Quảng Nam hướng tới trung tâm dược liệu lớn của cả nước

Quảng Nam hướng tới trung tâm dược liệu lớn của cả nước
Tỉnh Quảng Nam có diện tích đất lâm nghiệp chiếm gần 69% diện tích tự nhiên của tỉnh. Với sự đa dạng về địa hình, tỉnh Quảng Nam có hơn 830 loài thực vật làm thuốc; trong đó, có nhiều loại dược liệu quý như sâm Ngọc Linh, ngũ vị tử, ba kích, đảng sâm, giả cổ lam, sa nhân, lan kim tuyến… Cây dược liệu ở khu vực miền núi của tỉnh Quảng Nam được các nhà khoa học đánh giá là đa dạng, phong phú về chủng loại, có nhiều tiềm năng phát triển trở thành trung tâm dược liệu lớn của cả nước. 

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam ông Huỳnh Tấn Đức cho biết, tỉnh Quảng Nam có khoảng 500 ha cây dược liệu; trong đó, nhiều nhất là đảng sâm với 296 ha, sâm Ngọc Linh là 68 ha. Mặc dù, địa phương đã ban hành nhiều cơ chế chính sách nhằm khuyến khích trồng và sản xuất cây dược liệu nhưng vẫn chưa mang lại hiệu quả tương xứng so với tiềm năng. Nhiều loại dược liệu quý đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt do việc sử dụng rừng và đất rừng để canh tác không hợp lý, tình trạng khai thác bừa bãi, thiếu nguồn giống chuẩn để ươm trồng... 

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Ông Huỳnh Tấn Đức cho rằng, hiện nay việc trồng cây dược liệu mới được hình thành theo quy mô nhỏ lẻ trong các nhóm hộ, chưa hình thành được vùng nguyên liệu lớn và thiếu những doanh nghiệp lớn đầu tư vào lĩnh vực này. Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Nam cũng chưa điều tra, quy hoạch chi tiết các vùng phân bố cây dược liệu. Ngoài ra, việc thiếu sự quản lý chặt chẽ trong truy xuất nguồn gốc xuất xứ thuốc Đông y và nguyên liệu làm thuốc nên các doanh nghiệp sản xuất thuốc, thực phẩm chức năng không mặn mà gắn kết với vùng dược liệu để có sự liên kết đầu tư. 

Các ý kiến tại hội thảo đã đề xuất với tỉnh Quảng Nam , thời gian tới cần rà soát lập quy hoạch tổng thể về phát triển cây dược liệu. Trước mắt, tập trung quy hoạch phát triển một số cây dược liệu có triển vọng sản xuất hàng hóa. Đẩy mạnh liên kết hợp tác với các viện, trường đại học trong nước và quốc tế để ứng dụng khoa học công nghệ, đào tạo nhân lực trong nhân giống, sản xuất và chế biến dược liệu. 

Đồng thời, tỉnh cũng cần rà soát quỹ đất chưa sử dụng và đất kém hiệu quả để giao đất, cho thuê đất đối với nhóm hộ, hộ gia đình có nhu cầu phát triển dược liệu. Bên cạnh đó, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân là đồng bào dân tộc thiểu số về lợi ích của phát triển cây dược liệu đối với xóa đói giảm nghèo và bảo vệ rừng tự nhiên. Ngoài ra, tỉnh cũng cần có chính sách ưu đãi hơn nữa hỗ trợ những doanh nghiệp chế biến dược liệu gắn với vùng sản xuất. 

Hiện nay, Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên đang phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam chuyển giao quy trình kỹ thuật nhân giống và trồng tập trung 3 loại cây dược liệu là ba kích, đảng sâm, sa nhân tím theo hướng thâm canh./. 
TTXVN

Có thể bạn quan tâm