Bản đồ hành chính tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: itgate.com.vn |
Theo ông Ký, việc sáp nhập thành phố Hạ Long và huyện Hoành Bồ là một chủ trương lớn đã được tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo, triển khai một cách thận trọng, chắc chắn, trên cơ sở bám sát các hướng dẫn và quy định của Trung ương. Với mục tiêu xây dựng Quảng Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, cần có hạt nhân khởi động đủ tầm sức mạnh. Việc sáp nhập này sẽ tạo cho đơn vị hành chính mới là thành phố Hạ Long có một không gian đủ lớn để phát triển không chỉ 20-30 năm mà còn trong tương lai xa, trở thành thành phố với các ưu thế tiềm năng phát triển, đáp ứng yêu cầu về đất đai, dân số và các cơ sở hạ tầng chủ yếu; đồng thời là giải pháp tối ưu phát huy tiềm năng, lợi thế vốn có của huyện Hoành Bồ vốn dĩ chưa được khơi dậy. Theo Đề án sáp nhập thành phố Hạ Long và huyện Hoành Bồ do Ban cán sự Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh xây dựng, sẽ nhập toàn bộ 843,54 km2 diện tích tự nhiên và dân số 51.003 người của huyện Hoành Bồ với toàn bộ 275,58 km2 diện tích tự nhiên và dân số 249.264 người của thành phố Hạ Long. Tên gọi của đơn vị hành chính mới là thành phố Hạ Long với diện tích 1.119,36 km2, quy mô dân số 300.267 người. Đơn vị hành chính trực thuộc gồm 33 đơn vị cấp xã, bao gồm toàn bộ 20 phường thuộc thành phố Hạ Long, thị trấn Trới và 12 xã thuộc huyện Hoành Bồ. Đối với thị trấn Trới, đề nghị nâng cấp lên phường để đảm bảo theo quy định Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Hệ thống chính trị, thống nhất theo mô hình chung, trên cơ sở sáp nhập các cơ quan cấp huyện có chức năng tương đương của 2 địa phương hiện tại, giữ nguyên tổ chức bộ máy cấp xã. Sau khi thực hiện sáp nhập, đơn vị hành chính thành phố Hạ Long mới sẽ là đô thị loại I trực thuộc tỉnh. Đây sẽ là đô thị trực thuộc tỉnh lớn nhất cả nước về diện tích tự nhiên, lớn nhất về số đơn vị hành chính. Qua đó, Quảng Ninh sẽ tận dụng, khai thác tốt nhất lợi thế về đất đai rộng rãi, tài nguyên thiên nhiên đa dạng phong phú, thuận lợi cho quy hoạch đô thị bao quanh vịnh Hạ Long - vịnh Cửa Lục; có cơ hội và động lực quy hoạch lại trung tâm chính trị - hành chính của thành phố xứng tầm; là đòn bẩy cho phát triển bền vững, giảm áp lực quỹ đất phát triển cho Hạ Long vốn đã gần cạn kiệt; giảm áp lực dân số cục bộ. Quảng Ninh có điều kiện quản lý thống nhất về môi trường cảnh quan liên thông từ rừng, núi, sông, vịnh; có cơ sở để tiếp tục thúc đẩy quá trình đưa ra khỏi quy hoạch, chấm dứt hoạt động các nhà máy điện, xi măng, vôi gây ô nhiễm; đảm bảo sử dụng có hiệu quả quỹ rừng nguyên sinh, rừng ngập mặn, các dự trữ khoáng sản, các quỹ đất có lợi thế; kết nối, đa dạng hóa dịch vụ, nhất là du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch khám phá rừng - biển, giúp kéo dài thời gian lưu trú, tăng doanh thu, nâng cao chất lượng du lịch, dịch vụ. Việc sáp nhập này cũng giúp Quảng Ninh khai thác tốt hơn thế mạnh về văn hóa bản địa phong phú của các dân tộc vùng cao Hoành Bồ, cảnh quan rừng quốc gia Đồng Sơn - Kỳ Thượng…; giải quyết tốt về an sinh xã hội, có nguồn lực mạnh để đẩy nhanh xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh giao lưu liên thông đô thị - nông thôn, rút ngắn khoảng cách giàu nghèo, tạo chuyển biến về tư tưởng, nhận thức, ý thức vươn lên của bộ phận lớn đồng bào dân tộc còn thụ động, lạc hậu.
Văn Đức