Quỹ hỗ trợ nông dân Phú Thọ: "Tiếp sức" cho nông dân vượt khó, làm giàu

Hộ nông dân Phùng Ngọc Hồng, ở thôn Muối, xã Địch Quả, huyện Thanh Sơn, được Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ vay vốn sản xuất chè, phát huy hiệu quả. Ảnh : Vũ Sinh
Hộ nông dân Phùng Ngọc Hồng, ở thôn Muối, xã Địch Quả, huyện Thanh Sơn, được Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ vay vốn sản xuất chè, phát huy hiệu quả. Ảnh : Vũ Sinh

Những năm qua, Quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh Phú Thọ đã trở thành kênh tín dụng quan trọng, trợ giúp cho hàng nghìn hộ nông dân trên địa bàn tỉnh có điều kiện phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn, từng bước nâng cao thu nhập, góp phần giảm nghèo bền vững tại nhiều địa phương.

Quỹ hỗ trợ nông dân Phú Thọ: "Tiếp sức" cho nông dân vượt khó, làm giàu ảnh 1Hộ nông dân Phùng Ngọc Hồng, ở thôn Muối, xã Địch Quả, huyện Thanh Sơn, được Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ vay vốn sản xuất chè, phát huy hiệu quả. Ảnh : Vũ Sinh

Lan tỏa nhiều mô hình hiệu quả

Đến thăm mô hình trang trại trồng chè và chăn nuôi của gia đình anh Hà Văn Thi ở khu Bông 2, xã Long Cốc, huyện nghèo Tân Sơn mới thấy hết được sự dày công, chăm sóc và vun đắp cho trang trại để có được thành quả như ngày hôm nay. Anh Thi tâm sự: Năm 2017, gia đình được Quỹ hỗ trợ nông dân huyện cho vay 50 triệu đồng để phát triển kinh tế gia đình. Từ nguồn vốn này, anh Thi đã đầu tư cải tạo, thâm canh 3ha chè, mua phân bón và tăng số lượng đàn gà từ 2.000 con lên 5.000 con. Sau một thời gian chăm sóc, chè và gà phát triển tốt, trừ chi phí mỗi năm, gia đình anh Thi thu lãi trên 100 triệu đồng. "Gia đình tôi từ một hộ nghèo của khu, đến nay đã thoát nghèo và có thu nhập ổn định. Anh Thi chia sẻ: Tôi mong muốn Quỹ hỗ trợ nông dân nói chung và huyện Tân Sơn nói riêng tiếp tục phát huy đồng vốn, "tiếp sức" cho các hộ nghèo vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng…

Ông Đinh Văn Toại - Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tân Sơn cho biết, Quỹ hỗ trợ nông dân của huyện đã thực hiện giải ngân gần 1,6 tỷ đồng với khoảng 40 dự án được triển khai ở 4 xã gồm: Thạch Kiệt, Xuân Đài, Kiệt Sơn và Lai Đồng, chủ yếu phát triển các mô hình chăn nuôi trâu, bò sinh sản và trồng cây ăn quả. Qua đánh giá của Quỹ hỗ trợ nông dân huyện, các dự án bước đầu đã đáp ứng được nguyện vọng thiết thực của nông dân, tháo gỡ một phần về vốn cho hội viên, khuyến khích bà con mở rộng đầu tư sản xuất, kinh doanh. Qua đó, đã góp phần tích cực vào công cuộc giảm nghèo trên địa bàn…

Khác với mô hình trang trại của anh Hà Văn Thi, anh Hà Mạnh Tuyên, xã Võ Miếu, huyện Thanh Sơn - một trong 10 hộ hội viên nông dân của xã vay vốn từ Quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh để thực hiện dự án phát triển nghề mộc. Anh Tuyên bộc bạch, gia đình có truyền thống làm nghề mộc nhưng chưa có điều kiện để đầu tư thiết bị cũng như mở rộng xưởng. Năm 2019, gia đình anh được vay 60 triệu đồng từ Quỹ hỗ trợ nông dân, anh đầu tư mua sắm thiết bị máy móc như: máy xẻ gỗ, máy cưa, máy cắt... Nhờ đó, quy mô sản xuất tăng gấp 2 - 3 lần so với làm thủ công, sản phẩm đa dạng, phục vụ công trình và nhu cầu tiêu dùng tại địa phương, đem lại thu nhập gần 300 triệu đồng/năm.

