Quảng Ngãi khuyến khích chế biến thủy sản xuất khẩu gắn với vùng nguyên liệu

Quảng Ngãi khuyến khích chế biến thủy sản xuất khẩu gắn với vùng nguyên liệu

Tận dụng tiềm năng, lợi thế sẵn có, tỉnh Quảng Ngãi đang nỗ lực khuyến khích các doanh nghiệp phát triển chế biến thủy sản xuất khẩu gắn với đầu tư phát triển vùng nguyên liệu để nâng cao giá trị sản phẩm.

Quảng Ngãi khuyến khích chế biến thủy sản xuất khẩu gắn với vùng nguyên liệu ảnh 1Công nhân xử lý hải sản xuất khẩu. Ảnh: Đinh Hương - TTXVN

Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Xuất nhập khẩu thủy sản Hải Phú (Khu công nghiệp Quảng Phú, thành phố Quảng Ngãi) là doanh nghiệp chuyên chế biến xuất khẩu các mặt hàng thủy sản tại Quảng Ngãi. Mỗi năm đơn vị này xuất khẩu gần 1.000 tấn thủy sản các loại, doanh thu đạt từ 3-3,5 triệu USD.

Theo bà Đỗ Thị Sáu, Giám đốc công ty, với thị trường các nước Pháp, Bỉ, Hà Lan thì mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là cá phi lê đông lạnh; còn thị trường Hàn Quốc, Trung Quốc, Ả Rập là cá nguyên con đông lạnh. Trong những tháng đầu năm 2023, dù việc xuất khẩu thủy sản gặp nhiều khó khăn, nhưng nhờ được các đối tác đánh giá cao về chất lượng sản phẩm nên sản lượng xuất khẩu của đơn vị vẫn ổn định.

Theo thống kê, tỉnh Quảng Ngãi hiện có khoảng 100 cơ sở hoạt động trong lĩnh vực chế biến thủy sản với các sản phẩm chủ yếu như hải sản đông lạnh, cá khô, tôm khô, mực khô, chả cá, nước mắm. Trong số đó có 12 doanh nghiệp tập trung tại Khu công nghiệp Quảng Phú, thành phố Quảng Ngãi chuyên chế biến các sản phẩm chủ yếu có nguồn gốc từ thủy sản như cá phi lê đông lạnh, cá nguyên con đông lạnh, tôm nguyên con đông lạnh, tôm tẩm bột chiên, mực khô, cá khô. Còn lại đa phần là các cơ sở chế biến nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình, thường thực hiện công đoạn gia công cho các công ty xuất khẩu và tiêu thụ nội địa.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, các doanh nghiệp chế biến thủy sản của Quảng Ngãi đã xuất khẩu khoảng 5.600 tấn thủy sản. Để thúc đẩy xuất khẩu thủy sản, tỉnh Quảng Ngãi đã có nhiều chính sách hỗ trợ để các doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường.

Ông Đặng Tấn Thương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản Quảng Ngãi, cho biết, bên cạnh quản lý về an toàn thực phẩm thì chi cục cũng đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các văn bản, kế hoạch nhằm đẩy mạnh xuất khẩu nông lâm thủy sản; trong đó, riêng về thủy sản thì chi cục cũng đã định hướng tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao chất lượng, xúc tiến thương mại, thiết kế bao bì nhãn mác,..

"Với sự hỗ trợ này, hi vọng các doanh nghiệp có thêm nguồn lực để nâng cao chất lượng sản phẩm, từ đó phát triển thêm thị trường xuất khẩu", ông Đặng Tấn Thương nói.

Trước đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh đã ký quyết định số 268/QĐ-UBND phê duyệt Chương trình phát triển thủy sản tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhằm phấn đấu đưa địa phương trở thành một điểm mạnh về kinh tế biển, làm giàu từ biển; phát triển kinh tế biển đồng bộ nuôi trồng, khai thác, chế biển hải sản; xây dựng ngành thủy sản thành ngành kinh tế có quy mô và tỷ suất hàng hóa lớn, có thương hiệu.

Theo đó, đối với chế biến thủy sản, đưa tổng công suất nhà máy chế biến đến năm 2030 đạt 30.000 tấn; sản lượng sản phẩm chế biến khoảng 23.000 tấn, xuất khẩu thủy sản đạt 25 triệu USD; xây dựng hình thành 1 - 2 chuỗi liên kết sản xuất khai thác, nuôi trồng - chế biến - tiêu thụ sản phẩm thủy sản. Phấn đấu 100% các cơ sở sản xuất kinh doanh thủy sản đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và đảm bảo đúng các quy định của nhà nước về sản xuất kinh doanh thủy sản.

Để đạt mục tiêu trên, tỉnh Quảng Ngãi đưa ra định hướng phát triển theo từng lĩnh vực, gồm bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; khai thác và nuôi trồng thủy sản; chế biến và thương mại thủy sản; cơ sở hạ tầng và dịch vụ hậu cần nghề cá. Bên cạnh đó, các địa phương sẽ giúp người dân ứng dụng các công nghệ mới về hiện đại hóa tàu cá và công nghệ khai thác hải sản tiên tiến, ứng dụng kỹ thuật và khoa học công nghệ tiên tiến trong bảo quản sản phẩm; áp dụng khoa học công nghệ tiến bộ kỹ thuật trong nuôi trồng thủy sản để ngăn ngừa dịch bệnh cũng như nâng cao năng suất, chất lượng thủy sản theo hướng bền vững.

Ông Hồ Trọng Phương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi, cho hay, vào những tháng cuối năm, thời tiết trên biển không thuận lợi cho ngư dân ra khơi bám biển, khai thác thủy sản. Do đó, chắc chắn sản lượng xuất khẩu thủy sản của tỉnh trong 6 tháng cuối năm sẽ giảm nhiều so với 6 tháng đầu năm.

Để tạo thuận lợi trong tiêu thụ thủy sản khai thác, vừa giúp doanh nghiệp thu mua và dự trữ được nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất, đáp ứng các yêu cầu của thị trường xuất khẩu thì tỉnh Quảng Ngãi đã và đang triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Từ đó, tỉnh tăng cường tuyên truyền ngư dân chấp hành Luật Thủy sản 2017 cũng như thực hiện có hiệu quả các khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu về chống khai thác IUU, nhất là việc thực hiện các thủ tục liên quan đến truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác và vệ sinh an toàn thực phẩm, góp phần cùng với cả nước gỡ được "thẻ vàng" thủy sản.

Đinh Hương

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm