Thời gian qua, tình trạng hạn, mặn đang tác động nặng nề đến sản xuất nông nghiệp ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và khu vực các tỉnh ven biển nói riêng. Cùng với đó, nguy cơ thiếu nguyên liệu xuất khẩu còn kéo dài sau hạn mặn bởi cây cối tiếp tục suy kiệt, ngay cả khi nước ngọt đã về đồng bằng. Mùa mưa bắt đầu cũng là lúc người dân vùng ven biển tập trung phục hồi sau hạn, mặn để sản xuất trở lại, đồng thời áp dụng giải pháp ứng phó hạn mặn trong trong thời gian tới. Phóng viên TTXVN thực hiện chùm 2 bài về “Phục hồi sau hạn, mặn vùng ven biển” trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt và cần có giải pháp hiệu quả mang tính bền vững lâu dài.
Bài 1: Nỗi lo sau hạn mặn
Hạn hán, xâm nhập mặn diễn ra ngày càng gay gắt, kéo dài và lấn sâu vào nội đồng nhất là các tỉnh ven biển hạ lưu sông Tiền, sông Vàm Cỏ đã gây ảnh hưởng đến tình hình sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân. Sau thời gian hạn mặn gây ảnh hưởng, mùa mưa đang bắt đầu, cũng là lúc nông dân tất bật áp dụng các giải pháp phục hồi vườn cây, tạo điều kiện cho cây phát triển tốt cho trái hiệu quả vào vụ trái tiếp theo.
Hạn mặn bủa vây
Trong những tháng đầu năm 2024, trước tình hình hạn hán và xâm nhập mặn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và sản xuất tại địa phương. Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang đã ký Quyết định số 556/QĐ-UBND về việc công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai xâm nhập mặn, thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô năm 2024 trên địa bàn huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang. Toàn huyện Tân Phú Đông có hàng nghìn hộ dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi hạn mặn, thiếu nước sinh hoạt trầm trọng.
Ông Nguyễn Văn Bướm, Trưởng ấp Pháo Đài (xã Phú Tân, huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang) chia sẻ, mùa khô năm nay, nước mặn xâm nhập sâu nên người dân ở huyện cù lao này gặp khó khăn về nguồn nước uống cùng nước sinh hoạt. Nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương cùng các mạnh thường quân trong việc hỗ trợ nước ngọt, người dân ở đây có nguồn nước sạch sử dụng. Bên cạnh đó, những ngày qua, các cấp, ngành, mạnh thường quân trong và ngoài tỉnh đã chung sức hỗ trợ nguồn nước ngọt cho người dân huyện Tân Phú Đông. ủng hộ nhân dân địa phương vượt qua khó khăn, thách thức, giảm nhẹ thiên tai bằng những việc làm thiết thực.
Tình hình nắng nóng kéo dài của mùa khô năm 2024 đã ảnh hưởng không nhỏ đến vườn cây ăn trái của tỉnh Tiền Giang, đặc biệt là vùng chuyên canh cây sầu riêng của ở các huyện phía Tây của tỉnh. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, đến tháng 3 năm 2024, diện tích sầu riêng bị ảnh hưởng bởi hiện tượng cháy lá là 5.597 ha, chiếm 25,7% diện tích sầu riêng của tỉnh; trong đó, tập trung nhiều ở huyện Cai Lậy có 3.162 ha, huyện Cái Bè có 1.860 ha, thị xã Cai Lậy có 340 ha và huyện Châu Thành có 235 ha. Có nhiều nguyên nhân của hiện tượng cháy lá sầu riêng như cháy lá do sinh lý, vườn suy kiệt sau thu hoạch kết hợp ảnh hưởng thời tiết nắng nóng; nhiễm nấm bệnh…
Tại tỉnh Bến Tre, mặc dù có sự chủ động trong ứng phó, các giải pháp công trình phát huy hiệu quả. Tuy nhiên do hạn mặn kéo dài đã ảnh hưởng đến sản xuất của người dân. Ông Bùi Văn Chiến, xã Hưng Khánh Trung B, huyện Chợ Lách, Bến Tre cho hay, đợt hạn mặn vừa qua ảnh hưởng lớn đến 5.000 m2 đất vườn sầu riêng của gia đình. Do cây đang mang trái trong mùa khô hạn kết hợp nước mặn xâm nhập, mặc dù chuẩn bị phương án trữ nước tưới, tuy nhiên vườn sầu riêng cũng bị ảnh hưởng. Theo ông Chiến, trong thời điểm hạn mặn để cây sầu riêng không bị suy kiệt, ông buộc phải cắt bỏ bớt trái, năng suất chỉ còn 50%. Bên cạnh đó, do hạn mặn kéo dài nhiều cây sầu riêng bị xuống sức, nhiều cây chống chịu không nổi héo lá dẫn đến chết cây…
Tại tỉnh Long An, mùa khô 2023 – 2024 vừa qua, độ mặn 1,0 g/l trên sông Vàm Cỏ Đông đến qua cầu An Hạ, huyện Đức Hòa, cách cửa sông Soài Rạp khoảng 88 km; (so với cùng kỳ năm 2023 theo ngày Âm lịch, độ mặn 1,0 g/l vượt qua cống Ông Bình, huyện Cần Đước (1,2 g/l), cách cửa sông Soài Rạp khoảng 48 km; Trên sông Vàm Cỏ Tây độ mặn 1,0 g/l vượt qua Kênh 2/9, xã Thạnh Phước, huyện Thạnh Hóa cách cửa sông Soài Rạp khoảng 135 km.
Ông Võ Kim Thuần, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn và thủy lợi tỉnh Long An cho biết, hạn hán, xâm nhập mặn những năm qua diễn biến gay gắt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và sản xuất nông nghiệp của người dân trên địa bàn. Đợt hạn mặn vừa qua, do chủ động bố trí lịch thời vụ hợp lý nên tình hình sản xuất lúa không bị ảnh hưởng. Tuy nhiên trên địa bàn có hơn 4.600 ha cây chanh và các loại cây ăn quả khác bị giảm năng suất do ảnh hưởng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.
Bên cạnh đó, tình trạng thiếu nước sinh hoạt còn diễn ra trên diện rộng ở các huyện vùng hạ của tỉnh. Tại hai huyện Cần Giuộc và Cần Đước có hơn 8.000 hộ dân và một số hộ dân ở huyên Tân Trụ bị thiếu nước sinh hoạt. Tại các địa phương này, các giếng khoan tầng thấp tại chỗ không thể lấy nước do nguồn nước bị nhiễm mặn. Trong khi đó, nguồn nước cấp thông qua hệ thống cấp nước tập trung của các nhà máy khan hiếm, không đủ công suất phục vụ cho người dân.
Đẩy mạnh phục hồi sau hạn mặn
Theo ông Nguyễn Văn Tâm, xã Phong Nẫm, huyện Giồng Trôm chia sẻ, cây dừa là cây có khả năng chống chịu hạn mặn bậc nhất tại Bến Tre. Tuy nhiên do khô hạn kéo dài kết hợp độ mặn tăng cao, vườn dừa xiêm xanh với diện tích 1 ha của gia đình vẫn bị ảnh hưởng. Ông Tâm lý giải, thời điểm hạn mặn thiếu nước ngọt để tưới, cây dừa hấp thụ nước mặn trái dừa nhỏ lại, chất lượng trái không đảm bảo. Hiện ông Tâm đang tập trung tưới nước, bón phân hữu cơ, phòng trừ sâu hại giúp cây dừa phục hồi dinh dưỡng để nuôi trái. Theo ông Tâm sau hạn mặn với các giải pháp quyết liệt vườn dừa sau 3-4 tháng mới đạt năng suất chất lượng như trước đây.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An, tình trạng hạn, mặn kéo dài trong mùa khô 2023-2024 đã ảnh hưởng rất lớn đến diện tích cây ăn trái trên địa bàn tỉnh. Nhiều diện tích đã bị suy kiệt, héo lá. Vì vậy, khi mưa xuống, nông dân khẩn trương xử lý và chăm sóc để vườn cây sớm phục hồi.
Mùa mưa đến ông Trần Văn Phước, xã Thạnh Hoà, huyện Bến Lức, Long An, tập trung các biện pháp như: cắt tỉa cành, tạo tán cho cây, xả phèn trong mương nước, rải vôi, bón phân hữu cơ kích thích ra rễ…cho 1,5 ha đất vườn tròng chanh của gia đình. Nhờ tích cực chăm sóc nên vườn cây đâm chồi, xanh tươi trở lại sau gần 1 tháng chăm sóc. Bên cạnh đó, các cây bị ảnh hưởng nặng ông Phức cắt bỏ trồng lại cây mới. Ông Phước chia sẻ, chi phí phục hồi vườn cây tăng cao hơn các năm trước, trung bình hơn 50 triệu đồng/ha, tăng 10-15 triệu đồng/ha. Theo ông Phước, chăm sóc tích cực cho vườn cây để ông Phước sủa lại thời vụ cho cây, khi đó cây cho trái “né” được hạn, mặn thu nhập khá hơn hiện nay.
Ông Nguyễn Văn Mẫn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang trao đổi, trước sự xuất hiện của hiện tượng cháy lá trên sầu riêng do ảnh hưởng hạn mặn, Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn phối hợp với Viện Cây ăn quả miền Nam đã tổ chức Hội thảo “Biện pháp quản lý bệnh cháy lá trên sầu riêng” và “Kỹ thuật chăm sóc sầu riêng trong điều kiện hạn, mặn” với sự tham dự của cán bộ kỹ thuật cấp tỉnh, huyện; các hội, đoàn thể huyện, xã; Tổ khuyến nông cộng đồng các xã; nông dân trồng sầu riêng trên địa bàn các xã, thị trấn huyện Cai Lậy.
Song song đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức 36 cuộc tập huấn tại các xã trọng điểm trồng sầu riêng với trên 1.080 nông dân tham dự. Nội dung tập huấn: chuyển giao, hướng dẫn biện pháp quản lý bệnh cháy lá trên cây sầu riêng, biện pháp quản lý và sử dụng nguồn nước tưới cho cây trồng, kỹ thuật chăm sóc cây trồng trong điều kiện hạn, mặn,… Ngoài ra, đơn vị cũng đã tổ chức cảnh báo và khuyến cáo các giải pháp quản lý hiện tượng cháy lá sầu riêng đến người dân, đặc biệt trong mùa khô thông qua các Bản tin thời tiết nông vụ.
Thông qua công tác hội thảo, tập huấn, tuyên truyền nông dân đã tích cực chăm sóc vườn sầu riêng, đến nay hiện tượng cháy lá trên cây sầu riêng tại Tiền Giang đã cơ bản được kiểm soát, hạn chế gia tăng thêm diện tích nhiễm mới, quản lý tốt hiện tượng cháy lá trên diện tích đã nhiễm. Các diện tích đã nhiễm cháy lá trước đó cây đã phục hồi, ra cơi đọt mới và sẽ cho vụ trái tiếp theo trong 4-5 tháng tới.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, ngụ ấp 4, xã Mỹ Tân, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, có 3 ha sầu riêng bị cháy lá trong những ngày nắng nóng của mùa khô năm nay, chia sẻ: Nhờ khuyến cáo cùng với hướng dẫn biện pháp quản lý hiện tượng cháy lá và cách chăm sóc nên vườn sầu riêng của tôi hiện nay đã phục hồi tốt, sẵn sàng cho trái vào vài tháng tới.
Ông Huỳnh Quang Đức, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre cho hay, Hiện tại toàn tỉnh có hơn 79.000 ha dừa, hơn 24.000 ha cây ăn quả... Sau đợt hạn mặn, ngành nông nghiệp đang tập trung hướng dẫn nông dân thực hiện các giải pháp phục hồi vườn dừa, vườn cây ăn quả như dừa, sầu riêng, bưởi da xanh, ca cao, chanh… Các địa phương trong tỉnh tập trung thực hiện các giải pháp phục hồi chung cho từng vùng sản xuất, kết hợp giải pháp về thị trường đầu ra cho sản phẩm, khi đó sản xuất mang lại giá trị bền vững hơn. (Xem tiếp Bài 2: Sống chung với hạn mặn)
Phúc Hậu – Hữu Chí – Trường Giang