Phú Yên vài nét tổng quan

Phú Yên vài nét tổng quan
1. Vị trí địa lý 

Phú Yên là tỉnh ven biển Nam Trung bộ, nằm ở phía Đông dãy Trường Sơn, có tọa độ địa lý: Điểm cực Bắc: 13o41'28"; Điểm cực Nam: 12o42'36"; Điểm cực Tây: 108o40'40" và điểm cực Đông: 109o27'47".

2. Điều kiện tự nhiên

Diện tích tự nhiên toàn tỉnh là 5.060 km2, trong đó, đồi núi chiếm 70% diện tích, địa hình dốc từ Tây sang Đông và bị chia cắt mạnh, phía Bắc giáp tỉnh Bình Định, phía Nam giáp tỉnh Khánh Hòa, phía Tây giáp tỉnh Gia Lai và Đắk Lắk, phía Đông giáp biển Đông. Phú Yên có vị trí địa lý và giao thông tương đối thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội.

Dân số trung bình của tỉnh Phú Yên tính đến năm 2016 là 900.000 người, mật độ dân số khoảng 172 người/km2. Tổng số lao động làm việc trong nền kinh tế quốc dân toàn tỉnh Phú Yên là 498.710 người. Trong đó, tỷ lệ lao động trong khu vực nông, lâm, ngư nghiệp là 295.236 người chiếm 59,2%; khu vực công nghiệp - xây dựng là 81.789 người chiếm 16,4%; khu vực dịch vụ là 121.685 người chiếm 24,4% tổng số lao động làm việc trong các ngành kinh tế quốc dân.

Khí hậu: Nóng ẩm, nhiệt đới gió mùa, chịu ảnh hưởng của khí hậu đại dương và chia làm hai mùa rõ rệt. Mùa mưa từ tháng 9 đến tháng 12 và mùa nắng từ tháng 1 đến tháng 8, thích hợp nhiều loại cây lương thực và hoa màu như: lúa, bắp, đậu, rau, dưa, bầu, bí, khoai, sắn, mía, ...; phát triển tốt ở Tây Hòa, Tuy An, Phú Hòa. Cây mía trồng nhiều ở Sông Hinh, Sơn Hòa, Đồng Xuân, Tuy An, và Tây Hòa. Dừa là loại cây công nghiệp trồng nhiều ở Sông Cầu.

Tài nguyên thiên nhiên

Huyện Sơn Hòa có hàng vạn hecta rừng với nhiều gỗ quí như: Bằng Lăng, Chang gà, Côn, Ba thưa, Chò, Gõ, Sơn, Kiền kiền, Lim, Trắc, ... cùng nhiều loại thú như: gấu, nai, mang, hươu, cheo, chồn, thỏ, nhím, ...; đang là nơi phát triển các giống cây công nghiệp như: cà phê, điều, thuốc lá cùng nhiều loại cây ăn trái (thơm, mít, chuối, cam, bưởi, ...).  Vùng ven biển Sông Cầu, Tuy An, Đông Hòa có nhiều tôm, cá, cua, mực, .... Đầm Ô Loan có nhiều sò huyết, hàu...

Phú Yên có nguồn khoáng sản dồi dào, trữ lượng lớn như đá Granite màu, Diatomite, Bauxit, Fluorit, nước khoáng, than bùn và vàng sa khoáng.

Tài nguyên đất Phú Yên khá đa dạng về nhóm, các loại đất phân bố trên nhiều dạng địa hình khác nhau tạo ra những tiểu vùng sinh thái nông – lâm nghiệp thích hợp với nhiều loại cây trồng, đặc biệt là cây trồng lâu năm vùng đồi núi. Có 8 nhóm đất chính: Nhóm đất đỏ vàng: Là nhóm đất có diện tích lớn nhất. 336.579 ha, chiếm tỷ lệ 66,71%; Nhóm đất cát biển: 15.009 ha chiếm 2,97%. Nhóm đất mặn, phèn: 7.899 ha, chiếm 1,57%.  Nhóm đất Phù sa: 55.752 ha, chiếm 11.05%. Nhóm đất xám: 39.552 ha, chiếm 7,84%, Nhóm đất đen: 18.831 ha, chiếm 3,73%. . Nhóm đất vàng đỏ trên núi: 11.300 ha, chiếm 2,5%. Nhóm đất thung lũng dốc tụ: 1.246 ha;  Các loại đất khác: 21.192 ha, chiếm tỷ lệ 4,21%.

Phú Yên có hệ thống sông ngòi phân bổ tương đối đều trên toàn tỉnh, các sông đều bắt nguồn từ phía Đông của dãy Trường Sơn, chảy trên địa hình đồi, núi ở trung và thượng lưu, đồng bằng nhỏ hẹp ở hạ lưu rồi đổ ra biển. Phú Yên có trên 50 con sông lớn nhỏ, đáng chú ý là 3 con sông chính: sông Kỳ Lộ, Sông Ba, Sông Bàn Thạch với với tổng diện tích lưu vực là 16.400km2, tổng lượng dòng chảy 11.8 tỷ m3, phục vụ nước tưới cho nông nghiệp, thủy điện và sinh hoạt của người dân Phú Yên. Nguồn nước mặt: Mạng lưới sông suối ở Phú Yên phần lớn bắt nguồn từ dãy núi Trường Sơn ở phía Tây, dãy Cù Mông ở phía Bắc và dãy đèo Cả ở phía Nam. Sông suối của tỉnh thường ngắn, dốc nên tốc độ dòng chảy lớn. Nguồn nước sông Ba có trữ lượng lớn nhất tỉnh, lượng nước đổ ra biển hàng năm là 9,7 tỷ m3. Nguồn nước sông Bàn Thạch với tổng lượng dòng chảy của sông 0,8 tỷ m3/năm. Sông Kỳ Lộ là con sông lớn thứ 2 trong tỉnh, diện tích lưu vực sông Kỳ Lộ là 1.950 km2, trong đó phần trong tỉnh là 1.560 km2. Nguồn nước ngầm: Trữ lượng động tự nhiên khai thác tiềm năng nguồn nước ngầm của tỉnh khoảng 1,2027 x 106m3/ngày. Nước khoáng: Nguồn tài nguyên nước khoáng ở Phú Yên khá phong phú, trên địa bàn tỉnh có 4 điểm nước khoáng nóng ở Sơn Thành (huyện Tây Hòa), Phước Long ở xã Xuân Long, Triêm Đức (huyện Đồng Xuân) và Phú Sen (huyện Phú Hòa).

Toàn tỉnh có 3 kiểu rừng chính là rừng kín lá rộng thường xanh, đây là kiểu rừng phổ biến ở Phú Yên chiếm 96,5% diện tích rừng tự nhiên; rừng rụng lá (khộp), kiểu rừng này chiếm tỷ lệ 3,5% diện tích rừng tự nhiên toàn tỉnh; rừng trồng, hiện có 20.963,0 ha rừng trồng và khoảng 8,4 triệu cây phân tán (tương đương 4.200 ha), gồm các loại cây chủ yếu như keo tai tượng, xà cừ, phi lao, điều, dầu rái, sao đen, gõ đỏ, muồng đen, giáng hương và một số loại khác. Hệ động thực vật rừng Phú Yên khá phong phú có 43 họ chim với 114 loài (trong đó có 7 loài quý hiếm). Thú có 20 họ với 51 loài (trong đó có 21 loài quý hiếm), Bò sát có 3 họ với 22 loài (trong đó có 2 loài quý hiếm).

Phú Yên có sinh thái rừng đặc sắc, như Khu bảo tồn thiên nhiên, rừng đặc dụng Krông Trai. Đây là điều kiện rất thuận lợi để phát triển đa dạng dịch vụ du lịch sinh thái rừng. Đồng thời, có lợi thế cạnh tranh trong sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng, với nguồn khoáng sản phong phú với nhiều loại khác nhau như: Diatomit, đá Granit, Vàng sa khoáng, Nhôm (Bôxít), Sắt, Fluorit, Titan… được phân bố rải rác ở nhiều vùng của địa phương.

Với bờ biển dài 189 km, có nhiều vịnh, bãi, vũng, đầm phá, gành còn mang vẻ đẹp hoang sơ tạo nên những cảnh quan sinh thái phong phú, đa dạng là tiềm năng rất lớn cho du lịch biển, du lịch nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái. Bên cạnh đó, Phú Yên có nhiều vùng bãi triều nước lợ, cửa sông, đầm phá, vịnh rất thuận lợi cho phát triển nuôi trồng thủy sản xuất khẩu. Đây là tiềm năng, lợi thế để Phú Yên phát triển kinh tế biển.

3. Dân cư

Phú Yên có gần 30 dân tộc thiểu số, chủ yếu sống tập trung ở các huyện miền núi phía Tây. Nhiều dân tộc có từ lâu đời như: Chăm, Êđê, Ba Na, Hrê, Hoa, Mnong, Raglai,... Do vị trí địa lý và điều kiện tạo lập cuộc sống thuận lợi ho nên nhiều dân tộc đã về đây sinh sống và lập nghiệp. Sau ngày miền Nam  được giải phóng, nhất là sau khi thành lập huyện Sông Hinh (1986) có những dân tộc từ miền núi phía Bắc di cư vào vùng đất Sông Hinh như Tày, Nùng, Dao, Sán Dìu,...

4. Lịch sử hình thành và phát triển

Lịch sử Phú Yên kéo dài hơn 500 năm, kể từ cuộc Nam chinh của vua Lê Thánh Tông.

- Từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVIII

Năm 1471, vua Lê Thánh Tông thống lĩnh 26 vạn quân thủy bộ đi bình Chiêm, hạ được thành Thị Nại và Đồ Bàn, tiến vào đèo Cù Mông, lập nên 3 phủ Thăng Hoa (nay là Quảng Nam), Tư Nghĩa (nay là Quảng Ngãi) và Hoài Nhơn (nay là Bình Định). Còn phần đất từ Cù Mông đến Đèo Cả (tức là Phú Yên ngày nay) là vùng đất Kimi - vùng đệm, tranh chấp giữa người Đại Việt và người Chămpa.

Năm 1578, Nguyễn Hoàng bổ Lương Văn Chánh làm Trấn biên quan. Lương Văn Chánh đem quân đánh quân Chiêm Thành ở Tuy Hòa (Thành Hồ), chiêu tập lưu dân vùng Thuận Quảng vào khẩn hoang, lập ấp từ Cù Mông đến Đèo Cả.

Năm 1611, trước sự quấy phá của Chiêm Thành, Nguyễn Hoàng cử chủ sự Văn Phong đánh vào, chiếm đất, đặt thành phủ Phú Yên, lập 2 huyện Đồng Xuân và Tuy Hòa. Tên Phú Yên có từ đó.

Năm 1771, anh em nhà Tây Sơn khởi nghiệp ở vùng Tây Sơn thượng đạo, sau đó mở rộng vùng làm chủ ra Quảng Nam, Phú Yên, Thái Khang,... Từ năm 1773 đến 1801, quân Tây Sơn và quân Chúa Nguyễn nhiều lần giao tranh trên đất Phú Yên.

Từ năm 1801 quân Nguyễn Ánh làm chủ Phú Yên. Nguyễn Ánh đã đặt dinh Phú Yên, lập công đường và cử quan cai trị.

Năm 1802-1808, cấp hành chính Phú Yên gọi là dinh. Từ 1808 đến 1826 gọi là trấn. Năm 1826 đổi tên là phủ Phú Yên. Năm 1831 đổi làm phủ Tuy An cho thuộc vào Bình Định. Năm 1832 thăng làm tỉnh Phú Yên. Năm 1853 đổi làm đạo Phú Yên. Năm 1876 lại đặt là tỉnh Phú Yên (do Tổng đốc Bình Phú thống quản).

- Thế kỷ XIX

Cuối thế kỷ XIX, thực dân Pháp đặt ách cai trị tàn khốc lên toàn cõi Việt Nam. Nhân dân Phú Yên dưới sự lãnh đạo của thủ lĩnh Lê Thành Phương (1885-1887), Nguyễn Hào Sự (1890-1892), Võ Trứ và Trần Cao Vân (1898-1900) đã nổi dậy khởi nghĩa, chiến đấu kiên cường và hy sinh anh dũng, góp phần tô thắm trang sử vàng chống ngoại xâm của dân tộc.

Ngày 13/5/1908, phong trào chống sưu thuế nổ ra tại Phú Yên dưới sự lãnh đạo của các sĩ phu yêu nước do ông Nguyễn Hữu Dực và Lê Hanh lãnh đạo. Đây là phong trào đấu tranh chống Pháp công khai có quy mô lớn nhất tại Phú Yên trong ba thập kỷ đầu thế kỷ XX.

- Thế kỷ XX

Ngày 05/10/1930, Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của Phú Yên được thành lập tại thôn Đồng Bé - La Hai (Đồng Xuân) do đồng chí Phan Lưu Thanh - người Phú Yên đầu tiên đứng vào hàng ngũ của Đảng làm Bí thư. Sự kiện trọng đại này là mốc son chói lọi trong trang sử vàng thế kỷ XX của tỉnh Phú Yên. Từ đó, tổ chức Đảng đã không ngừng lớn mạnh, lãnh đạo nhân dân lập nên những kỳ tích vẻ vang của cách mạng Phú Yên.

Ngày 24/8/1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Mặt trận Việt Minh, nhân dân Phú Yên vùng lên khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân, phá tung gông xiềng 80 năm nô lệ, thoát khỏi ách áp bức của đế quốc, thực dân phong kiến.

Sau khi giành được chính quyền, Tỉnh ủy lâm thời chỉ đạo việc xây dựng và củng cố chính quyền các cấp. Ngày 06/1/1946, cử tri Phú Yên tham gia bầu cử Quốc hội. Tháng 3/1946, cử tri bầu cử Hội đồng nhân dân tỉnh khóa đầu tiên. Chính quyền cách mạng mới thành lập, công việc rất mới mẻ nhưng nhờ có chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân của Đảng nên được nhân dân hưởng ứng thực hiện.

Thực dân Pháp trở lại xâm lược Việt Nam một lần nữa. Ngày 13/1/1947, quân dân Phú Yên hưởng ứng lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, giáng trả và đẩy lùi cuộc tiến công quy mô của giặc Pháp từ đèo Cả đánh ra, giữ vững vùng tự do Phú Yên. Ngày 05/12/1950, sau bốn năm chiếm đóng, bị quân ta vây hãm liên tục, giặc Pháp buộc phải tháo chạy khỏi cứ điểm núi Hiềm (thuộc xã Hòa Xuân Đông, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên ngày nay).

Từ ngày 20/1/1954 đến tháng 6/1954, quân dân Phú Yên đập tan chiến dịch Át-Lăng của giặc Pháp, chia lửa cùng chiến trường chính Điện Biên Phủ.

Sau năm 1954, Phú Yên bị đặt dưới sự quản lý của chế độ ngụy quyền Việt Nam Cộng Hòa. Trong thời kì này nổ ra rất nhiều cuộc tấn công của quân dân Phú Yên nhằm lật đổ chính quyền ngụy quyền Việt Nam Cộng Hòa.

Vượt qua thời kỳ đen tối những năm 1954-1959, Đảng bộ Phú Yên đã lãnh đạo nhân dân trong tỉnh vùng dậy giải phóng miền núi, đồng khởi ở đồng bằng, đánh bại chiến lược "chiến tranh đặc biệt", giải phóng toàn bộ vùng nông thôn rộng lớn, dồn địch trong 8 cụm cứ điểm, tạo nên thời kỳ nhân dân làm chủ có chính quyền 2 năm (1964-1965).

Trong những năm đế quốc Mỹ leo thang gây “Chiến tranh cục bộ”, quân dân Phú Yên đã đánh bại một trong năm mũi tên của cuộc phản công chiến lược mùa khô thứ nhất, diệt nhiều giặc Mỹ ở địa đạo Gò Thì Thùng, nhiều Mỹ - Ngụy ở thị xã Tuy Hòa và nhiều lính đánh thuê Nam Triều Tiên trong và sau Tết Mậu Thân. Trong những năm đế quốc Mỹ tiến hành chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” quân và dân Phú Yên đã đánh bại chiến lược “Bình định nông thôn” của địch, mở rộng vùng giải phóng trong thời điểm trước khi ký hiệp định Pari. Sau đó đánh bại Mỹ - Ngụy trên địa bàn Tỉnh, phối hợp kịp thời và có hiệu quả với quân chủ lực làm tan rã, bắt sống trên 2 vạn quân ngụy từ Tây Nguyên rút xuống, thu toàn bộ vũ khí, quân trang, quân dụng làm thất bại hoàn toàn âm mưu co cụm lực lượng về giữ đồng bằng để tổ chức phản công chiếm lại Tây Nguyên của địch, giải phóng hoàn toàn tỉnh Phú Yên vào ngày 01/4/1975.

- Sau khi đất nước thống nhất

Sau khi Phú Yên hoàn toàn giải phóng, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, cuộc sống nhân dân được ổn định, chính quyền được xây dựng, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể chính trị được củng cố, nhân dân Phú Yên cùng nhân dân cả nước ra sức thực hiện xây dựng chặng đường đầu của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, đưa đất nước vượt ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng văn minh.

Ngày 3/11/1975, tỉnh Phú Yên sáp nhập với tỉnh Khánh Hòa thành tỉnh Phú Khánh. Ngày 1/7/1989, Phú Khánh được tách ra thành Phú Yên và Khánh Hòa.

5. Văn hóa – Du lịch

Phú Yên là tỉnh thuộc duyên hải Nam Trung bộ, một vùng đất có bề dày lịch sử - văn hóa, có vị trí rất quan trọng trong tiến trình phát triển của dân tộc Việt Nam. Hiện tại trên địa bàn tỉnh có gần 600 di tích gồm nhiều loại hình như: Di tích lịch sử, văn hóa, khảo cổ học, danh lam thắng cảnh, kiến trúc nghệ thuật, đình, chùa, nhà thờ, lăng, miếu, dinh, lẫm. Các di tích nằm rải rác khắp địa bàn tỉnh chính là điểm nổi bật của Phú Yên.

Cùng với hệ thống di sản văn hóa vật thể, Phú Yên còn bảo tồn và phát huy được nhiều di sản văn hóa phi vật thể với nhiều loại hình đa dạng, phong phú như: Lễ hội truyền thống, trò chơi dân gian, các làn điệu dân ca dân vũ; đặc biệt lễ hội Cầu ngư của ngư dân miền biển và nghệ thuật trình diễn trống đôi, cồng ba, chinh năm của đồng bào dân tộc Chăm, Bana ở miền núi Phú Yên, được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Phú Yên còn có các lễ hội liên quan đến danh nhân lịch sử (Lương Văn Chánh, Lê Thành Phương, Trần Phú), các lễ hội tôn giáo, tín ngưỡng…

Về cảnh quan thiên nhiên, Phú Yên còn sở hữu nhiều bãi biển rộng lớn, nước trong xanh, bờ cát mịn trải dài gần 200km bờ biển, gắn với nhiều đầm, vịnh cảnh quan thiên nhiên đẹp, nổi bật nét kiến tạo địa chất độc đáo như gành Đá Đĩa, Hòn Yến, vịnh Xuân Đài, đầm Ô Loan, Bãi Xép, Bãi Môn –Mũi Điện, Vũng Rô, núi Đá Bia, Hòn Nưa. Ngoài ra, nhờ thiên nhiên ưu đãi, Phú Yên có nhiều đặc sản văn hóa ẩm thực như sò huyết Ô Loan, ốc nhảy, ghẹ đầm Cù Mông, cá ngừ, bánh tráng lòng heo Hòa Đa, bò một nắng, các sản vật tôm, mực, cá miền biển và nước ngọt có vai trò quan trọng trong việc tạo dấu ấn đối với khách du lịch....
 
Theo phuyen.gov.vn

Có thể bạn quan tâm