Là một tỉnh có thế mạnh về nông nghiệp, Phú Yên tập trung triển khai nhiều giải pháp đồng bộ phát triển nền nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, ứng dụng hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật, phát triển sản phẩm theo chuỗi, tạo ra các sản phẩm chủ lực, mang lại chất lượng và giá trị kinh tế cao. Ngành nông nghiệp được Phú Yên lựa chọn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm đột phá, “bệ phóng” thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh trong những năm đến.
Phát huy lợi thế về nông nghiệp
Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, từ năm 2016 đến nay, Phú Yên đầu tư, xây dựng ngành nông nghiệp phát triển một cách toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Nông nghiệp Phú Yên có tốc độ tăng trưởng ổn định với giá trị gia tăng bình quân đạt gần 4%/năm, đóng góp gần 24% giá trị tổng sản phẩm trong cơ cấu nền kinh tế của tỉnh; thu hút 584 doanh nghiệp hoạt động ngành nghề sản xuất, kinh doanh liên quan đến nông nghiệp, nông thôn, 42 dự án trong nước và nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đầu tư vào nông nghiệp với nguồn vốn hơn 7.000 tỷ đồng.
Trong trồng trọt, tỉnh chú trọng xây dựng cánh đồng lớn, đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa, liên kết trong sản xuất góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, đưa sản lượng lương thực có hạt trên địa bàn tỉnh đạt hơn 40 vạn tấn/năm. Tỉnh đã chuyển đổi 3.000 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang các các loại cây trồng khác.
Đặc biệt, trong 3 năm gần đây, nhờ thay đổi cơ cấu giống và mật độ gieo sạ phù hợp nên năng suất lúa vụ Đông Xuân của tỉnh đạt rất cao (76 tạ/ha), nằm trong top đầu các tỉnh có năng suất lúa cao của cả nước. Các mô hình cây ăn quả có chất lượng như: Bơ, sầu riêng hạt lép, mãng cầu, mít Thái tại các huyện miền núi Sông Hinh, Sơn Hòa...bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập cho người nông dân trên một diện tích.
Với lợi thế đường bờ biển dài 189 km, Phú Yên đã đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỷ thuật phát triển các đội tàu đánh bắt xa bờ, nuôi trồng thủy hải sản. Đến năm 2020, sản lượng khai thác thủy sản Phú Yên ước đạt 75.000 tấn, tăng 18,3% so với năm 2015, kim ngạch xuất khẩu thủy sản tăng mạnh, ước đạt 79 triệu USD.
Cùng với đó, tỉnh đã xây dựng hình thành một số vùng nuôi và sản xuất giống thủy sản ứng dụng công nghệ cao đạt tiêu chuẩn GlobalGAP, VietGAP; xây dựng một số chuỗi liên kết trong khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ đại dương; nghiên cứu ứng dụng quy trình nuôi tôm hùm trên bờ trong bể theo công nghệ RAS; 100% vùng nuôi được quan trắc môi trường, giám sát dịch bệnh định kỳ.
Mỗi năm, Phú Yên trồng mới hơn 6.000 ha rừng, nâng độ che phủ rừng toàn tỉnh lên 45%. Đến nay, đã có hơn 94.335 ha rừng trồng; trong đó, có gần 10.000 ha rừng sản xuất được cấp chứng chỉ FSC, gần 4.000 ha rừng gỗ lớn và trồng lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng.
Giá trị sản phẩm thu được bình quân trên mỗi ha đất trồng rừng sản xuất năm 2020 đạt khoảng 120 triệu đồng (gấp 2,4 lần so với năm 2014). Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ và dăm gỗ đạt 36 triệu USD (chiếm 18% trên tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh).
Đến nay, Phú Yên có 58/83 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 2 huyện Tây Hòa, Phú Hòa được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên Nguyễn Trọng Tùng cho biết, trong những năm qua, tỉnh phát triển một nền nông nghiệp ổn định, bền vững, tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế, từng bước đưa giá trị ngành nông nghiệp gia tăng.
Thực tế, giá trị sản phẩm thu được trên đơn vị diện tích canh tác của tỉnh năm 2020, ước đạt 85 triệu đồng/ha, nuôi trồng thủy sản đạt 1 tỷ đồng/ha, gấp 1,5 lần so với năm 2015. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 31,5 triệu đồng/người.
“Bệ phóng” thúc đẩy tăng trưởng
Tỉnh Phú Yên đặt ra mục tiêu đưa tốc độ tăng giá trị tăng thêm ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản giai đoạn 2021-2025 đạt 3,9-4,0%/năm; giá trị sản phẩm thu được bình quân mỗi ha đất trồng đạt khoảng 120 triệu đồng; nuôi trồng các đối tượng thủy sản chủ lực đạt khoảng 1,3 tỷ đồng/ha; mỗi ha đất trồng rừng sản xuất đạt khoảng 170 triệu đồng. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt khoảng 50 triệu đồng vào năm 2025.
Tỉnh cũng đặt mục tiêu đến năm 2025, có 80 xã đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó có 15% xã nông thôn mới nâng cao, 5% xã nông thôn mới kiểu mẫu, đưa huyện Tuy An đạt chuẩn nông thôn mới, duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí huyện nông thôn mới Tây Hòa, Phú Hòa.
Tuy nhiên, trước thực trạng sự dịch chuyển cơ cấu kinh tế toàn ngành vẫn còn chậm chưa tương xứng để phát huy tiềm năng và lợi thế. Việc ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch còn ít; cơ sở hạ tầng phục vụ nông nghiệp, nông thôn chưa đồng bộ.
Các dự án, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao triển khai chậm, chưa thể hiện được vai trò hạt nhân, trong sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, tình trạng nuôi trồng thủy sản tự phát, trái phép vẫn còn xảy ra ở một số địa phương chưa có biện pháp ngăn chặn triệt để.
Để gỡ những “nút thắt”, đưa ngành nông nghiệp phát triển, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên Nguyễn Trọng Tùng cho biết, trong thời gian đến, ngành nông nghiệp Phú Yên sẽ tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, nhân rộng đưa vào sản xuất các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Đồng thời, tỉnh cũng sẽ tăng cường giải pháp, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư lớn, chiến lược vào phát triển nông nghiệp.
Ông Trần Hữu Thế, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên chia sẻ, nông nghiệp là một ngành có tính chất ổn định, thực tế đã được kiểm chứng tốt hơn trong bối cảnh dịch COVID-19 trong thời gian qua. Tỉnh Phú Yên xác định nông nghiệp là “bệ phóng” cho phát triển kinh tế-xã hội trong những năm đến.
Do vậy, tỉnh tập trung phát triển nền nông nghiệp theo mang tính hàng hóa, ứng dụng tiến bộ kĩ thuật trong sản xuất, tăng cường chế biến sâu, phát triển nông nghiệp hữu cơ gắn liền với các loại cây trồng đặc hiểu phù hợp với các tiểu vùng khí hậu của tỉnh.
Là tỉnh có đường bờ biển dài, nhiều thuận lợi trong phát triển đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, Phú Yên không tập trung phát triển nhiều đội tàu mà đi sâu vào đánh bắt có lựa chọn, hướng nuôi trồng và chế biến sâu thủy sản nhiều hơn, ứng dụng tiến bộ kĩ thuật giám sát trong nuôi trồng các sản phẩm thủy sản chủ lực như tôm hùm, cá mú, bớp, nhằm quản lý tốt và đưa gia tăng giá trị thủy sản nuôi.
Trước đó, tháng 7/2020, trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Phú Yên về tình hình phát triển kinh tế xã hội, kết quả công tác đầu tư, Bộ Trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, trong 5 năm đến, nông nghiệp Phú Yên vẫn là một thành tố quan trọng, bệ phóng cho phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
Để thực hiện được điều này, tỉnh cần chú trọng phát triển nông nghiệp theo hướng hiệu quả cao, chứ không chỉ là nông nghiệp công nghệ cao, và phải chuyển sang nông nghiệp hữu cơ để tối ưu hóa giá trị sản phẩm chứ không nên chạy theo sản lượng, có như vậy mới khai thác hết những lợi thế, đưa ngành nông nghiệp phát triển một cách toàn diện, hiệu quả.
Phạm Cường