Quảng Nam: Khai mạc lễ hội sâm Ngọc Linh và kỷ niệm 20 năm tái lập huyện Nam Trà My

Quảng Nam: Khai mạc lễ hội sâm Ngọc Linh và kỷ niệm 20 năm tái lập huyện Nam Trà My

Tối 1/8, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện miền núi Nam Trà My long trọng tổ chức khai mạc Lễ hội sâm Ngọc Linh lần thứ 5 và Kỷ niệm 20 năm tái lập huyện (1/8/2003 - 1/8/2023).

Quảng Nam: Khai mạc lễ hội sâm Ngọc Linh và kỷ niệm 20 năm tái lập huyện Nam Trà My ảnh 1Khách hàng xem sản phẩm sâm Ngọc Linh trưng bày tại phiên chợ. Ảnh: Trần Tĩnh - TTXVN

Với mục tiêu giới thiệu, quảng bá về cây sâm Ngọc Linh, các loại dược liệu khác và tiềm năng du lịch trên địa bàn huyện đến đông đảo nhân dân, du khách, các nhà đầu tư trong và ngoài nước, Lễ hội sâm Ngọc Linh lần thứ 5 là một sự kiện quan trọng nhằm truyền tải các thông điệp về sâm Ngọc Linh đến với mọi miền đất nước và trên thế giới, phấn đấu xây dựng huyện Nam Trà My trở thành vùng dược liệu trọng điểm của quốc gia.

Ông Lê Thanh Hưng, Bí thư huyện ủy Nam Trà My khẳng định: Từ một huyện xuất phát điểm kinh tế thấp, đến nay huyện luôn duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm trên 10%. Trong suốt chặng đường hình thành và phát triển, đặc biệt là sau 20 năm kể từ ngày tái lập, Đảng bộ, chính quyền, đồng bào các dân tộc huyện Nam Trà My đã đoàn kết một lòng, tự lực, tự cường, vượt qua khó khăn, thách thức, nỗ lực phấn đấu vươn lên để xây dựng và phát triển, đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực.

Huyện đã phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, đẩy mạnh phát triển các loại cây trồng bản địa có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương; đặc biệt, đã tập trung bảo tồn nguồn gen quý hiếm và hình thành vùng trồng cây dược liệu, sâm Ngọc Linh theo quy mô tập trung.

Quảng Nam: Khai mạc lễ hội sâm Ngọc Linh và kỷ niệm 20 năm tái lập huyện Nam Trà My ảnh 2Sản phẩm sâm Ngọc Linh trưng bày tại phiên chợ. Ảnh: Trần Tĩnh - TTXVN

Bước sang thời kỳ mới, nhiệm vụ đặt ra cho toàn tỉnh nói chung và huyện Nam Trà My nói riêng sẽ hết sức nặng nề, đòi hỏi cần phải có sự nỗ lực, phấn đấu và quyết tâm lớn hơn nữa của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân toàn huyện.

Ông Phan Việc Cường đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp huyện tập trung lãnh đạo, triển khai thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra; trong đó có việc khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương, trên cơ sở các cơ chế, chính sách hiện có, kết hợp lồng ghép các nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.

Huyện triển khai hiệu quả Chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 gắn với các Chương trình mục tiêu quốc gia; đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, kêu gọi, khuyến khích các doanh nghiệp liên kết với người dân đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, khai thác, chế biến sản phẩm; phát triển các hợp tác xã, tổ hợp tác trong nuôi trồng, chế biến, tiêu thụ các sản phẩm sâm Ngọc Linh

Huyện tuyên truyền, hướng dẫn, thu hút người dân sống gần rừng, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số tham gia vào hoạt động trồng, chăm sóc, bảo vệ cây sâm Ngọc Linh gắn với tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, khai thác hiệu quả việc trồng sâm Ngọc Linh và cây dược liệu dưới tán rừng; quyết tâm xây dựng huyện Nam Trà My trở thành “Thủ phủ sâm Ngọc Linh”, trung tâm giống dược liệu quý hiếm của quốc gia.

Cây sâm Ngọc Linh là loài dược liệu đặc biệt quý hiếm, có giá trị đặc hữu, với những đặc tính riêng có mà các loài sâm khác trên thế giới không có được. Tỉnh Quảng Nam đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách thực hiện công tác bảo tồn, phát triển cây sâm Ngọc Linh với mục tiêu xây dựng và phát triển sâm thành ngành hàng có giá trị kinh tế cao, là sản phẩm chủ lực trong lĩnh vực y - dược và chăm sóc sức khỏe, mang thương hiệu sản phẩm quốc gia; góp phần tạo việc làm, thu nhập cho người dân, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.

Hiện, sâm Ngọc Linh được trồng tập trung ở huyện Nam Trà My, tổng diện tích gần 810ha, với khoảng hơn 3 triệu cây.

Năm 2023, cùng với Lễ hội sâm Ngọc Linh lần thứ 5, huyện Nam Trà My đồng thời tổ chức các sự kiện kỷ niệm 20 năm tái lập huyện. Đây là dịp để toàn Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc thiểu số huyện ôn lại chặng đường 20 năm xây dựng, phát triển đã qua; xác định mục tiêu, định hướng cho chặng đường phát triển tiếp theo.

Trần Tĩnh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm