Quảng Bình nỗ lực hoàn thành mục tiêu chuyển đổi công nghệ 2G

Các đơn vị viễn thông ở Quảng Bình đẩy mạnh truyền thông, nhắn tin nhiều lần đến các thuê bao 2G, hướng dẫn việc chuyển đổi để đảm bảo hoàn thành mục tiêu lộ trình dừng cung cấp dịch vụ thuê bao 2G trước ngày 15/10/2024. Đặc biệt, một số đơn vị tặng miễn phí điện thoại 4G cho khách hàng là người già neo đơn, người yếu thế, đồng bào dân tộc thiểu số.

vna_potal_viettel_quang_binh_“khong_ai_bo_lai_phia_sau_trong_hanh_trinh_chuyen_doi_so”_7634784.jpg
Nhân viên Viettel huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) tặng điện thoại 4G đến các hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: Tá Chuyên - TTXVN

Ngôi nhà sàn của gia đình anh Hồ Văn Quang (thôn Trung Sơn, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh) nằm dưới dãy núi đá vôi quanh năm mây phủ. Do kinh tế gặp khó khăn, nhiều năm làm lụng tích cóp, vợ chồng anh chỉ mua được một máy điện thoại để tiện liên lạc với bà con dân bản. Tuy nhiên, máy điện thoại này chỉ hỗ trợ công nghệ 2G, muốn cấp đổi điện thoại 4G phải mất khoản tiền khá lớn và phải xuống trung tâm huyện, cách nhà hơn 80km.

Qua ra soát, Viettel huyện Quảng Ninh cử cán bộ, nhân viên đến gia đình anh Hồ Văn Quang trực tiếp tư vấn, hoàn tất thủ tục chuyển đổi, tặng miễn phí máy điện thoại 4G và hướng dẫn anh cách sử dụng.

Anh Hồ Văn Quang chia sẻ, điện thoại 4G có nhiều tính năng, kết nối thông tin ổn định, giúp anh liên lạc tốt hơn trước; tiếp cận nhiều thông tin hữu ích như, dịch vụ y tế, cập nhật tình hình thời tiết, chăn nuôi, trồng trọt... Các nhân viên Viettel huyện Quảng Ninh giúp đỡ, hướng dẫn anh sử dụng máy thành thạo.

vna_potal_viettel_quang_binh_“khong_ai_bo_lai_phia_sau_trong_hanh_trinh_chuyen_doi_so”_7634781.jpg
Nhân viên Viettel huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) xác thực khuôn mặt khi tặng điện thoại 4G đến các hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: Tá Chuyên - TTXVN

Viettel huyện Quảng Ninh đầu tư củng cố, nâng cấp hạ tầng mở rộng vùng phủ sóng 4G. Đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới, bố trí điểm đổi, tặng điện thoại lưu động tại khu vực tập trung đông dân cư. Các nhân viên rà soát hộ kinh tế đặc biệt khó khăn, trực tiếp đến từng nhà trao tặng điện thoại, hỗ trợ kết nối, hướng dẫn sử dụng.

Ông Hoàng Trọng Tuấn, Giám đốc Viettel huyện Quảng Ninh cho biết, quá trình triển khai còn gặp khó khăn nhất định. Người dân ở vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới thường xuyên đi rừng, lên nương rẫy; nhiều khách hàng, nhất là người già neo đơn rất khó kết nối, liên lạc. Đơn vị thường xuyên cắt cử lực lượng bám địa bàn, đến tận khu dân cư, thôn, bản, trực tiếp hỗ trợ, giúp đỡ từng khách hàng hoàn thành chuyển đổi công nghệ 4G trong thời gian nhanh nhất.

Ở Quảng Bình, hầu hết khách hàng sử dụng điện thoại 2G là người cao tuổi, học sinh, người dân sinh sống ở khu vực vùng sâu, vùng xa. Trong bối cảnh hiện đại, việc chuyển đổi từ công nghệ 2G lên 4G hay 5G đang dần trở thành xu hướng toàn cầu. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi, các khách hàng còn gặp khó khăn như rào cản về kinh tế, khả năng tiếp cận, nắm bắt công nghệ còn hạn chế...

Để giải quyết vướng mắc, đảm bảo hoàn thành mục tiêu kế hoạch lộ trình dừng cung cấp dịch vụ thuê bao điện thoại 2G trước ngày 15/10/2024, Viettel Quảng Bình tập trung tư vấn hỗ trợ chuyển đổi sim 2G lên 4G. Đồng thời hỗ trợ khách hàng mua điện thoại 4G với giá 0 đồng; giảm giá từ 30 - 50% đối với dòng máy smartphone 4G; tặng điện thoại 4G cho khách hàng là hộ nghèo, hộ cận nghèo…

Viettel Quảng Bình tặng hơn 6.000 điện thoại 4G cho khách hàng yếu thế, đồng bào dân tộc thiểu số, người già neo đơn có hoàn cảnh khó khăn. Đầu năm 2024, Viettel Quảng Bình xây dựng, lắp đặt thêm các trạm phát sóng BTS để tăng vùng phủ sóng 4G lên 98,7% dân số. Đồng thời phối hợp đẩy mạnh truyền thông, tập trung nguồn lực, vật lực hỗ trợ khách hàng.

Ông Phạm Thanh Tân, Phó Giám đốc Sở thông tin và Truyền thông Quảng Bình cho biết, đến đầu tháng 10/2024, ở tỉnh còn khoảng gần 10% thuê bao 2G chưa thực hiện chuyển đổi lên 4G. Qua đánh giá của Cục Thống kê (Bộ Thông tin và Truyền thông), Quảng Bình là một trong những tỉnh triển khai tốt công tác truyền thông và hỗ trợ người dân thực hiện chuyển đổi từ 2G lên 4G. Trong đó, Viettel Quảng Bình là đơn vị chuyển đổi tốt nhất, hiện chuyển đổi được 99%, còn 401 thuê bao 2G; Viễn thông Quảng Bình (Vinaphone) chuyển đổi trên 70%, hiện còn trên 10.000 thuê bao 2G và Mobifone Quảng Bình thực hiện chuyển đổi trên 75%, còn 1.260 thuê bao 2G.

Thời gian tới, Sở thông tin và Truyền thông tiếp tục tham mưu UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông tập trung cao độ hỗ trợ, hướng dẫn người dân thực hiện chuyển đổi 2G lên 4G để đảm bảo thông tin liên lạc; chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông tăng cường mở rộng vùng phủ sóng 4G để thay thế sóng di động 2G sẽ dừng cung cấp dịch vụ từ 15/10/2024 nhằm đảm bảo nhu cầu thông tin của người dân, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng./.

Tá Chuyên

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm