Quan Hóa phát triển nghề nuôi ong tự nhiên lấy mật

Quan Hóa phát triển nghề nuôi ong tự nhiên lấy mật
Là người đi tiên phong trong phong trào nuôi ong, anh Nguyễn Toàn, khu 5, thị trấn Quan Hóa đã có gần 25 năm gắn bó với nghề nuôi ong tự nhiên lấy mật. Ban đầu kinh nghiệm chưa có, ong bị bệnh thối ấu trùng, ong non không nở dẫn đến số lượng ong trong đàn giảm nhanh. Không nản chí, quyết tâm học hỏi kỹ thuật qua đài, báo cũng như tham quan nhiều hộ nuôi ong trong tỉnh, anh đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm và "làm chủ" được đàn ong. Bình quân mỗi năm gia đình anh nuôi từ 100 - 150 đàn ong lấy mật. Diện tích vườn, đồi nhà không đủ, anh còn đem đàn đi gửi ở vườn, đồi của người quen.

Anh Toàn cho biết, có thời điểm gia đình anh nuôi hơn 200 đàn ong. Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật trong quá trình nuôi nên mô hình của gia đình anh cho năng suất khá, trở thành gương điển hình ở địa phương. Hiện bình quân mỗi năm đàn ong có thể đem lại cho gia đình anh từ 200 - 300 lít mật ong tự nhiên. Với giá thành hiện nay từ 550 - 600.000 đồng/lít, thu nhập từ bán mật ong của gia đình anh khoảng 150 - 200 triệu đồng/năm, chưa kể thu nhập từ nghề bán ong giống, bán phụ kiện nghề ong và tư vấn kỹ thuật, chăm sóc ong...
  
Theo anh Toàn, vào mùa xuân khi cây cối đâm chồi nảy lộc, đơm hoa, ong sẽ đi tìm thức ăn và đây là thời điểm tốt nhất để khai thác mật. Bình quân mỗi đàn ong có thể cho 15 lít mật/vụ. Từ tháng 7 đến tháng 9 âm lịch, phải thường xuyên kiểm tra các thùng ong để thay cầu yếu, tách cầu khỏe bởi đây là mùa bảo tồn giống nòi cho ong. Vào mùa đông giá rét thì chủ động che chắn kín gió, vệ sinh thùng ong sạch sẽ phòng trừ bệnh hại, chăm sóc, nuôi dưỡng, cho ăn bổ sung đúng quy trình. Nuôi ong không mất nhiều công chăm sóc mà chủ yếu phải nắm được đặc tính sinh trưởng và phát triển của đàn ong để tránh cho ong khỏi mắc một số bệnh thông thường như: bệnh thối ấu trùng, ấu trùng túi…

Anh Nguyễn Toàn khẳng định: “Nuôi ong là nghề “một vốn bốn lời” vì chi phí đầu tư thấp, vốn đầu tư ban đầu không lớn, không mất nhiều diện tích. Chính vì vậy, nghề nuôi ong lấy mật đang hứa hẹn giúp nhiều hộ dân ở huyện miền núi Quan Hóa thoát nghèo, vươn lên làm giàu, phát triển kinh tế địa phương”.

Cũng khởi nghiệp từ nghề nuôi ong, anh Hà Văn Hân (thôn Ca Me, xã Phú Nghiêm, huyện Quan Hóa) mới bắt tay vào nuôi ong gần 5 năm nay. Từ 3 đàn ong ban đầu, đến nay gia đình anh Hân đã phát triển lên thành 40 - 50 đàn ong. Mật ong của gia đình được khách hàng đón nhận, người nọ "mách" người kia đến mua và đặt hàng.

Theo anh Hân, nghề nuôi ong vừa dễ lại vừa khó, dễ là bởi nuôi ong không đòi hỏi vốn đầu tư lớn, không vất vả như các công việc chân tay khác và ai cũng có thể làm được, mỗi ngày người nuôi chỉ cần bỏ ra khoảng 2 - 3 giờ để chăm sóc, vệ sinh thùng ong. Nhưng khó ở chỗ trong quá trình chăm sóc đòi hỏi người nuôi phải cẩn thận, kiên trì, tỉ mỉ và nắm rõ đặc tính của ong như: di chuyển, ăn, xây tổ, chia đàn... và có như vậy ong mới gắn bó với gia chủ và không bỏ đi.
Hướng dẫn kỹ thuật nuôi ong. Ảnh: kinhtenongthon.vn
Hướng dẫn kỹ thuật nuôi ong. Ảnh: kinhtenongthon.vn

Hiện trên địa bàn huyện Quan Hóa có khoảng 50 gia đình đang nuôi ong mật với gần 500 đàn ong, chủ yếu ở các xã Phú Nghiêm, Xuân Phú, Nam Xuân, Nam Đồng, Thành Xuân, Xuân Phú, Phú Nghiêm và thị trấn Quan Hóa. Tuy có tiềm năng và thế mạnh để phát triển, nhưng hiện nghề nuôi ong lấy mật ở Quan Hóa chủ yếu là phát triển tự phát, nhỏ lẻ. Các sản phẩm từ ong tự nhiên ở đây được mang đi trưng bày tại các hội chợ nông sản trong và ngoài tỉnh, được khách hàng ưa chuộng và đánh giá cao. Tuy nhiên, do nuôi nhỏ lẻ ở các gia đình nên lượng mật ong bán ra vẫn còn hạn chế so với nhu cầu càng càng tăng của người tiêu dùng.

Ông Hà Đức Lý, Chủ tịch Hội làm vườn huyện Quan Hóa cho biết: “Để duy trì, phát triển nghề nuôi ong lấy mật, các hộ nuôi ong trên địa bàn huyện Quan Hoá cần có sự quan tâm hơn nữa của cấp ủy, chính quyền và cơ quan chuyên môn về quy mô đầu tư, hỗ trợ kỹ thuật cho đồng bào dân tộc thiểu số; đồng thời có những chính sách, chương trình quảng bá về các sản phẩm từ ong, tạo dựng thương hiệu cho mật ong Quan Hóa. Hiện nay, Hội làm vườn huyện Quan Hóa đang phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng xây dựng thương hiệu "Mật ong Mường Ca Da" đảm bảo uy tín, chất lượng và an toàn thực phẩm, góp phần vào sự phát triển kinh tế chung của huyện cũng như công cuộc xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới ở huyện miền núi phía Tây tỉnh Thanh Hoá”.

Để nâng cao kiến thức cho người nuôi ong mật, tăng đàn cũng như chất lượng sản phẩm mật ong, hàng năm Hội Làm vườn và Trang trại huyện Quan Hóa đều phối hợp với các đơn vị dạy nghề trong và ngoài tỉnh tổ chức dạy nghề nuôi ong lấy mật cho các hội viên. Qua các lớp học và tập huấn, hội viên được trang bị những kiến thức cơ bản về kỹ thuật nuôi ong lấy mật như: chăm sóc, phòng bệnh cho ong; cho ong ăn trong thời gian không có hoa tự nhiên, cách chia đàn, nhận biết ong chúa, thu hoạch mật ong...

Có thể thấy ngoài lợi ích kinh tế, nghề nuôi ong lấy mật ở Quan Hoá còn góp phần tạo việc làm cho người dân địa phương lúc nông nhàn. Bên cạnh đó, việc nuôi ong còn giúp thụ phấn cho cây trồng, tăng năng suất, chất lượng mùa màng, bảo vệ tính đa dạng sinh học của các loài thực vật và bảo vệ môi trường sinh thái. Để giúp người dân nâng cao lợi ích từ nghề nuôi ong lấy mật và bảo đảm tính bền vững của mô hình, Hội làm vườn huyện Quan Hóa đang phối hợp với UBND huyện và chính quyền các xã có người nuôi ong thành lập tổ hợp tác nuôi ong với mục tiêu hỗ trợ, tư vấn kỹ thuật nuôi ong, cung cấp nguồn ong giống tự nhiên đảm bảo cho các hộ gia đình có ong nuôi lấy mật.

Hy vọng cách làm này sẽ là hướng đi hiệu quả mang lại nguồn thu nhập cho người dân địa phương, góp phần xóa đói, giảm nghèo ở huyện miền núi Quan Hoá trong thời gian tới. 
Hoa Mai

Có thể bạn quan tâm