Tiếp tục Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, chiều 27/10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm xã hội năm 2020; việc quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm y tế năm 2020 và thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân trong hai năm 2019-2020.
Trong bối cảnh khó khăn do tác động của dịch COVID-19 hiện nay, người lao động cũng là lực lượng yếu thế. Do đó, để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, đồng thời nâng cao công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, các đại biểu Quốc hội đề xuất các giải pháp thực hiện tốt hơn việc đóng bảo hiểm xã hội; tiếp tục hỗ trợ bảo hiểm y tế cho người dân khó khăn, dân tộc thiểu số. Đồng thời, các địa biểu đề xuất ban hành những chế tài nghiêm khắc, tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở y tế làm hồ sơ khống chi trả bảo hiểm nhằm trục lợi, gây thất thoát quỹ.
Phát huy hiệu quả trụ cột an sinh xã hội
Tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội đưa vào chương trình kỳ họp việc thảo luận tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm xã hội. Đây là dịp để người dân, xã hội hiểu rõ hơn về bảo hiểm xã hội - một trong những trụ cột quan trọng của an sinh xã hội.
Phát biểu từ điểm cầu tỉnh Hà Nam, đại biểu Trần Thị Hiền cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp và người lao động phấn khởi, đánh giá cao Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tháo gỡ khó khăn, đưa ra nhiều quyết sách kịp thời, chưa có tiền lệ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, trong đó, có những chính sách liên quan trực tiếp đến bảo hiểm xã hội như: giảm mức đóng bảo hiểm xã hội vào Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, hỗ trợ tiền mặt cho người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp… từ kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp...
Bên cạnh đó, quá trình thực hiện chế độ, chính sách và vận hành Quỹ Bảo hiểm xã hội có những kết quả tích cực từ khâu tổ chức thực hiện chính sách, các chế độ phát triển và quản lý người tham gia, quản lý và sử dụng Quỹ, bảo đảm an toàn, cân đối thu chi, tính độc lập của Quỹ, đầu tư phát triển ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý.
Tuy nhiên, đại biểu Trần Thị Hiền cho rằng, các quy định phải tạo điều kiện cho người lao động, người sử dụng lao động có thể giảm thiểu những chi phí, nhất là trong bối cảnh khó khăn như hiện nay. Theo báo cáo của Chính phủ, các quỹ có tính chất ngắn hạn, đều có kết dư và bảo đảm việc cân đối. Do đó, đại biểu Trần Thị Hiền đề nghị sửa đổi quy định linh hoạt hơn nhằm giảm mức đóng Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, Quỹ Ốm đau và thai sản cho người sử dụng lao động và người lao động tương tự như quy định về Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp tại Điều 14, Luật An toàn vệ sinh lao động; nhằm giúp Chính phủ linh hoạt trong quá trình điều hành hoạt động, điều chỉnh mức đóng cho các doanh nghiệp và người lao động, vẫn đảm bảo thực hiện các chế độ bảo đảm cân bằng quỹ.
"Điều này hỗ trợ thiết thực cho các bên giảm chi phí, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi và nâng cao sức cạnh tranh, có ý nghĩa trong bối cảnh dịch COVID-19 hiện nay", đại biểu Trần Thị Hiền nêu.
Đồng tình với báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của của Ủy ban Xã hội, đại biểu Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình) cho rằng, việc thực hiện Nghị quyết 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội để thực hiện mục tiêu là thách thức rất lớn trong giai đoạn hiện nay. Năm 2021, bối cảnh tình hình dịch bệnh diễn biến hết sức phức tạp, trong đó việc thu bảo hiểm xã hội bắt buộc gặp khó khăn nhất định. Nhiều lao động tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh bị mất việc làm, không còn phương tiện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Chính vì vậy, để thực hiện mục tiêu theo Nghị quyết 28-NQ/TW đề ra (đạt 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội), đòi hỏi sự vào cuộc rất tích cực từ phía Chính phủ cũng như chính quyền các cấp. Đại biểu Đặng Bích Ngọc đề nghị báo cáo cần phân tích, đánh giá đầy đủ những nguyên nhân để đưa ra các giải pháp cụ thể, đồng bộ, quyết liệt trong việc phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm bắt buộc, đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp hiện nay.
