Chọn mô hình sản xuất nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu ở Quảng Bình

Ông Lê Thuần Trung, Phó Giám đốc Trung tâm khuyến nông, khuyến ngư tỉnh Quảng Bình cho biết, biến đổi khí hậu là thách thức lớn đối với cuộc sống của con người và môi trường. Tỉnh Quảng Bình là một trong những tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai và biến đổi khí hậu. Việc chọn giải pháp về kỹ thuật giúp nông dân thích ứng, giảm nhẹ tác động của các loại hình thiên tai đối với sản xuất nông nghiệp là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

vna_potal_quang_binh_nhieu_mo_hinh_thich_ung_bien_doi_khi_hau_cho_hieu_qua_kinh_te_cao_7626699.jpg
Dưa lưới cho hiệu quả kinh tế cao và là mô hình thích ứng biến đối khí hậu được triển khai tại nhiều địa phương của tỉnh Quảng Bình. Ảnh: Tá Chuyên - TTXVN

Trong nhiều năm trở lại đây trên địa bàn tỉnh người dân đã thực hiện các mô hình thích ứng biến đổi khí hậu rất hiệu quả, mang lại kinh tế cao như mô hình tre lục trúc, mô hình dưa lưới nhà màng, mô hình sen và một số mô hình cây ăn quả sản xuất theo hướng VietGAP. Ngoài những mô hình này, Trung tâm Khuyến nông, khuyến ngư tỉnh Quảng Bình cũng khuyến khích người dân triển khai các mô hình chăn nuôi theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm và sử dụng các chế phụ phẩm nông nghiệp theo hướng tuần hoàn; trong đó, khuyến cáo người dân tuân thủ việc áp dụng khoa học kỹ thuật một cách nghiêm ngặt, đảm bảo thời vụ và chớp lấy thời cơ, thời tiết.

Theo ông Lê Thuần Trung, thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông, khuyến ngư tỉnh Quảng Bình cũng tiếp tục triển khai các mô hình mới, tăng cường chỉ đạo các địa phương, người dân tiếp tục duy trì các mô hình đã thực hiện một cách hiệu quả. Song song đó gắn kết tiêu thụ cho bà con nông dân, hướng tới các mô hình mang tính hữu cơ, bền vừng để mở rộng một số cây trồng chính, cây trồng có tính lợi thế của vùng. Đồng thời, đưa vào các chương trình mã vùng trồng với mục tiêu đưa các sản phẩm của Quảng Bình tiêu thụ ở các tỉnh, thành khắp cả nước.

Để ứng phó với biến đổi khí hậu, nhiều mô hình chuyển đổi trên đất gò đồi đã triển khai, trong đó nổi bật là mô hình tre lục trúc của chị Lê Thị Lan Hương (thôn Bàng, xã Hòa Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình).

vna_potal_quang_binh_nhieu_mo_hinh_thich_ung_bien_doi_khi_hau_cho_hieu_qua_kinh_te_cao_7626599.jpg
Mô hình thích ứng biển đổi khí hậu trồng tre lục trúc của chị Lê Thị Lan Hương (thôn Bàng, xã Hòa Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình). Ảnh: Tá Chuyên – TTXVN

Dẫn chúng tôi đi tham quan vườn tre lục trúc rộng gần 2ha trên vùng đất gò đồi. Chị Lê Thị Lan Hương (thôn Bàng, xã Hòa Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình) cho biết, trước đây diện tích này trồng cây cao su, song cây cao su thường bị gãy đổ do mưa bão. Trong nhiều năm, chị trăn trở tìm hướng đi mới với giống cây có thể chống chọi với mưa bão, hạn hạn khắc nghiệt của miền Trung. Năm 2021, chị quyết định chuyển từ trồng cây cao su sang trồng tre lục trúc lấy măng.

Đứng trong vườn tre tỏa bóng mát, gió thổi lá tre nghe rì rào, chị Lê Thị Lan Hương chia sẻ, chị bén duyên với cây tre lấy măng giống lục trúc qua một lần chị ra các tỉnh phía Bắc tham quan. Khi nhận thấy cây tre lục trúc rất hợp với khí hậu khắc nghiệt cũng như thổ nhưỡng ở vùng gò đồi. Cây tre thấp, thân dẻo, chống chịu được gió bão; lá tre khép tán cũng hạn chế được việc đất đồi bị rửa trôi, xói lở. Từ đó, chị quyết định trồng giống cây tre này.

Theo chị Hương, khi những hom giống măng đầu tiên được đưa về, chị Lan Hương ngày đêm ở lại vườn để theo dõi, chăm sóc. Thời gian đầu, tỷ lệ cây giống sống rất thấp khiến chị lo lắng, mất ăn, mất ngủ vì không thể biết được nguyên nhân. Không chấp nhận bỏ cuộc, chị lại lặn lội tham quan tìm hiểu tại các mô hình đã thành công ở tỉnh, thành khác. Không phụ lòng chị, 2.000 gốc tre được trồng theo hướng hữu cơ dần bén rễ, đâm chồi vươn lên dưới nắng hè ràn rạt gió Lào.

vna_potal_quang_binh_nhieu_mo_hinh_thich_ung_bien_doi_khi_hau_cho_hieu_qua_kinh_te_cao_7626598.jpg
Măng tươi từ mô hình thích ứng biển đổi khí hậu trồng tre lục trúc của chị Lê Thị Lan Hương (thôn Bàng, xã Hòa Trạch, huyện Bố Trạch) rất được ưa chuộng. Ảnh: Tá Chuyên – TTXVN

Không chỉ phát triển tốt, khi các cây tre bắt đầu cứng cáp, khép tán thì cũng là lúc cho ra những lứa măng đầu tiên, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người trồng. Hiện mỗi ha đất trồng được 1.000 gốc măng, những gốc măng khi trưởng thành đâm chồi phát triển thành khóm tre với 20 - 30 cây, trung bình mỗi khóm tre cho thu hoạch từ 15 - 30 kg măng tươi. Măng được thu hoạch trong khoảng thời gian từ tháng 2 đến tháng 8 hàng năm, mỗi ha cho thu nhập khoảng 600 triệu đồng

“Trong quá trình trồng tre, tôi tuân thủ nghiêm ngặt việc dùng phân chuồng ủ hoai với men vi sinh để bón quanh gốc tre. Không sử dụng các loại hóa chất, phân vô cơ… nên môi trường đất không bị ô nhiễm mà ngày càng màu mỡ hơn, hệ vi sinh vật trong đất sinh sôi phát triển, cây tre sinh trưởng phát triển rất tốt và bền, chưa phát hiện sâu bệnh hại”, chị Lê Thị Lan Hương chia sẻ.

Hiện măng tươi của trang trại đang được bán với giá 60.000 đồng/kg và được thị trường ưa chuộng vì măng có vị ngọt, giẻo... sản phẩm thu hoạch tới đâu bán hết tới đó. Để xây dựng thương hiệu, chị Lan Hương đã thành lập Công ty cổ phần Đầu tư thương mại - xây dựng Đức Thành. Hiện công ty đang thực hiện Dự án trồng tre lấy măng trên diện tích khoảng 25 ha. Ngoài việc cung ứng măng tươi cho người tiêu dùng, công ty của chị Lan Hương còn sơ chế thành các sản phẩm như: măng hấp, măng chua… cho vào túi bảo quản chân không để phục vụ khách hàng.

"Dự kiến, khoảng 1 năm nữa, vùng dự án này cho thu hoạch măng tươi. Công ty đang làm các thủ tục để công nhận vùng trồng hữu cơ, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Chưa dừng lại ở đó, công ty còn chiết cành nhân giống tre lục trúc thành công. Toàn bộ giống cây thực hiện dự án mới đều do người lao động của công ty tự làm lấy nên đảm bảo chất lượng”, chị Lê Thị Lan Hương cho biết thêm.

Tá Chuyên

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm