Ngày 29/10, các nhà nghiên cứu Australia đã phát hiện ra phương pháp mới để giám sát diễn tiến của bệnh ung thư, trong đó sử dụng xét nghiệm máu để phát hiện mức độ tổn thương mô trong cơ thể người bệnh.
Khả năng liên kết giữa các túi ngoại bào (EV) trong máu và tổn thương mô đã được ông Edwin Hawkins, trưởng phòng thí nghiệm tại Viện nghiên cứu y khoa Walter và Eliza Hall (WEHI), đồng thời cũng là tác giả chính của nghiên cứu, nhắc tới lần đầu vào năm 2018. Tuy nhiên, nghiên cứu này là lần đầu tiên các nhà khoa học tiết lộ mối liên hệ giữa nồng độ EV trong máu và tổn thương mô do các bệnh, chẳng hạn như bệnh bạch cầu gây ra.
EV là các hạt siêu nhỏ do tất cả các tế bào giải phóng ra nhằm truyền tải các chất như chất đạm, chất béo và thông tin di truyền đến các tế bào khác. Các nhà khoa học đã sử dụng kính hiển vi độ phân giải cao để chụp ảnh các EV sống trong tủy xương của loài chuột, từ đó mở ra một hướng nghiên cứu mới trong lĩnh vực này.
Theo bà Georgia Atkin-Smith, thành viên nhóm nghiên cứu, sự phát triển của bệnh bạch cầu có thể làm suy thoái các mạch máu khỏe mạnh trong tủy xương. Những con chuột bị tổn thương mạch máu trong tủy xương có nồng độ EV trong máu cao, trong khi những con chuột khỏe mạnh thì không.
Nhóm nghiên cứu hy vọng rằng phát hiện này sẽ giúp đưa đến việc phát triển một xét nghiệm máu mới để theo dõi tổn thương mô ở bệnh nhân ung thư, từ đó có thể tìm ra phương pháp điều trị cho các bệnh nhân mắc bệnh bạch cầu và các bệnh ung thư khác.
Các nhà khoa học hiện đang tiếp tục hợp tác với Trung tâm Ung thư Peter MacCallum tại Melbourne nhằm tìm hiểu thêm về vai trò của EV như một dấu ấn sinh học trong bệnh bạch cầu tủy cấp tính, với mục tiêu đánh giá tác động của bệnh đối với mô khỏe mạnh và tiến triển của bệnh.
Linh Tô