Lễ hội sâm Ngọc Linh - không gian cộng đồng gặp gỡ, giao lưu

Lễ hội sâm Ngọc Linh - không gian cộng đồng gặp gỡ, giao lưu

Lễ hội sâm Ngọc Linh tại huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam sau 3 ngày tổ chức (từ ngày 1-3/8) đã thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia. Lễ hội đã tái hiện văn hóa đồng bào các dân tộc vùng cao huyện Nam Trà My.

Lễ hội sâm Ngọc Linh - không gian cộng đồng gặp gỡ, giao lưu ảnh 1Du khách chọn mua sâm Ngọc Linh tại phiên chợ. Ảnh: Trịnh Bang Nhiệm - TTXVN

Khác với các lần tổ chức trước đây, không gian Lễ hội sâm Ngọc Linh lần thứ 4 - năm 2022 gần như tái hiện đầy đủ câu chuyện văn hóa của đồng bào Ca Dong, Xê Đăng, từ tục rước thần sâm, cúng thần rừng, cho đến nghi thức cúng máng nước, ăn mừng lúa mới…Khác hơn nữa, năm nay lần đầu tiên lễ hội quy tụ đông đảo nghệ nhân, diễn viên tham gia các sự kiện trình diễn văn hóa truyền thống. Ngay trong chương trình khai mạc lễ hội, du khách và người dân đã có dịp chứng kiến nghi thức độc đáo rước biểu tượng sâm núi Ngọc Linh của đồng bào Xê Đăng. Đây được xem là hoạt động khởi nguồn cho tục cúng thần sâm, nhằm tạ ơn thần núi đã ban tặng cho cộng đồng một “cây thuốc giấu” có giá trị kinh tế cao.

Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My Nguyễn Thế Phước chia sẻ, Lễ hội sâm Ngọc Linh năm nay được khởi động trở lại sau thời gian dài tạm dừng do ảnh hưởng của dịch COVID-19 như “liều thuốc” kích thích người dân địa phương tham gia. Đây không chỉ đơn thuần là lễ hội thường niên mà còn là không gian để cộng đồng các dân tộc có cơ hội gặp gỡ, giao lưu đoàn kết, tạo sức hút lớn trong việc quảng bá hình ảnh, vẻ đẹp của mảnh đất, con người Nam Trà My đến với bạn bè trong và ngoài nước.

Lễ hội cũng là dịp để người dân được tham gia trình diễn các chương trình nghệ thuật đặc sắc, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Đồng thời là cầu nối giúp người trồng sâm giới thiệu đến du khách một không gian phiên chợ sâm núi Ngọc Linh độc đáo, chủ đạo là hội thi sâm, khuyến khích cộng đồng chung tay bảo vệ, phát triển loài sâm quý - “quốc bảo” của Việt Nam.

Tại phiên chợ sâm, gần 100 kg sâm Ngọc Linh được bày bán, khá đông người dân và du khách đã đến thăm quan, mua bán, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của từng cây sâm. Chị Trần Thị Mỹ Hạnh, du khách đến từ Tam Kỳ cho biết chị đã nghe nói và xem hình ảnh về phiên chợ sâm đã nhiều, nhưng đây là lần đầu tiên tham dự trực tiếp và rất ấn tượng. Đặc biệt, chị được những người trồng sâm chia sẻ về quá trình trồng và hiểu hơn giá trị của củ sâm.

Theo ông Trần Duy Dũng, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, sâm Ngọc Linh (sâm Việt Nam) có từ lâu đời tại vùng núi Ngọc Linh. Đây là loại cây dược liệu đặc biệt quý hiếm mang lại giá trị kinh tế cao. Từ tháng 6/2017, sâm Ngọc Linh được công nhận là sản phẩm quốc gia và được đưa vào là loại cây trồng chủ lực trong Khung chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tại Quảng Nam, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm bảo tồn, phát triển cây sâm Ngọc Linh. Hiện nay, tại huyện Nam Trà My diện tích quy hoạch trồng sâm Ngọc Linh khoảng 15.000 ha; đã thực hiện bảo tồn được 100 ha, tương đương với 2 triệu cây và phát triển vùng nguyên liệu sâm hơn 1.500 ha với hơn 1.250 hộ tham gia. Giá cây sâm Ngọc Linh không ngừng tăng lên.

Ông Hồ Quang Bửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh, Lễ hội sâm Ngọc Linh là sự kiện có ý nghĩa to lớn đối với huyện Nam Trà My, giúp kích cầu tiêu thụ sản phẩm sâm Ngọc Linh, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện nói riêng và tỉnh Quảng Nam nói chung. Qua những sự kiện này tuyên truyền cho đồng bào bảo vệ nguồn gen gốc, bảo vệ nguồn giống sâm Ngọc Linh đảm bảo chất lượng; giao đất cho nhóm hộ trồng sâm Ngọc Linh dưới tán rừng để bảo vệ rừng; đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm không chỉ trong nước mà còn hướng tới xuất khẩu; tạo điều kiện cho doanh nghiệp thuê dịch vụ môi trường rừng để trồng sâm Ngọc Linh, phát triển sản phẩm sâm theo hướng chế biến sâu để xuất khẩu.

Để tạo động lực khuyến khích người dân phát triển các vườn sâm Ngọc Linh nói riêng và các loại cây dược liệu quý nói chung, tỉnh Quảng Nam bước đầu đã nghiên cứu, đề xuất với Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm thành lập đoàn công tác khảo sát, đánh giá lại thực trạng phân bổ cây dược liệu, phục vụ xây dựng đề án phát triển và hình thành trung tâm công nghiệp dược liệu tại Quảng Nam.

Trần Tĩnh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm