Rà soát quy định về thời gian cách ly tại nhà đối với trẻ em, học sinh là F1 bảo đảm phù hợp

Rà soát quy định về thời gian cách ly tại nhà đối với trẻ em, học sinh là F1 bảo đảm phù hợp

Thông tin từ Bộ Y tế cho biết: Tính từ 16 giờ ngày 20/2 đến 16 giờ ngày 21/2, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 46.880 ca mắc mới, trong đó 19 ca nhập cảnh và 46.861 ca ghi nhận trong nước (giảm 331 ca so với ngày trước đó) tại 62 tỉnh, thành phố (có 32.975 ca trong cộng đồng).

Rà soát quy định về thời gian cách ly tại nhà đối với trẻ em, học sinh là F1 bảo đảm phù hợp ảnh 1Giáo viên trường Tiểu học Võ Thị Sáu (quận Hải Châu) hướng dẫn học sinh cách phòng dịch. Ảnh: Văn Dũng - TTXVN

Trong ngày có 13.235 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 2.294.669 ca. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 3.145 ca; có 104 bệnh nhân tử vong trong ngày là ca. Như vậy, trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 81 ca/ngày. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 39.605 ca

Nhiều địa phương lùi thời gian dạy học trực tiếp

Ngày 21/2, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: Do tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nên một số tỉnh, thành phố đã quyết định lùi thời gian tổ chức dạy học trực tiếp.

Cụ thể, khối Mầm non có 48/63 tỉnh, thành phố đi học trực tiếp, với 1.800.767/3.255.513 trẻ, tỉ lệ 55,31%. Các địa phương dừng học trực tiếp gồm: Lào Cai, Tuyên Quang, Đắk Nông, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Quảng Ninh, Hà Nội, Đà Nẵng, Hưng Yên, Trà Vinh, An Giang, Bạc Liêu, Phú Yên, Tiền Giang, Đắk Lắk (thành phố Buôn Mê Thuột).

Khối Tiểu học có 54/63 tỉnh, thành phố cho học sinh đến trường, với 5.282.687/6.067.425 học sinh, tỉ lệ 87,06%. Các địa phương dừng học trực tiếp gồm: Hà Nội (12 quận nội thành), Đắk Lắk (Buôn Mê Thuột), Lào Cai, Tuyên Quang, Hưng Yên, Đắk Nông, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Quảng Ninh.

Khối Trung học Cơ sở có 60/63 tỉnh, thành phố cho học sinh đến trường, với 4.782.362/5.289.447 học sinh, tỉ lệ 90,41%. Các địa phương dừng học trực tiếp gồm: Phú Thọ, Lào Cai, Vĩnh Phúc, riêng Hà Nội có khối lớp 6 của 12 quận nội thành.

Khối Trung học Phổ thông có 62/63 tỉnh, thành phố cho học sinh đi học trực tiếp, với 2.323.134/2.567.799 học sinh, tỉ lệ 90,47%. Cả nước chỉ có tỉnh Lào Cai cho học sinh Trung học Phổ thông dừng học trực tiếp.

Mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương xây dựng kế hoạch tiêm vaccine cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi. Đồng thời, ban hành hướng dẫn việc xét nghiệm, cách ly đối với trẻ em, học sinh bảo đảm phù hợp, khoa học; hướng dẫn theo dõi sức khỏe trẻ em, học sinh bị bệnh nền, có vấn đề về sức khỏe khi nhiễm bệnh; rà soát quy định về thời gian cách ly tại nhà đối với trẻ em, học sinh là F1 bảo đảm phù hợp. Trên cơ sở ý kiến của Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành văn bản hướng dẫn các địa phương, cơ sở giáo dục việc học bán trú để các địa phương thực hiện thống nhất trên toàn quốc; phối hợp với Bộ Y tế và ngành Y tế theo dõi sức khỏe trẻ em, học sinh bị bệnh nền, có vấn đề về sức khỏe khi nhiễm bệnh.

Giảm thời gian cách ly F1

Ngày 21/2/2022, Bộ Y tế ban hành Công văn số 762/BYT-DP gửi Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Thủ trưởng các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Y tế về việc cách ly y tế đối với ca bệnh COVID-19 và các trường hợp tiếp xúc gần (F1). Theo đó, Bộ Y tế quy định giảm thời gian cách ly đối với F1 xuống còn 5 ngày.

Theo Công văn mới số 762/BYT-DP, Bộ Y tế quy định: Với F1 đã tiêm đủ ít nhất 2 liều vaccine phòng COVID-19, liều cuối cùng tiêm ít nhất đã qua 14 ngày hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 3 tháng tính đến thời điểm được xác định là đối tượng F1 thì thực hiện cách ly y tế 5 ngày tại nhà, nơi lưu trú hoặc các khu vực đủ điều kiện cách ly khác kể từ ngày phơi nhiễm cuối cùng.

F1 này cần thực hiện xét nghiệm vào ngày cách ly thứ 5 do nhân viên y tế thực hiện hoặc người cách ly tự thực hiện dưới sự giám sát của nhân viên y tế bằng ít nhất một trong các hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp qua các phương tiện từ xa. Nếu kết quả âm tính thì tiếp tục tự theo dõi sức khỏe trong 5 ngày tiếp theo và nghiêm túc thực hiện Thông điệp 5K.

F1 chưa tiêm đủ liều hoặc chưa tiêm vaccine phòng COVID-19 thì thực hiện cách ly 7 ngày tại nhà, nơi lưu trú hoặc các khu vực đủ điều kiện cách ly khác kể từ ngày phơi nhiễm cuối cùng; thực hiện xét nghiệm vào ngày cách ly thứ 7. Nếu kết quả âm tính thì tiếp tục tự theo dõi sức khỏe trong 3 ngày tiếp theo và nghiêm túc thực hiện Thông điệp 5K.

Đối với các ca bệnh COVID-19, tiếp tục thực hiện theo hướng dẫn tại Quyết định số 250/QĐ-BYT ngày 28/1/2022 của Bộ Y tế về việc ban hành Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19.

Cần tuân thủ các bước theo đúng hướng dẫn kèm theo bộ test nhanh COVID-19

Sở Y tế Hà Nội, từ 18 giờ ngày 20/2/2022 đến 18 giờ ngày 21/2/2022, Hà Nội ghi nhận thêm 5.477 ca mắc COVID-19 – vẫn cao nhất cả nước, trong đó có 1.687 ca tại cộng đồng; 3.790 ca đã cách ly.

Việc số ca F0 tăng vọt trên địa bàn Hà Nội những ngày gần đây khiến nhiều người dân lo lắng đi mua các bộ kít test nhanh COVID-19 để dự phòng cho gia đình bởi "F0" giờ đây có thể "hiện hữu" với bất kỳ ai. Việc mua bộ kít test nhanh COVID-19 trở nên cấp bách đối với nhiều gia đình ở Thủ đô nhằm phát hiện sớm COVID-19. Tuy nhiên, đi cùng với nhu cầu gia tăng, thì thị trường xuất hiện tình trạng “loạn giá” bộ xét nghiệm COVID-19.

Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho biết, để có kết quả test nhanh chính xác, trước hết, cần lựa chọn mua đúng loại test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 đã được Bộ Y tế cấp phép. Sau khi lựa chọn các loại test nhanh được cấp phép, người dân cần tuân thủ các bước theo đúng hướng dẫn kèm theo bộ test tùy nhà sản xuất, bao gồm: Lấy mẫu đúng, thao tác đúng và xử lý rác thải đúng.

Chiều 21/2, ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hiện trên địa bàn thành phố xuất hiện hai chùm ca bệnh COVID-19 đáng chú ý, tuy nhiên đều đã được kiểm soát. Đó là chùm ca bệnh tại một tu viện ở quận Gò Vấp và một chùm ca bệnh tại một chung cư ở Quận 1. Qua nhận định, ổ dịch tại tu viện ở quận Gò Vấp có đặc điểm phức tạp hơn khi có 140 học sinh học tại 7 trường học khác nhau.

Ông Nguyễn Hồng Tâm cho rằng, thành phố đang thực hiện thích ứng an toàn với dịch, do đó người dân không chủ quan, lơ là nhưng cũng không nên quá hoang mang. Thành phố đang đi đúng hướng trong công tác phòng, chống dịch. Dù dịch bệnh có gia tăng lại sau Tết nhưng đều nằm trong dự đoán và đã có chuẩn bị các phương án để ứng phó.

Liên quan đến tình hình dịch bệnh khi học sinh đi học trở lại, ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, như dự đoán, tuần thứ 2 sau khi tổ chức đi học trở lại, tình hình dịch bệnh tại Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều diễn biến phức tạp. Do đó, nhà trường đang nỗ lực đảm bảo an toàn tối đa cho học sinh.

Bên cạnh đó, Sở Y tế và Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh sẽ có tờ trình UBND thành phố, cập nhật phương án kiểm soát dịch bệnh trong trường học, trong đó có quy định xử lý F0, F1. Hai Sở thống nhất sẽ họp giao ban nhanh định kỳ hằng ngày vào 16 giờ để tổng hợp tình hình dịch bệnh tại các trường để có chỉ đạo kịp thời tới các cơ sở y tế phối hợp với các cơ sở giáo dục, đảm bảo an toàn cho học sinh.

PV

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm