Phố cổ Hội An. Ảnh: Thanh Tùng - TTXVN |
Ông An cho biết, trước kia nhà ở Hội An chủ yếu được sử dụng vào mục đích để ở. Ngày nay, ngoài nhu cầu sinh hoạt, nhà cổ Hội An còn được chủ sở hữu khai thác để phục vụ mục đích kinh doanh, buôn bán. Do công năng sử dụng nhà cổ Hội An trong cuộc sống hiện đại thay đổi nên không gian truyền thống nhà cổ thay đổi từng ngày.
Theo khảo sát của Trung tâm Quản lý và Bảo tồn di sản văn hóa Hội An, trong số hơn 100 ngôi nhà được khảo sát về công năng sử dụng, hầu hết những ngôi nhà này đã ít nhiều làm mất không gian truyền thống của ngôi nhà vốn giữ vai trò quan trọng làm nên giá trị đặc sắc của nhà cổ Hội An như: Không gian sân trời, không gian giữa các phòng trong một ngôi nhà, không gian bếp, sân vườn, không gian mặt tiền nhiều ngôi nhà cổ bị thu hẹp lại để mở rộng diện tích quầy kinh doanh buôn bán.
Để bảo tồn không gian phố cổ, bên cạnh việc bổ sung vào Quy chế tổng thể bảo vệ Di sản Văn hóa thế giới Hội An sắp được UBND tỉnh Quảng Nam ban hành trong thời gian tới, Trung tâm Quản lý và Bảo tồn di sản văn hóa Hội An sẽ phối hợp với các ngành chức năng tiến hành khảo sát, đánh giá công năng sử dụng của nhà cổ, nhất là những ngôi nhà tiêu biểu như nhà số 101 đường Nguyễn Thái Học, nhà số 77, nhà số 129 Trần Phú, nhà số 4 Nguyễn Thị Minh Khai… nhằm có giải pháp phù hợp trong quá trình vừa sử dụng làm nhà ở, vừa sử dụng vào mục đích kinh doanh, vừa bảo tồn không gian cổ xưa của Di sản Hội An được tổ chức UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.
Theo thống kê, thành phố Hội An có 1.432 di tích, trong đó có 28 di tích cấp quốc gia, 46 di tích cấp tỉnh và 1.358 di tích nằm trong danh mục bảo vệ. Trong số di tích được kiểm kê, phân loại, khu phố cổ Hội An là một quần thể kiến trúc gồm nhiều ngôi nhà ở tư nhân và các công trình kiến trúc tôn giáo. Đây là bảo tàng sống, bảo tàng về lịch sử, kiến trúc, dân cư đô thị, thành phố của di sản, điểm đến an toàn và thân thiện trong lòng bạn bè khắp nơi trên thế giới.
Đoàn Hữu Trung
TTXVN