Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Nhan Sinh - TTXVN |
Tham luận tại Hội thảo, ông Y Thông, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, đánh giá: Trải qua 20 năm thực hiện, Chương trình 135 đã được cả hệ thống chính trị, các tổ chức quốc tế, nhân dân cả nước ghi nhớ và đã đi vào tiềm thức như là một “thương hiệu” đồng hành với đồng bào dân tộc thiểu số và địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn 27,56%, gấp hơn bốn lần so với tỷ lệ nghèo chung của cả nước (6,71%). Việc bố trí nguồn lực thực hiện các chính sách cần mang tính ổn định, dài hạn; công khai đối tượng thụ hưởng, định mức vốn đầu tư hỗ trợ, tạo tâm lý tin cậy cho các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện. Đại diện UBND tỉnh Gia Lai kiến nghị Chính phủ xem xét điều chỉnh kết cấu Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; phân công các bộ, ngành quản lý dự án, tiểu dự án hợp lý hơn, tạo thuận lợi cho các địa phương trong tổ chức thực hiện vì hiện nay kết cấu của Chương trình có nhiều điểm chưa phù hợp, cùng một nội dung hoạt động nhưng lại được tách thành nhiều dự án; việc bố trí cơ quan chủ trì, cơ quan thực hiện các tiểu dự án nên khi triển khai gặp rất nhiều khó khăn. Ông Ngô Trường Thi, Vụ trưởng, Chánh Văn phòng quốc gia về giảm nghèo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, nêu bất cập do cơ chế thực hiện trong từng dự án khác nhau, không có sự thống nhất. Nguồn vốn ngân sách trung ương chưa được Quốc hội phê duyệt năm năm, chưa có cơ chế quy định tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương. Kết luận hội thảo, ông Hà Ngọc Chiến, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Trưởng đoàn giám sát, nhấn mạnh: Những ý kiến tham luận của đại biểu đóng góp rất thiết thực, bổ ích để năm 2019 đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2012- 2018” tại 12 tỉnh. Đoàn giám sát giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá thực trạng công tác quản lý, công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện của Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban Dân tộc và các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị, cá nhân trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2012- 2018. Với nội dung giám sát lớn, rà soát các quy định của pháp luật về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững vùng dân tộc thiểu số, miền núi để thấy được những tồn tại, hạn chế, những vấn đề cần sửa đổi, hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan.
Nhan Sinh