Các cấp, các ngành và nhiều đơn vị, tổ chức trên địa bàn tỉnh Phú Yên đã thực hiện nhiều chương trình, giải pháp hỗ trợ, tạo động lực cho các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, hộ đồng bào dân tộc thiểu số có điều kiện vươn lên phát triển sản xuất, ổn định chỗ ở, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Ổn định chỗ ở, lâu bền sinh kế
Công ty Điện lực Phú Yên vừa hoàn thành việc hỗ trợ tiền cho 5 hộ nghèo và gia đình chính sách để xây dựng 5 căn Nhà tình nghĩa trong năm 2023, mỗi trường hợp 60 triệu đồng.Nhờ đó, các hộ có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở ổn định cuộc sống, có điều kiện vươn lên phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững. Đây là chương trình do Tổng Công ty Điện lực miền Trung phát động thực hiện trong năm 2023 tại 13 tỉnh, thành phố thuộc khu vực miền Trung và Tây Nguyên với tổng cộng 70 căn nhà, góp phần cùng các địa phương đảm bảo an sinh xã hội.
Theo ông Phạm Văn Tây, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Phú Yên, cùng với việc đảm bảo cung cấp điện góp phần phát triển kinh tế - xã hội và phục vụ sinh hoạt, Công ty chú trọng đến công tác an sinh xã hội, đền ơn đáp nghĩa để các hộ gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng và gia đình có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện vươn lên trong cuộc sống. Bên cạnh chương trình hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa, Công ty đang thực hiện chương trình trao bò giống cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh, góp phần cùng chính quyền địa phương đảm bảo an sinh xã hội, phát triển kinh tế.
Ổn định chỗ ở là việc làm cần thiết, góp phần quan trọng để hộ nghèo, cận nghèo có điều kiện vươn lên phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Các cấp, các ngành, địa phương và đơn vị trên địa bàn tỉnh Phú Yên chung tay xây dựng Nhà đại đoàn kết cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở, đặc biệt là các hộ ở vùng nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số.
Mới đây, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Tuy Hòa đã bàn giao 50 triệu đồng cho hộ bà Nguyễn Thị Hồng (xã An Phú, thành phố Tuy Hòa) để gia đình có thêm kinh phí xây dựng căn nhà mới trị giá 120 triệu đồng, ổn định chỗ ở. Đây là một trong nhiều trường hợp được hỗ trợ tiền để xây dựng theo phong trào “Hỗ trợ xây dựng 1.000 căn nhà cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách”, do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Phú Yên phát động vào đầu năm 2023. Chương trình này đang thực hiện đợt ba. Trước đó, qua hai đợt giải ngân nguồn vốn, tổng cộng đã có 771 trường hợp hộ nghèo, gia đình chính sách được hỗ trợ (50 triệu đồng/hộ) để xây dựng nhà mới theo tiêu chí 3 cứng, gồm: nền cứng, tường cứng, mái cứng.
Gia đình bà Ksor Hờ Nhai (buôn Ma Sung, xã Ea Bia, huyện Sông Hinh) có gần 1ha đất nông nghiệp với hai lao động chính trong gia đình. Do không có vốn đầu tư, việc trồng trọt, chăn nuôi chậm phát triển, gia đình chỉ đủ ăn qua ngày. Chính quyền địa phương triển khai chính sách hỗ trợ vốn vay để người đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế. Bà Ksor Hờ Nhai được vay 50 triệu đồng với lãi suất thấp, thời gian trả nợ kéo dài. Có nguồn vốn, gia đình bà đã mua 2 con bò giống để nuôi, sau đó sinh sản ra nhiều bê con. Gia đình đã có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống.
Tỉnh Phú Yên có 32 dân tộc thiểu số sinh sống, chủ yếu là các dân tộc: Ê Đê, Chăm, Ba Na… Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đời sống kinh tế của người đồng bào dân tộc thiểu số đã từng bước phát triển, diện mạo vùng cao, vùng nông thôn ngày càng khởi sắc. Trong giai đoạn 2021 - 2025, UBND tỉnh Phú Yên phân bổ nguồn vốn của Trung ương thực hiện chương trình này trên địa bàn tỉnh là 323,18 tỷ đồng. Năm 2022 đã phân bổ 105,63 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư phát triển 62,9 tỷ đồng, kinh phí sự nghiệp là 105,63 tỷ đồng. UBND tỉnh Phú Yên đã tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số; hướng dẫn chuyên môn cho cán bộ cấp huyện, xã để triển khai thực hiện chương trình.
Đa dạng giải pháp giảm nghèo
Diễn biến phức tạp của dịch bệnh, thiên tai đã ảnh hưởng đến đời sống, hoạt động sản xuất của một bộ phận người dân, đặc biệt là hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Tính đến cuối năm 2022, tỷ lệ nghèo đa chiều toàn tỉnh (gồm hộ nghèo và cận nghèo) là 12,12%, tương đương với 31.882 hộ. Bên cạnh việc huy động nguồn lực hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà ở và cho vay vốn lãi suất thấp phát triển kinh tế, các tổ chức, đơn vị, ban ngành liên quan trên địa bàn tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều chương trình, giải pháp nhằm góp phần cùng địa phương trong công tác an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững.
Trong đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chú trọng đào tạo nghề cho lao động nông thôn, vùng cao, hộ nghèo và tăng cường liên kết đào tạo nghề. Năm 2022 toàn tỉnh có hơn 9.830 người được đào tạo nghề, đạt gần 123% kế hoạch tỉnh giao. Năm 2023, tỉnh phấn đấu đào tạo nghề cho 8.000 người; trong đó, dài hạn 3.000 người và ngắn hạn 5.000 người.
Ngân hàng Chính sách xã hội - Chi nhánh tỉnh Phú Yên tăng cường nguồn vốn vay giải quyết việc làm để hỗ trợ người dân có thêm “cần câu” phát triển kinh tế. Mới đây, Ngân hàng vừa có quyết định bổ sung thêm 10 tỷ đồng từ nguồn vốn Trung ương cho hai huyện Sơn Hòa và Tây Hòa (mỗi địa phương 5 tỷ đồng) để thực hiện chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm. Như vậy, lũy kế từ đầu năm 2023 đến nay, vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm trên địa bàn Phú Yên từ nguồn Trung ương đã tăng lên 95 tỷ đồng.
HĐND tỉnh Phú Yên vừa thông qua Nghị quyết về hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế cho một số nhóm đối tượng trên địa bàn. Nhóm đối tượng thuộc hộ gia đình cận nghèo, ngoài phần ngân sách Trung ương hỗ trợ 70% mức đóng, ngân sách tỉnh sẽ hỗ trợ 20% mức đóng, ngân sách cấp huyện hỗ trợ 5%, còn lại 5% mức đóng do người tham gia bảo hiểm y tế đóng; tương ứng số tiền 4.050 đồng/tháng và 48.600 đồng/năm. Riêng hộ cận nghèo là dân tộc thiểu số sẽ được ngân sách cấp huyện hỗ trợ thêm 5% mức đóng còn lại.
Theo Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Phú Yên Phạm Thị Minh Hiền, tỉnh đang tập trung hỗ trợ công tác giảm nghèo thông qua việc tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và các tầng lớp nhân dân về tiêu chí tiếp cận nghèo đa chiều, mục tiêu giảm nghèo bền vững. Từ đó, góp phần tạo sự đồng thuận và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự đồng tâm, hiệp lực của toàn xã hội trong triển khai thực hiện chương trình giảm nghèo; khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người nghèo.
Toàn tỉnh phấn đấu đến năm 2025 không còn hộ nghèo và giảm 1/3 hộ cận nghèo so với năm 2022; 80% người có khả năng lao động, có nhu cầu thuộc hộ nghèo được hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất; 50% hộ nghèo, cận nghèo có ít nhất một thành viên trong độ tuổi lao động có việc làm bền vững. Phú Yên phấn đấu xây dựng, nhân rộng trên 100 mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp.
Tường Quân