Người dân xã Sơn Long, huyện Sơn Hòa gặp khó khăn do nước sinh hoạt từ các giếng đào đã cạn kiệt. Ảnh: Phạm Cường - TTXVN |
Tuy An là một trong những địa phương được xếp vào vùng khô kiệt nhất tỉnh Phú Yên. Số hộ thiếu nước sinh hoạt đã lên đến con số hơn 4.000, với trên 17 nghìn nhân khẩu, chiếm hơn 1/3 số hộ thiếu nước trong toàn tỉnh. Để cấp đủ nước cho các hộ theo định mức 16 lít/người/ngày, các địa phương của huyện Tuy An phải vận chuyển khoảng 260m3 nước/ngày. Phương án được đưa ra là dùng xe bồn của Công ty Cổ phần Môi trường đô thị Phú Yên để vận chuyển với tần suất 32 chuyến/ngày trong thời gian 15 ngày. Bên cạnh đó, mỗi địa phương đã có sự chủ động theo điều kiện nguồn nước hiện có. Thôn Phú Tân 2, xã An Cư, huyện Tuy An có trên 1.100 hộ thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Nhiều tháng qua, người dân phải mua nước từ các xe vận chuyển tự phát với giá có thời điểm lên đến 60.000 đồng/m3. Khi có chủ trương cấp nước sinh hoạt cho người dân vùng hạn của Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên, chính quyền địa phương đã triển khai ngay. Ông Nguyễn Văn Luân, thôn Phú Tân 2, xã An Cư chia sẻ: Người dân đã thiếu nước sinh hoạt từ hơn nửa năm nay. Khi được cấp nước, người dân rất phấn khởi. Về lâu dài, bà con mong muốn Nhà nước quan tâm, nghiên cứu đầu tư công trình nước sinh hoạt trên địa bàn. Ông Cao Thế Nhân, Chủ tịch UBND xã An Cư cho biết: Trước tình trạng thiếu nước sinh hoạt, Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên đã có chỉ đạo phương án cấp nước cho người dân. Theo đó, xã An Cư đã tạm ứng kinh phí ngân sách dự phòng để mua nước cấp cho người dân ở khu vực bị hạn nặng nhất và ưu tiên những hộ khó khăn. Bởi hiện nay nhiều hộ phải mua nước sinh hoạt với giá khá cao. Về lâu dài, địa phương mong muốn cơ quan chuyên môn xem xét, nghiên cứu xây dựng công trình cấp nước tập trung trên địa bàn xã. Tại xã Sơn Định, huyện miền núi Sơn Hòa, tình trạng thiếu nước sinh hoạt cũng xảy ra liên tục. Đến nay, hơn 300 hộ thiếu nước sinh hoạt, chiếm 50% tổng số hộ dân trong xã. Ngoài ra, các xã như: Ea Chrang, Suối Bạc, Suối Trai... cũng xảy ra tình trạng thiếu nước. Nguyên nhân chính do nguồn nước ngầm ở vùng này không ổn định, mạch thường xuyên dao động nên chỉ có nước vào mùa mưa. Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Sơn Hòa Phạm Đình Phụng: Từ tháng 1/2019 đến nay, lượng mưa trên địa bàn huyện rất ít. Nắng hạn gay gắt nhất là từ tháng 5 đến tháng 7. Mực nước trong các ao hồ, sông suối hầu hết đã cạn kiệt. Hơn 4.800 giếng đào và 1.900 giếng khoan phục vụ nước sinh hoạt cho người dân cũng khô cạn. Toàn huyện ước tính có 850 hộ, với hơn 3.900 nhân khẩu thiếu nước sinh hoạt. Ủy ban nhân dân huyện đã chỉ đạo các xã xây dựng phương án cấp nước sinh hoạt đến từng khu vực dân cư; hỗ trợ kinh phí để người dân nạo vét giếng; khảo sát nguồn nước ổn định, từ đó có hướng đầu tư công trình cấp nước tập trung... Hiện trên địa bàn tỉnh Phú Yên đã có hơn 10.000 hộ dân ở các vùng nông thôn thiếu nước sinh hoạt trầm trọng, tăng hơn 3.000 hộ so với tháng 6. Trong đó, nặng nhất là các huyện Tuy An, Đồng Xuân, Sơn Hòa và thị xã Sông Cầu. Trước tình trạng hạn hán gay gắt đang xảy ra, Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên đề nghị Trung ương hỗ trợ khẩn cấp 57 tỷ đồng phục vụ công tác chống hạn, trong đó hơn 1,4 tỷ đồng hỗ trợ tiền mua nước sinh hoạt cho nhân dân.
Xuân Triệu