Tiết mục biểu diễn của Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Hà Nam. Ảnh: Nguyễn Trọng Lịch- TTXVN |
Đến với Liên hoan hát văn, hát chầu văn lần này có 10 câu lạc bộ các tỉnh, thành phố trong khu vực với các nghệ nhân và các Câu lạc bộ thanh đồng tiêu biểu. Đây là hoạt động văn hóa nhằm tôn vinh, quảng bá và phát huy các giá trị nghệ thuật của loại hình hát văn, hát chầu văn. Đồng thời, đây là dịp để các nghệ nhân tỉnh Vĩnh Phúc và các tỉnh bạn thể hiện tài năng, quảng bá, giới thiệu với du khách thập phương về giá trị văn hóa của quần thể Khu Di tích quốc gia đặc biệt Tây Thiên.
Liên hoan cũng là dịp để các đoàn nghệ thuật, các Câu lạc bộ chầu văn trong tỉnh có cơ hội gặp gỡ, giao lưu và học hỏi lẫn nhau, góp phần xây dựng và bảo tồn, phát huy các giá trị tốt đẹp của nghệ thuật hát văn, chầu văn trong cộng đồng trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, Liên hoan có ý nghĩa giáo dục truyền thống, tinh thần yêu nước và quý trọng các giá trị văn hóa quý báu của dân tộc, đem đến cho quần chúng nhân dân một cái nhìn đúng đắn, sâu sắc hơn về nghệ thuật hát văn, hát chầu văn.
Tiết mục biểu diễn của Câu lạc bộ Thanh đồng Nguyễn Thị Hương, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh Nguyễn Trọng Lịch- TTXVN |
Hát văn, hát chầu văn là hình thức lễ nhạc gắn liền với nghi thức hầu đồng của tín ngưỡng Tứ phủ (Đạo Mẫu) và thờ Đức Thánh Trần (Đức Thánh Vương Trần Hưng Đạo) - một tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Bằng cách sử dụng âm nhạc mang tính tâm linh với các ca từ đẹp mà trang nghiêm, chầu văn còn được coi là hình thức ca hát mang ý nghĩa chầu Thánh và là nghệ thuật độc đáo của người Việt.
Vĩnh Phúc có làng Yên Trung, xã Tam Quan, huyện Tam Đảo nằm gần Khu danh thắng Tây Thiên (Trung tâm Văn hóa Lễ hội Tây Thiên) được coi là nơi hát văn, hát chầu văn phát triển. Nhờ sinh sống cần kề với hệ thống công trình tôn giáo phong phú nơi đây và giao lưu các giá trị văn hóa, đời sống tâm linh triền núi Tam Đảo, người dân làng Yên Trung sớm được tiếp xúc, giao lưu và ảnh hưởng của giới cung văn, của các đồng anh, lính chị tụ tập về đây sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng. Do đó, hàng chục năm qua, Trung Yên sớm tiếp thu nghệ thuật trên và đã sản sinh ra ngày càng nhiều thanh đồng, các cung văn phục vụ nghi lễ, nhu cầu tôn giáo, tín ngưỡng tại các đền, các phủ. Giờ đây, làng đã có khoảng 50 người làm nghề hát văn, hầu đồng, cô đồng.
Những người làm các nghề trên không những đi hát ở các đền, các phủ... ở địa bàn Tam Đảo mà còn được mời đến nhiều tỉnh như Hà Nội, Huế, Hải Phòng, các tỉnh phía Nam, thậm chí đến một số nước trong khu vực như Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc... để phục vụ khách theo yêu cầu.
Tại Liên hoan, các nghệ nhân, câu lạc bộ trên địa bàn tỉnh và các tỉnh, thành phố sẽ trình bày các tiết mục hát đơn, hát tập thể ca ngợi Đảng, Bác Hồ kính yêu, ca ngợi tinh thần đoàn kết, tình yêu quê hương đất nước con người và truyền thống xây dựng quê hương đất nước và những thành tựu đạt được trên mọi lĩnh vực trong quá trình thực hiện công cuộc đổi mới đất nước. Diễn xướng hầu đồng trong 36 giá được các thanh đồng sử dụng tại các đền, miếu, phủ nhằm ca ngợi thần linh, thánh mẫu và các anh hùng có công với đất nước...
Kết thúc Liên hoan, Ban Tổ chức trao giải thưởng và giấy chứng nhận cho Câu lạc bộ và các tiết mục xuất sắc.
Nguyễn Trọng Lịch
TTXVN