Rà soát, sửa đổi, thay thế hoặc bãi bỏ các thủ tục hành chính không phát sinh hồ sơ

Hoạt động giải quyết các thủ tục hành chính tại Trung tâm hành chính công tỉnh Thái Bình. Ảnh: Thế Duyệt-TTXVN
Hoạt động giải quyết các thủ tục hành chính tại Trung tâm hành chính công tỉnh Thái Bình. Ảnh: Thế Duyệt-TTXVN

Ngày 29/9, Văn phòng Chính phủ ban hành Công văn 6966/VPCP- KSTT truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam về việc thực hiện thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

Cụ thể, xét đề nghị của Văn phòng Chính phủ về tình hình, kết quả giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, nhất là số liệu thủ tục hành chính không phát sinh hồ sơ trong ba năm gần nhất, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam yêu cầu bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện tốt việc rà soát, đánh giá, tái cấu trúc quy trình, thủ tục hành chính làm cơ sở xây dựng dịch vụ công trực tuyến, trong đó không đưa vào xây dựng mới các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đối với các thủ tục hành chính từ năm 2018 đến nay không phát sinh hồ sơ (bao gồm cả trường hợp tiếp nhận trực tiếp, trực tuyến và qua bưu chính) để đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm, tránh lãng phí.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ tập trung rà soát, sửa đổi, thay thế hoặc bãi bỏ các thủ tục hành chính từ năm 2018 đến nay không phát sinh hồ sơ để phù hợp với thực tiễn, hoàn thành, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31/12/2021.

Theo số liệu thống kê của Văn phòng Chính phủ, số thủ tục hành chính không phát sinh hồ sơ từ năm 2018 đến nay cần tập trung rà soát trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch là 148; lĩnh vực xây dựng là 14; lĩnh vực y tế là 120; lĩnh vực công thương là 93; lĩnh vực giáo dục và đào tạo là 66; lĩnh vực tài chính là 27; lĩnh vực giao thông vận tải là 48; lĩnh vực kế hoạch và đầu tư là 23; lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Ngân hàng Nhà nước là 114; lĩnh vực tài nguyên và môi trường là 30; lĩnh vực thông tin và truyền thông là 25; lĩnh vực tư pháp là 58; lĩnh vực khoa học và công nghệ là 76; lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội là 41; lĩnh vực ngoại giao là 4; lĩnh vực nội vụ là 32; lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn là 103.

TTXVN

TTXVN

Có thể bạn quan tâm