Về tình hình chậm đóng và tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội, đại biểu Đặng Bích Ngọc đề nghị, cần đánh giá, phân tích kỹ nguyên nhân và xác định rõ đối tượng để từ đó có giải pháp phù hợp. “Cần rà soát công khai các doanh nghiệp, người sử dụng lao động chậm nộp, trốn đóng bảo hiểm xã hội để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác kiểm tra, giám sát”, đại biểu Đặng Bích Ngọc nêu.
Về công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm, trong năm 2020, đại biểu Đặng Bích Ngọc cho rằng, việc thực hiện khắc phục sau thanh tra, kiểm tra cũng như phân tích, đánh giá trong báo cáo chưa rõ; chế tài để xử phạt hiện nay chưa đủ mạnh nên tính chất răn đe chưa cao, tình trạng chấp hành quyết định xử lý vi phạm hành chính giai đoạn 2016-2020 còn ở mức thấp, mới đạt 25,2% số tiền phải thu hồi. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp cũng như người sử dụng lao động vẫn còn vi phạm.
“Điều này đã làm ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của người lao động. Trong bối cảnh như hiện nay, người lao động cũng là lực lượng yếu thế. Chính phủ cần có sự phân tích, đánh giá và ban hành những chế tài nghiêm khắc để triển khai thực hiện tốt hơn việc đóng bảo hiểm xã hội”, đại biểu Đặng Bích Ngọc nêu rõ.
Đại biểu Nguyễn Hải Anh (Đồng Tháp) cho rằng, thực tế thời gian gần đây, số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần có xu hướng gia tăng: Năm 2020 với 860.741 người, tăng 6,65% so với năm 2019 và tăng gấp 2 lần số người tham gia bảo hiểm xã hội tăng thêm của năm 2020. “Nghĩa là cứ một người tham gia bảo hiểm xã hội thì có hai người rời hệ thống. Đây là một thực tế đáng quan ngại bởi sẽ phá vỡ hệ thống bảo hiểm xã hội. Người lao động rời bỏ hệ thống bảo hiểm xã hội là tự tước quyền được tham gia thụ hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, đặc biệt là chế độ dài hạn như hưu trí, tử tuất, sẽ dẫn đến rủi ro đối với chính người lao động trong tương lai; đồng thời, tạo ra những thách thức lớn trong việc thực hiện mục tiêu mở rộng bảo hiểm xã hội cũng như đảm bảo an sinh xã hội của đất nước".
Do đó, đại biểu Nguyễn Hải Anh đề nghị tới đây, khi sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội, Quốc hội cần xem xét quy định về việc bảo hiểm xã hội một lần "thật thấu đáo"; sửa đổi theo hướng quy định chặt chẽ hơn việc hưởng bảo hiểm xã hội một lần, sửa đổi điều kiện bảo hiểm hưu trí theo thời gian giảm dần số năm, để giúp người lao động dễ dàng được hưởng lương hưu, hạn chế nhận bảo hiểm xã hội một lần, tăng cường sự liên kết hỗ trợ.
Tiếp tục hỗ trợ bảo hiểm y tế cho người dân khó khăn, dân tộc thiểu số
Cho ý kiến về việc quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm y tế năm 2020 và thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân trong hai năm 2019-2020, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao sự quyết tâm, kịp thời, hiệu quả của Chính phủ và các bộ, ngành thông qua việc tổ chức thực hiện Nghị quyết 68 của Quốc hội. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời ban hành chính sách, giải pháp phù hợp, quyết liệt thực hiện mục tiêu và các chỉ tiêu cụ thể được giao. Được sự quan tâm, đầu tư trạm y tế xã vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, chấn chỉnh, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, đặc biệt đạt và vượt chỉ tiêu về tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế năm 2020.
Tuy nhiên, theo đại biểu Đặng Bích Ngọc, thực hiện Quyết định số 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, đã tác động lớn tới thực hiện chính sách bảo hiểm y tế cho người dân đang sinh sống trên các địa bàn của các tỉnh. Người dân ở những xã về đích nông thôn mới không được hưởng chính sách hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm y tế.
Thực tế hiện nay, tại các xã đã về đích nông thôn mới, đối tượng nghèo còn rất nhiều, không thể bỏ tiền để mua bảo hiểm y tế. Điều này tác động rất lớn đến việc thực hiện tỷ lệ bao phủ y tế toàn dân các tỉnh miền núi. Vì vậy, đại biểu Đặng Bích Ngọc đề nghị Chính phủ xem xét và cho kéo dài thời gian thực hiện chính sách bảo hiểm y tế cho đối tượng này đến hết năm 2021. Thời gian tới, khi xây dựng chính sách bảo hiểm y tế nên quy định theo đối tượng hưởng và không nên quy định theo vùng, khu vực; những đối tượng nghèo sẽ thiệt thòi.
Bên cạnh đó, đại biểu Đặng Bích Ngọc đề nghị tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra đối với việc thực hiện quỹ bảo hiểm y tế để hạn chế tình trạng trục lợi bảo hiểm y tế. "Thời gian qua, còn nhiều vụ việc lập khống hồ sơ để hưởng chế độ bảo hiểm y tế. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, tình hình dịch COVID-19 diễn biến còn phức tạp, số lượng người làm việc giảm, các cơ sở y tế hụt thu. Do đó, nếu như chúng ta không kiểm tra, giám sát tốt sẽ dẫn đến việc các cơ sở y tế làm hồ sơ khống để chi trả bảo hiểm nhằm trục lợi, gây thất thoát cho quỹ. Vì vậy, các cấp cần chỉ đạo quyết liệt nội dung này", đại biểu Đặng Bích Ngọc nêu.
Đồng quan điểm, đại biểu Phạm Đình Thanh (Kon Tum) cho rằng, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 861/QĐ-TTg, số người thuộc ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế, Nghị định 146 năm 2018 của Chính phủ và Quyết định số 72 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ đã giảm với số lượng tương đối lớn. Theo số liệu của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đến tháng 8/2021, cả nước có khoảng 4 triệu người không được tiếp tục hỗ trợ bảo hiểm y tế. Qua quá trình khảo sát cho thấy, trong số những người không được Nhà nước hỗ trợ bảo hiểm y tế, có nhiều trường hợp có hoàn cảnh rất khó khăn, không có khả năng tự mua bảo hiểm y tế cho cá nhân và hộ gia đình, đặc biệt, những trường hợp này chủ yếu rơi vào các đồng bào dân tộc thiểu số.
Do đó, đại biểu Nguyễn Đình Thanh đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan sớm rà soát, đánh giá đúng thực trạng tình hình để ban hành các chính sách phù hợp, nhằm tiếp tục hỗ trợ bảo hiểm y tế cho người dân khó khăn, không có khả năng tự mua bảo hiểm y tế; từ đó giúp người dân, đặc biệt đồng bào dân tộc thiểu số có điều kiện chăm sóc sức khỏe, giảm bớt gánh nặng về tài chính, góp phần tăng tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số tham gia bảo hiểm y tế để đến năm 2025 đạt 98% đồng bào dân tộc thiểu số tham gia bảo hiểm y tế theo mục tiêu Nghị quyết 88 Quốc hội khóa XIV đã đề ra.
Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Đình Thanh đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền chính sách pháp luật về bảo hiểm y tế, kết hợp với tăng cường thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh những hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm y tế; tiếp tục hoàn thiện, sớm trình Quốc hội Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, Luật Khám chữa bệnh sửa đổi để thực hiện tốt hơn nữa chủ trương của Đảng về chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.
Diệp Trương