Bà Đỗ Thị Phương Hoa - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thanh Sơn cho biết, Quỹ hỗ trợ nông dân là một trong những chương trình cho vay có tính thiết thực và đạt hiệu quả, trực tiếp giúp nông dân có điều kiện xây dựng mô hình kinh tế để giảm nghèo. Tính hết năm 2020, trên địa bàn huyện đã có gần 80 hộ hưởng lợi từ nguồn vốn vay Quỹ hỗ trợ nông dân với tổng số vốn trên 4,2 tỷ đồng cho các dự án sản xuất kinh doanh, chăn nuôi, trồng trọt. Trong đó, 900 triệu đồng từ nguồn vốn Trung ương Hội ủy thác cho vay; hơn 1,8 tỷ đồng từ nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân dân tỉnh Phú Thọ ủy thác, còn lại từ nguồn vận động của huyện và xã. Các dự án sử dụng vốn đã phát huy được hiệu quả sử dụng nguồn vốn đúng mục đích…

Tiếp tục "Tiếp sức" để nông dân vượt khó, làm giàu

Theo Hội Nông dân tỉnh Phú Thọ, đến hết năm 2020, toàn tỉnh có 227 dự án với 1.213 hộ vay từ nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh với tổng số vốn gần 45 tỷ đồng cho các dự án chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản, làng nghề và các loại hình khác. Trong đó, nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân do Trung ương ủy thác 15,5 tỷ đồng; Quỹ hỗ trợ nông dân cấp tỉnh hơn 15 tỷ đồng, cấp huyện gần 7 tỷ đồng, cấp xã trên 7 tỷ đồng… Chỉ tính riêng năm 2020, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã cho vay cả 3 nguồn vốn được 124 dự án với 647 hộ vay, số vốn giải ngân gần 20 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, các hội viên nông dân sử dụng để phát triển các mô hình chăn nuôi, trồng trọt có hiệu quả, góp phần tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho hội viên và gia đình.

Trung bình mỗi hộ hội viên vay vốn đều có thu nhập từ 50 đến hơn 100 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí, nhiều hội viên vươn lên thoát nghèo, làm giàu bền vững. Cùng với hỗ trợ vay vốn, các cấp Hội Nông dân còn tổ chức 291 lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh, phát triển ngành nghề cho 14.902 hộ, trong đó cấp tỉnh tổ chức 12 lớp cho 1.090 người tham gia; cấp huyện và cơ sở tổ chức 279 lớp cho trên 13.000 người tham gia.

Ông Dương Đình Khắc - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Phú Thọ cho biết, nguồn vốn từ Quỹ hỗ trợ nông dân tuy không nhiều nhưng đã góp phần tích cực giúp hội viên nông dân có được nguồn vốn kịp thời, đầu tư sản xuất, mở rộng phát triển ngành nghề. Bên cạnh đó, việc vay vốn Quỹ hỗ trợ nông dân thực hiện dự án phát triển sản xuất đã tạo niềm tin cho cho cán bộ, hội viên nông dân, thu hút nhiều hội viên vào Hội. Định kỳ hằng tháng, các tổ vay vốn Quỹ hỗ trợ nông dân duy trì sinh hoạt tổ, nội dung sinh hoạt phong phú, tạo cơ hội để hộ vay để trao đổi, học tập, truyền đạt các kinh nghiệm trong sản xuất và đời sống, tìm đầu ra cho sản phẩm…

Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Phú Thọ cho biết thêm, thời gian tới, Hội phấn đấu tăng nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân, tạo liên kết bền vững giữa các tổ hợp tác, hợp tác xã, từ đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể. Ngoài ra, Hội tiếp tục kiến nghị, đề xuất với Trung ương, UBND tỉnh Phú Thọ để nâng mức vay cho phát triển sản xuất của Quỹ hỗ trợ nông dân, tập trung xây dựng, phát triển các dự án, mô hình điểm sử dụng hiệu quả nguồn vốn quỹ; tăng cường học tập, nâng cao trình độ nghiệp vụ kế toán quỹ, quan tâm đánh giá hiệu quả sử dụng nguồn vốn quỹ để mang lại hiệu quả thiết thực hơn trong hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế…

Tạ Văn Toàn

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm