Đường cao tốc Tuyên Quang – Phú Thọ: Động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Đầu tư xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ theo hình thức BOT. Ảnh : baodautu.vn
Đầu tư xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ theo hình thức BOT. Ảnh : baodautu.vn

Ngày 31/12/2020, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 2275/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai từ hình thức BOT sang hình thức đầu tư công. Tuyến đường cao tốc được đầu tư có ý nghĩa hết sức quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh, không chỉ với tỉnh Tuyên Quang, Phú Thọ, Hà Giang, mà còn mở ra cơ hội tăng cường hợp tác, liên kết phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội giữa các tỉnh trong khu vực với cả nước.

Đường cao tốc Tuyên Quang – Phú Thọ: Động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội  ảnh 1Đầu tư xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ theo hình thức BOT. Ảnh : baodautu.vn

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 cũng đã xác định, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị động lực và hạ tầng công nghệ thông tin đồng bộ, theo hướng hiện đại là một trong ba khâu đột phá. Do vậy, việc triển khai đầu tư xây dựng đường tuyến đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai có ý nghĩa rất quan trọng, đưa tỉnh Tuyên Quang phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc.

Ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư, với quyết tâm cao và quyết liệt, các sở, ban, ngành của tỉnh Tuyên Quang đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành của tỉnh Phú Thọ hoàn thành việc chuẩn bị đầu tư. Ngày 25/1/2021, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang có Quyết định số 77/QĐ-UBND phê duyệt điều chỉnh dự án với tổng mức đầu tư gần 3.113 tỷ đồng; trong đó, thực hiện đầu tư giai đoạn 1 là 2.653 tỷ đồng, giai đoạn 2 gần 460 tỷ đồng.

Không những vậy, do đây là công trình đáp ứng sự mong mỏi của người dân các địa phương có đường đi qua nên các hộ dân trong diện giải phóng mặt bằng đồng tình ủng hộ cao chủ trương thu hồi đất để xây dựng tuyến đường. Tại địa phận tỉnh Tuyên Quang đến nay đã phê duyệt xong phương án bồi thường và đã chi trả tiền bồi thường, bàn giao mặt bằng được hơn 98%.

Địa phận tỉnh Phú Thọ có 1.909 hộ, tổ chức thuộc diện thu hồi cũng đã kiểm kê, phê duyệt phương án bồi thường và chi trả tiền bồi thường đối với các hộ dân có đất nông nghiệp, đang hoàn thiện phương án bồi thường đối với đất phi nông nghiệp, theo kế hoạch sẽ hoàn thành 100% giải phóng mặt bằng trong tháng 4/2021.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND Phường Đội Cấn, thành phố Tuyên Quang (tỉnh Tuyên Quang) cho biết, người dân trong phường rất mong có tuyến đường cao tốc nên khi xã tuyên truyền vận động người dân thực hiện giải phóng mặt bằng rất thuận lợi, bà con nhân dân cũng rất đồng tỉnh ủng hộ, đến thời điểm hiện nay, bồi thường và giải phóng mặt bằng trên địa bàn xã đã cơ bản thành…

Theo ông Trần Viết Cương, Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Tuyên Quang, hệ thống giao thông của tỉnh còn nhiều khó khăn, chưa có đường sắt, đường hàng không, việc kết nối giao thông trong khu vực với tỉnh chủ yếu là bằng đường bộ. Trong khi đó, hệ thống đường giao thông của tỉnh chủ yếu là đường giao thông cấp thấp chưa đáp ứng được yêu cầu vận tải, đi lại, giao lưu hàng hóa phát triển kinh tế của tỉnh Tuyên Quang.

Đặc biệt cửa khẩu Thanh Thủy tỉnh Hà Giang đi qua tỉnh Tuyên Quang nên nhu cầu vận tải, thông thương hàng hóa rất lớn, từ năm 2016, tỉnh Tuyên Quang đã đề nghị với các bộ, ngành Trung ương, Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội cho đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang – Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài – Lào Cai.

Tại nhiều buổi lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang, tỉnh Phú Thọ làm việc với các đồng chí lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Nhà nước đều đồng ý việc triển khai xây dựng Dự án đường cao tốc Tuyên Quang – Phú Thọ kết nối với đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai là hết sức cần thiết và cấp bách. Tuy nhiên, nguồn ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, chưa có khả năng cân đối vốn để đầu tư dự án theo hình thức đầu tư công. Tỉnh Tuyên Quang chủ động kêu gọi nhà đầu tư cùng với nhà đầu tư lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư, đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội hỗ trợ kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng và cho đầu tư bằng hình thức hợp đồng BOT.

Sau hơn 3 năm trình duyệt và đề xuất hỗ trợ nguồn vốn, ngày 6/12/2019, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 1768/QĐ-TTg phê duyệt chủ trương đầu tư dự án theo hình thức hợp đồng BOT và hỗ trợ kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng cho dự án 500 tỷ đồng, tổng mức đầu tư dự án thực hiện theo hình thức hợp đồng BOT là 3.271 tỷ đồng.

Tỉnh Tuyên Quang đã khẩn trương hoàn chỉnh đầy đủ các thủ tục điều kiện để lựa chọn nhà đầu tư từ tháng 10 năm 2020. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch COVID -19 đã tác động xấu đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nên không có nhà đầu tư tham gia đấu thầu, nhà đầu tư đề xuất dự án cũng có văn bản xin không tham gia dự án. Trước khó khăn đó, tỉnh Tuyên Quang đã huy động mọi nguồn lực ngân sách tỉnh và tiếp tục lập hồ sơ và đề nghị Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ thêm nguồn vốn, cho chuyển sang hình thức đầu tư công.

Được sự quan tâm, ủng hộ của các bộ, ban, ngành Trung ương và Thủ tướng Chính phủ, ngày 31/12/2020, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 2275/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư sang hình thức đầu tư công, tổng mức đầu tư theo hình thức đầu tư công.

Cũng theo ông Trần Viết Cương, hiện Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Tuyên Quang đang hết sức khẩn trương hoàn thiện các thủ tục theo quy định của pháp luật để triển khai thi công đồng bộ dự án vào tháng 6/2021.

Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai có chiều dài hơn 40 km kết nối giữa các khu công nghiệp quan trọng của các tỉnh Tuyên Quang, Phú Thọ với Khu công nghệ cao Hà Nội; bảo đảm kết nối thông thương giữa các địa phương, rút ngắn thời gian di chuyển từ Hà Giang, Tuyên Quang và các huyện Đoan Hùng, Thanh Ba, Phù Ninh của tỉnh Phú Thọ về Hà Nội.

Dự án được phân kỳ đầu tư thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (2021 - 2023) gồm các hạng mục giải phóng mặt bằng với quy mô hoàn chỉnh nền đường rộng 17 m, mặt đường rộng 11 m, với hai làn xe cơ giới mỗi làn rộng 3,5 m và hai làn xe hỗn hợp mỗi làn rộng 2 m, phần giữa hai làn xe cơ giới rộng 5 m để mở rộng mặt đường trong giai đoạn 2; kết cấu mặt đường cấp cao A1; hệ thống cầu, cống thoát nước, hầm giao thông dân sinh, nút giao, đường gom được đầu tư theo thiết kế được duyệt. Trong giai đoạn này chưa tiến hành thu phí.

Giai đoạn 2 thực hiện sau năm 2025, gồm đầu tư hoàn chỉnh với quy mô theo chủ trương được duyệt tại Quyết định số 1768/QĐ-TTg ngày 6-12-2019 của Thủ tướng Chính phủ khi được bố trí vốn, cụ thể: Vận tốc thiết kế Vtk = 80 km/giờ, nền đường rộng 17 m, mặt đường rộng 14 m, quy mô bốn làn xe cơ giới, mỗi làn rộng 3 m...

Vũ Quang Đán

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm