Quan tâm khen thưởng người trực tiếp lao động, sản xuất, học tập tại địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới, hải đảo

Tiếp tục Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV, sáng 28/10/2021, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi). Ảnh: TTXVN
Tiếp tục Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV, sáng 28/10/2021, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi). Ảnh: TTXVN

Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, sáng 28/10, Quốc hội thảo luận một số nội dung liên quan đến dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), nghe Chính phủ báo cáo về sửa đổi, bổ sung các quy định về thẩm quyền theo hướng quy định thẩm quyền công nhận danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng và phân cấp cho bộ, ban, ngành, tỉnh quy định cụ thể tiêu chuẩn một số danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng thuộc thẩm quyền...

Quan tâm khen thưởng người trực tiếp lao động, sản xuất, học tập tại địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới, hải đảo ảnh 1Tiếp tục Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV, sáng 28/10/2021, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi). Ảnh: TTXVN

Thống nhất cao với các nội dung phiên họp, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai đề xuất nhiều nội dung để Quốc hội và các bộ, ngành, Chính phủ xem xét, sửa đổi, bổ sung các quy định, nguyên tắc trong dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), kiến nghị tiếp tục hoàn thiện một số quy định, nguyên tắc trong thi đua, khen thưởng ở cấp cơ sở, để làm hoàn thiện hơn các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người lao động nói chung cũng như đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng.

Tạo động lực đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước

Theo Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai Sùng A Lềnh, việc bổ sung nguyên tắc “Quan tâm khen thưởng người trực tiếp lao động, sản xuất, học tập, công tác và khen thưởng tại địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới, hải đảo” được Quốc hội thông qua sẽ là một động lực rất quan trọng để đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước ở tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội nói chung và ở các địa phương vùng biên giới, hải đảo nói riêng. Đây cũng sẽ là một trong những giải pháp quan trọng để làm hoàn thiện hơn các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người lao động cũng như đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Nguyên tắc này đã thể chế hóa chủ trương của Đảng về công tác thi đua, khen thưởng được khẳng định tại Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 7/4/2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng là “Chú trọng khen thưởng tập thể nhỏ, công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp sản xuất, kinh doanh, cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang, dân quân, tự vệ, công an xã, bảo vệ dân phố, dân phòng, bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp. Quan tâm khen thưởng cơ sở, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo và vùng dân tộc thiểu số”; sẽ góp phần tăng tỷ lệ người lao động trực tiếp và nhân dân ở các xã, phường, thị trấn, trong đó có người dân tộc thiểu số được các cấp khen thưởng và từ đó tạo động lực mạnh mẽ cho phong trào thi đua yêu nước. Ngoài ra, nguyên tắc này củng cố thêm việc thực hiện các cam kết của Việt Nam với quốc tế về việc chăm lo, quan tâm đến các đối tượng yếu thế trong xã hội và cũng là một trong những giải pháp quan trọng để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Giúp phong trào thi đua yêu nước được triển khai đồng đều, toàn diện

Liên quan đến việc bổ sung danh hiệu “Xã tiêu biểu”, “Phường, thị trấn tiêu biểu” và đổi tên, điều chỉnh một số tiêu chuẩn danh hiệu “Thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố văn hóa”, “Gia đình văn hóa” thành danh hiệu “Thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố tiêu biểu”, “Gia đình tiêu biểu” để thống nhất hệ thống danh hiệu thi đua ở cơ sở và cho gia đình, bà Nguyễn Thị Lan Anh, Trưởng khoa Nông lâm – Xây dựng, Trường Cao đẳng Lào Cai, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng, việc bổ sung danh hiệu “Xã tiêu biểu”, “Phường, thị trấn tiêu biểu” sẽ góp phần quan trọng đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước ở một cấp chính quyền đặc biệt trong hệ thống chính quyền 4 cấp ở nước ta hiện nay.

Các xã, phường, thị trấn thi đua với nhau để đạt được danh hiệu “Xã tiêu biểu”, “Phường, thị trấn tiêu biểu” là động lực quan trọng để phong trào thi đua yêu nước được triển khai đồng đều, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Tiêu chuẩn “Xã tiêu biểu”, “Phường, thị trấn tiêu biểu” gồm nhiều chỉ tiêu tổng hợp về chính trị, kinh tế - xã hội, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; đồng thời là biện pháp quan trọng để các xã ưu tiên tập trung nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; các phường, thị trấn ưu tiên tập trung xây dựng đô thị văn minh, qua đó nâng cao đời sống về mọi mặt cho nhân dân.

Theo bà Nguyễn Thị Lan Anh, việc điều chỉnh tên danh hiệu “Thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố văn hóa”, “Gia đình văn hóa” thành danh hiệu “Thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố tiêu biểu”, “Gia đình tiêu biểu” là phù hợp, vì hiện nay trên thế giới cũng như giới học thuật có rất nhiều cách tiếp cận khác nhau đối với khái niệm về văn hóa. Thay đổi như vậy cũng phù hợp hơn với thực tế, các hộ gia đình, thôn, bản, tổ dân phố chưa được công nhận danh hiệu “Thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố tiêu biểu”, “Gia đình tiêu biểu” có thêm động lực, phấn đấu tốt hơn để đạt được danh hiệu

Cần quy định cụ thể trong khen thưởng “doanh nhân, trí thức, nhà khoa học”, “doanh nghiệp”

Liên quan đến quy định rõ hơn đối tượng khen thưởng “doanh nhân, trí thức, nhà khoa học”, “doanh nghiệp” trong các loại hình khen thưởng, ông Hà Đức Minh, Ủy viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho rằng, "doanh nhân, trí thức, nhà khoa học”, “doanh nghiệp” là lực lượng quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, điều nay đã được thực tế chứng minh trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc. Đặc biệt trong cuộc cách mạng 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ hiện nay, lực lượng này là nhân tố quyết định đến sự thành công của mỗi quốc gia cũng như mỗi địa phương; là lực lượng tiên phong quyết định sự thành, bại của việc xây dựng nền kinh tế số và xã hội số. Vì vậy, cần có quy định cụ thể và rõ hơn trong việc khen thưởng đối với đối tượng này vì những yếu tố rất khác biệt trong lao động, mục tiêu lao động cũng như sản phẩm lao động của họ.

Các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng trong dự thảo luật cũng đã điều chỉnh đến đối tượng khen thưởng đối với đối tượng là “doanh nhân, trí thức, nhà khoa học”, “doanh nghiệp”. Tuy nhiên, nếu có thể bổ sung được hệ thống Danh hiệu vinh dự Nhà nước để tôn vinh “doanh nhân, trí thức, nhà khoa học”, “doanh nghiệp” trong dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), sẽ là động lực tinh thần mạnh mẽ hơn đối với các đối tượng này. Thực tế ở Lào Cai từ nhiều năm qua, với phương châm “Doanh nghiệp phát tài – Lào Cai phát triển” đã giúp cho cộng đồng doanh nghiệp của tỉnh ngày càng phát triển và đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và và phát triển tỉnh Lào Cao sau 30 năm tái lập.

Hồng Ninh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm