho đàn gia súc. "Chúng tôi đang tiếp tục chỉ đạo rà soát, hướng tới hỗ trợ cho gia đình còn lại đảm bảo kiên cố hóa chuồng trại và chủ động thức ăn cho gia súc", Phó chủ tịch UBND thị xã Sa Pa nhấn mạnh.

Ngoài việc bảo vệ đàn gia súc tại chỗ, ngành nông nghiệp tỉnh Lào Cai cũng hướng dẫn người dân ở những vùng thời tiết khắc nghiệt, di chuyển đàn gia súc xuống khu vực thấp, ấm áp hơn để chăn thả.

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, Đài khí tượng Thủy văn tỉnh Lào Cai, thời tiết mùa Đông Xuân năm 2021-2022 tại Lào Cai diễn biến rất phức tạp, khó lường; hiện tượng thời tiết cực đoan diễn ra với tần xuất nhiều hơn. Không khí lạnh có xu hướng hoạt động sớm, nhiệt độ trung bình trên toàn tỉnh ở mức xấp xỉ hoặc thấp hơn so với trung bình nhiều năm trước. Rét đậm, rét hại xuất hiện sớm, khả năng sẽ xuất hiện 12-14 đợt không khí lạnh (chưa kể những đợt tăng cường yếu).

Trước tình hình đó, UBND tỉnh Lào Cai chỉ đạo các sở, ngành và chính quyền địa phương chuẩn bị sẵn nguồn lực, chủ động các phương án ứng phó, quyết tâm thực hiện thắng lợi vụ Đông Xuân năm 2021 - 2022, giữ vững trụ đỡ của nền kinh tế; trong đó, chủ động phương án phòng, chống rét cho vật nuôi vụ đông xuân năm 2021 - 2022.

Hiện nay, tổng số hộ chăn nuôi gia súc lớn toàn tỉnh Lào Cai xấp xỉ 45.000 hộ; tổng đàn gia súc lớn đạt 130.282 con; trong đó, đàn trâu gồm 100.936 con; bò 22.901 con; đàn ngựa 6.445 con. Số đầu gia súc lớn bình quân là 2,9 con/hộ.

Tỉnh Lào Cai đã yêu cầu các địa phương thực hiện di chuyển gia súc chăn thả trong rừng về nuôi nhốt trước tháng 11/2021, đảm bảo các điều kiện phòng, chống rét; vỗ béo gia súc gầy, xuất bán gia súc đến tuổi giết thịt, không nên nuôi lưu đàn quá lâu nhằm giảm bớt khó khăn cho việc phòng chống đói, rét; tăng cường chế độ nuôi dưỡng, chăm sóc đảm bảo khẩu phần ăn đủ dinh dưỡng đảm bảo sức khỏe cho gia súc để chống rét và dịch bệnh. Cùng với đó, các địa phương thực hiện thống kê và quản lý tốt số hộ có gia súc di chuyển chống rét và có biện pháp chỉ đạo, hỗ trợ đảm bảo hiệu quả.

Với sự vào cuộc tích cực của các cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương, sự chủ động của người dân, trong những năm qua, số lượng trâu, bò bị chết đói, chết rét của Lào Cai trong mùa đông đã giảm. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp, trước những diễn biến phức tạp của thời tiết năm nay, các địa phương không được chủ quan, lơ là, cần thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống đói, rét; đồng thời, hướng dẫn bà con áp dụng đồng bộ các biện pháp bảo vệ đàn gia súc trong mùa đông.

Hương Thu

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm