Quảng Bình: Nhiều người già, trẻ nhỏ nhập viện vì trời rét kéo dài

Quảng Bình: Nhiều người già, trẻ nhỏ nhập viện vì trời rét kéo dài

Rét đậm kéo dài suốt những ngày qua tại tỉnh Quảng Bình đã khiến nhiều người phải nhập viện, phần lớn là người già và trẻ em. Tại các bệnh viện ở tỉnh Quảng Bình, nhất là các khoa Tim mạch, Nhi… bệnh nhân phải nằm ghép chung giường bệnh do lượng người nhập viện tăng cao. Riêng tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới, bình quân mỗi ngày có khoảng hơn 1.400 lượt người tới khám và điều trị, trong đó khoảng 30-40% liên quan đến bệnh lý mùa đông.

Quảng Bình: Nhiều người già, trẻ nhỏ nhập viện vì trời rét kéo dài ảnh 1Tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam –Cuba Đồng Hới, Quảng Bình, bình quân mỗi ngày có khoảng hơn 1.400 lượt người bệnh tới khám và điều trị, trong đó khoảng 30-40% là các bệnh liên quan đến bệnh lý mùa đông. Ảnh: Võ Dung -TTXVN

Gần 1 tuần nay, chị Bùi Thị Làn ở xã Quảng Kim, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình phải vào Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới chăm sóc con trai 3 tuổi bị viêm phổi và amidan. Chị cho biết, con chị vốn đã yếu, đề kháng kém nên khi rét đậm, rét hại kéo dài nhiều ngày, cháu bị viêm phổi, ho và sốt. Gia đình đã phải đưa con đến bệnh viện để được các bác sĩ thăm khám và điều trị.

Các bệnh lý do virus, đặc biệt, số trẻ em mắc các bệnh liên quan đường hô hấp, tiêu hóa, viêm phổi, viêm phế quản, ho, sốt... thường tăng cao trong mùa đông. Mỗi ngày, tại Khoa Nhi, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới, số lượng bệnh nhi điều trị nội trú liên quan đường hô hấp tăng gấp đôi, gấp ba so với ngày thường khiến đội ngũ y bác sĩ phải tăng tần suất làm việc.

Quảng Bình: Nhiều người già, trẻ nhỏ nhập viện vì trời rét kéo dài ảnh 2Mỗi ngày, Khoa Nhi tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới tiếp nhận từ 130 -150 bệnh nhi, cao điểm đến 170 trường hợp điều trị nội trú tại khoa. So với cùng kỳ năm ngoái, số lượng bệnh nhi tăng khoảng 1,5 lần. Ảnh: Võ Dung -TTXVN

Bác sĩ chuyên khoa II Phạm Thị Ngọc Hân, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới cho biết: Số lượng bệnh nhân vào điều trị đã vượt quá số giường bệnh tại khoa. Mỗi ngày, Khoa tiếp nhận từ 130 -150 bệnh nhi, cao điểm đến 170 trường hợp điều trị nội trú. So với cùng kỳ năm ngoái, số lượng bệnh nhi thời điểm này tăng 1,5 lần. Nguyên nhân khiến gia tăng tình trạng bệnh ở trẻ vào mùa đông chủ yếu là do môi trường tiềm ẩn nhiều loại virus, vi khuẩn xâm nhập gây bệnh cho trẻ. Ngoài ra, trẻ nhỏ thường có sức đề kháng và hệ miễn dịch yếu, cộng với các yếu tố bất lợi khác như thời tiết, khiến tỷ lệ trẻ bị bệnh tăng hơn về mùa đông. Vì thế, vào thời điểm giao mùa hoặc khi trời lạnh, phụ huynh cần chú ý chăm sóc tốt cho trẻ, giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, môi trường trong lành để hạn chế nhiễm bệnh.

Quảng Bình: Nhiều người già, trẻ nhỏ nhập viện vì trời rét kéo dài ảnh 3Những ngày này, Khoa Nhi Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam –Cuba Đồng Hới, Quảng Bình, số lượng bệnh nhi điều trị nội trú liên quan đường hô hấp tăng gấp đôi, gấp ba so với ngày thường khiến đội ngũ y bác sĩ tại đây phải tăng tần suất làm việc. Ảnh: Võ Dung -TTXVN  

Thời tiết lạnh kéo dài, nhiệt độ chênh lệch lớn giữa ngày và đêm cũng đã ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của người lớn tuổi. Tại các bệnh viện trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, mỗi ngày bệnh nhân đến đăng ký khám và điều trị khá đông, chủ yếu là các nhóm bệnh lý mùa đông như hô hấp, tiêu hóa, tim mạch, phổi, xương khớp… Ông Lại Tấn Giáo, ở xã Quang Phú, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình năm nay tuổi đã cao, có tiền sử bệnh về hô hấp, tim mạch và huyết áp cao. Khi thời tiết vừa chuyển lạnh đột ngột, rét đậm kéo dài khiến ông bị nhiễm lạnh, cảm cúm, ho nhiều tới mức khó thở, dù đã điều trị thuốc đông y dài ngày nhưng bệnh tình không thuyên giảm. Ông quyết định đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám và tư vấn.

Bác sĩ Diệp Văn Quang, Phó trưởng khoa Nội Tim mạch, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới cũng khuyến cáo đến người bệnh, đặc biệt là nhóm người bệnh có sức đề kháng yếu như người già, trẻ nhỏ hoặc có những bệnh nền sẵn như tăng huyết áp, tiểu đường, tim mạch... cần giữ ấm, nhất là vùng cổ, tay, chân; hạn chế ra ngoài khi thời tiết quá lạnh; đặc biệt là sáng sớm và tối, đêm; tránh sự chênh lệch nhiệt độ quá lớn để phòng các biến cố về bệnh tim mạch. Bên cạnh đó, người bệnh không nên tự ý điều trị bệnh tại nhà mà cần đến các cơ sở y tế khi có biểu hiện bệnh để được thăm khám, tư vấn và điều trị kịp thời.

Võ Dung

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm