Quốc hội thông qua Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở

Quốc hội thông qua Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN
Quốc hội thông qua Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, chiều 28/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, với 386/463 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 78,14%).

Quốc hội thông qua Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở ảnh 1Quốc hội thông qua Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Trước đó, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Theo đó, tại Kỳ họp thứ 6 (ngày 27/10/2023), Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; có 27 lượt ý kiến đại biểu Quốc hội tham gia phát biểu, 1 ý kiến phát biểu tranh luận và 1 đại biểu Quốc hội gửi ý kiến tham gia. Cơ bản ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội tán thành với dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở đã được tiếp thu, chỉnh lý; đồng thời đánh giá Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật được chuẩn bị chu đáo, giải trình khá toàn diện các ý kiến tham gia.

Về phạm vi điều chỉnh (Điều 1), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát, bổ sung vào một số nhiệm vụ độc lập của lực lượng này tại các Điều 7, 8, 10 và 12 của dự thảo Luật để thể hiện quyền hạn gắn liền với nhiệm vụ, trách nhiệm của lực lượng này khi thực hiện các nhiệm vụ độc lập.

Liên quan đến nội dung về nguyên tắc tổ chức, hoạt động (Điều 4) và quan hệ công tác, phối hợp, hỗ trợ trong tổ chức, hoạt động, thực hiện nhiệm vụ (Điều 5), Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, chỉnh lý khoản 2 Điều 4 và các quy định có liên quan tại Điều 3 và khoản 1 Điều 5 dự thảo Luật để xác định rõ lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở chịu sự lãnh đạo “toàn diện” của cấp ủy Đảng, sự quản lý, “chỉ đạo, điều hành” của Ủy ban nhân dân cấp xã.

Đối với nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở (Chương II), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo nghiên cứu, rà soát, bổ sung, chỉnh lý đối với các nội dung quy định về nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, không trùng lặp với nhiệm vụ chung của Công an cấp xã, thống nhất với các quy định có liên quan trong hệ thống pháp luật. Đồng thời, xác định rõ trách nhiệm liên đới của Công an cấp xã là: “Công an cấp xã chịu trách nhiệm về việc thực hiện nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở theo quy định của pháp luật”; rà soát, bổ sung một số nhiệm vụ độc lập phù hợp với vị trí, chức năng của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở tại khoản 2 Điều 7, khoản 2 Điều 8 và khoản 2, khoản 3 Điều 10 của dự thảo Luật để trình Quốc hội thông qua, nhằm phát huy tối đa vai trò của lực lượng này và nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở.

Với nội dung về bảo đảm điều kiện hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở (Mục 2 Chương III), Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, sau khi có yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã có Báo cáo số 518 ngày 6/10/2023 đánh giá tác động về biên chế, kinh phí và điều kiện bảo đảm cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Quốc hội thông qua Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở ảnh 2Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre biểu quyết. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Theo báo cáo của Chính phủ, với việc hình thành Tổ bảo vệ an ninh trật tự và dự tính kinh phí thì sẽ không tăng về số lượng người tham gia và không tăng về tổng kinh phí bảo đảm so với thực tiễn hiện nay. Các thành viên Đảng đoàn Quốc hội đồng ý với nội dung Chính phủ giải trình. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ nguyên như dự thảo Luật thông qua.

Ngoài ra, một số ý kiến đề nghị quy định khung mức hỗ trợ thường xuyên hằng tháng, mức bồi dưỡng cho lực lượng này hoặc quy định khung theo vùng, miền. Có ý kiến cho rằng, đây là lực lượng tự nguyện, tự quản do cộng đồng thành lập nên do cộng đồng đóng góp để chi trả, không được sử dụng ngân sách nhà nước. Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị kế thừa pháp luật hiện hành, quy định theo hướng mở để chính quyền địa phương quyết định mức hỗ trợ thường xuyên hằng tháng, quyết định mức hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế đối với người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở để phù hợp với thực tế điều kiện từng địa phương và bảo đảm tính khả thi của Luật.

Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở gồm 5 chương, 33 điều, có hiệu lực thi hành từ 1/7/2024.

Hiền Hạnh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm