Tuy nhiên, tình trạng bệnh nhân nằm ghép vẫn đang diễn ra ở nhiều cơ sở y tế.
2 - 4 bệnh nhân chung một giường Vừa bế, vừa quạt cho con ngủ trên chiếc chiếu nhỏ ở chân cầu thang của khoa Hô hấp 1, Bệnh viện (BV) Nhi đồng 2 Thành phố Hồ Chí Minh, chị Nguyễn Thị Quế (Bến Tre) cho biết: Con chị đã điều trị dưới BV tỉnh cả 10 ngày, nhưng bệnh không thuyên giảm, nên phải đưa lên BV Nhi đồng 2. Phòng bệnh ở đây luôn quá tải, các bé đều phải nằm ghép 2 - 3 cháu/giường. "Phòng bệnh chật chội, cộng thêm cả người chăm sóc, người thăm nom ra vào nữa, nên rất ngột ngạt. Vì vậy, tôi phải đưa con ra góc chân cầu thang nằm cho thoáng. Để phòng bệnh dịch do muỗi truyền, tôi phải mua thêm hương chống muỗi để thắp quanh chỗ bé nằm", chị Quế chia sẻ.
|
Không riêng gì chị Quế, rất nhiều phụ huynh phải chọn giải pháp ẵm con nằm la liệt ngoài hành lang, hoặc chân cầu thang. Thống kê cho thấy, trung bình mỗi ngày BV này khám cho khoảng 6.500 - 7.000 trẻ. Hiện khoa Hô hấp 1 và khoa Hô hấp 2 có hơn 420 bệnh nhân, nhưng cả 2 khoa này chỉ có khoảng 300 giường bệnh.
“Trước mắt, Bộ Y tiếp tục tập trung đầu tư và chỉ đạo việc xây dựng và khởi công một số cơ sở 2 của một số BV lớn như: BV Bạch Mai, BV Hữu nghị Việt Đức cơ sở 2 tại Hà Nam; BV Chấn thương chỉnh hình 175; BV Nhi đồng thành phố Hồ Chí Minh và BV Nhi Hà Nội. Chắc chắn, sau khi các cơ sở này đi vào hoạt động tình trạng quá tải sẽ được cải thiện, số lượng các BV tham gia ký kết không để bệnh nhân nằm ghép cũng sẽ tăng hơn”. PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh |
Tại BV Nhi Đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh, tình trạng cũng tương tự. BS Lê Bích Liên, Phó Giám đốc BV, cho biết: “Ngoại trừ cấp cứu là mỗi bệnh nhi/giường, còn các bé đều phải nằm ghép, trung bình 2 - 4 cháu/giường. Số lượng nằm ghép thường tăng vào những ngày cuối tuần”. Tình trạng quá tải không chỉ diễn ra ở TP Hồ Chí Minh, mà các BV tại Hà Nội như: BV Bạch Mai, BV Phụ sản Trung ương, BV K... cũng tương tự. Chia sẻ với phóng viên báo Tin Tức, nhiều sản phụ ở khoa Sản 1, BV Phụ sản Trung ương, rất bức xúc vì thường xuyên phải nằm ghép 2 - 3 người/giường. Vào giờ thăm nuôi, trong các bệnh phòng, dễ dàng bắt gặp cảnh sản phụ trải chiếu kín khoảng trống dưới đất, phần để sinh hoạt, phần để tiện đến tối còn ngủ. “Suốt nửa tháng nằm viện, tôi luôn phải nằm ghép 2 người/giường. Mà thế vẫn còn may, chứ nhiều sản phụ khác còn ghép 3 người/giường. Việc cùng ngủ nghỉ trên 1 gường bệnh đối với sản phụ trong quá trình điều trị là rất cực, ở đây toàn là các sản phụ gần đến ngày sinh; như chị nằm cùng giường tôi hơn 80 kg, nên mỗi lúc xoay chuyển người thôi cũng là cả một sự cố gắng lớn. Mà buồng bệnh lại chật, giường kê san sát, có muốn trải chiếu ra nằm sàn nhà cũng không được”, chị Mai Ánh Nguyệt (quận Long Biên), nằm tại buồng bệnh số 1, khoa Sản 1, phản ánh. Còn tại BV Bạch Mai, ngay sau khi dư luận lên tiếng về việc bệnh nhân nằm ghép 2 - 4 bệnh nhân/giường tại Viện Tim mạch và một số khoa, phòng khác, lãnh đạo BV đã họp bàn và đưa ra nhiều giải pháp như: Nhanh chóng chuyển bớt bệnh nhân khoa phòng quá tải về khu nhà mới 21 tầng, chuyển bệnh nhân phục hồi về tuyến dưới, bình bệnh án và bác sĩ điều trị phải giải thích vì sao bệnh nhân nằm quá 14 ngày... Tuy nhiên, thực tế thì tình trạng người bệnh nằm ghép 2 - 3 người/giường vẫn diễn ra ở một số khoa như khoa Hô hấp, Viện Tim mạch, Thần kinh... Chờ... cải tạo, xây dựng Theo TS Dương Đức Hùng, Trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp, BV Bạch Mai, vì là tuyến cuối, BV thường xuyên phải tiếp nhận một lượng lớn bệnh nhân nặng; trong khi cơ sở vật chất có hạn, nên hiệu quả giảm quá tải vẫn chưa thể như mong đợi. “BV Bạch Mai chỉ có 2.300 giường bệnh, nhưng thường xuyên có khoảng 4.000 bệnh nhân điều trị nội trú, nhiều khi rất khó liên hệ để chuyển bệnh nhân đi BV khác... Hiện tại, BV Bạch Mai đã bắt đầu triển khai xây dựng Trung tâm Khám bệnh, điều trị trong ngày, đồng thời cải tạo, nâng cấp khoa Thần kinh và Viện Sức khỏe Tâm thần. Dự kiến sau 2 năm nữa, công trình này sẽ hoàn hiện với quy mô 9 tầng nổi là nơi khám chữa bệnh và 3 tầng hầm dành để làm nhà để xe. Đặc biệt, tình trạng quá tải của BV sẽ được cải thiện khi cơ sở 2 tại Hà Nam hoàn thành vào năm 2017”, TS Dương Đức Hùng cho biết. BS Lê Bích Liên, Phó giám đốc BV Nhi Đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho biết, nhiều năm qua, các BV thành phố đã triển khai nhiều giải pháp giảm tải như: Tăng cường lọc bệnh tại các phòng khám; tăng tối đa giường thực kê tại các khoa phòng; chủ động liên hệ để chuyển bệnh nhân về điều trị tại tuyến dưới. Về lâu dài, khi BV Nhi Thành phố xây dựng xong, đi vào hoạt động, sẽ chuyển bớt bệnh nhi để giảm tải cho BV Nhi Đồng 1. Để thực hiện giảm quá tải, đại diện nhiều BV khẳng định đã chú trọng tăng bàn khám, kê thêm giường, ứng dụng công nghệ thông tin, tăng giờ làm việc, đẩy mạnh điều trị ngoại trú... Tuy nhiên, tình trạng quá tải vẫn “nóng” bởi bệnh nhân có xu hướng ngày một tăng, trong khi nguồn nhân lực cơ sở vật chất chưa phát triển tương xứng. “Giải pháp căn cơ và lâu dài cho việc giảm quá tải chính là các BV tuyến dưới phải tạo được niềm tin với người bệnh, đồng thời phải triển khai đồng bộ nhiều giải pháp khác như mở rộng cơ sở vật chất, y tế dự phòng... Tuy nhiên, đây là việc cần phải có thời gian để thực hiện”, BS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh, khẳng định.
Đến nay, đã có 35/39 BV tuyến Trung ương ký cam kết không để người bệnh nằm ghép theo từng cấp độ (ngay sau khi vào viện; sau 24 giờ vào viện; sau 48 giờ vào viện). Thành phố Hồ Chí Minh có tới 29/31 BV tuyến cuối cam kết không để người bệnh nằm ghép. |