Với cách làm hay, phù hợp tình hình thực tế, Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 đã bước đầu mang lại hiệu quả trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.
Lựa chọn mô hình hỗ trợ phù hợp thực tế
Trước đây, gia đình anh Đặng Tiến Thông (dân tộc Dao, xã Tân Lập, huyện Thanh Sơn) là một trong những hộ cận nghèo của xã. Sau khi được đi tham quan, học tập kinh nghiệm mô hình trồng bưởi do địa phương tổ chức và được xã hỗ trợ 50 triệu đồng vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế, anh Thông đã cải tạo gần một héc ta đất để trồng bưởi theo hướng hàng hóa, đảm bảo tiêu chuẩn an toàn sinh thái. Nhờ tuân thủ quy trình sản xuất, vườn bưởi nhà anh Thông phát triển tốt và chỉ sau hai năm trồng, bưởi bắt đầu cho thu nhập cả trăm triệu đồng một năm.
Mô hình nuôi vịt suối của gia đình ông Hà Xuân Mai tại xã Đông Cửu, huyện Thanh Sơn đang cho hiệu quả, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình. Theo ông Mai, trước đây việc xuất bán vịt gặp khó khăn do khó tiếp cận thị trường. Hiện nay, đàn vịt đến tuổi xuất bán không phải lo đầu ra bởi Hợp tác xã dịch vụ Bình An đã nhận bao tiêu sản phẩm. Mô hình nuôi vịt suối đã nhân rộng ra hơn chục hộ dân trong xã tham gia theo hướng thương phẩm và bước đầu phát huy hiệu quả, giải quyết việc làm, tăng nhu nhập cho người dân trong xã, từng bước giúp các hộ chăn nuôi xóa đói, giảm nghèo...
Ông Phạm Tú, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Sơn cho biết, Giai đoạn 2021 - 2025, huyện đã triển khai 5 dự án thành phần gồm: Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; truyền thông và giảm nghèo về thông tin; nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá Chương trình.
Sau hơn 2 năm triển khai, huyện Thanh Sơn đã nhân rộng nhiều mô hình sinh kế, thu hút được nhiều nông dân nghèo, cận nghèo tham gia phát triển sản xuất nông nghiệp. Điển hình là mô hình sinh kế chuyển đổi đất vườn tạp, đồi núi thấp, kém hiệu quả sang trồng cây bưởi nhằm tăng giá trị trên một đơn vị diện tích, góp phần tăng thu nhập cho người dân. Mô hình trồng lúa đặc sản, lúa chất lượng cao như Séng Cù, Quạ đen, J02, TBR225... mang lại giá trị kinh tế cao gấp 1,5 lần so với lúa thường. Đặc biệt là mô hình phát triển kinh tế đồi rừng đã đem nguồn thu nhập từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng cho người dân tại các xã Cự Thắng, Sơn Hùng, Giáp Lai, Lương Nha, Địch Quả, Hương Cần, Võ Miếu, Thục Luyện...
Cùng với hỗ trợ phát triển sản xuất, huyện Thanh Sơn chú trọng đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn theo hướng đổi mới và nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu xã hội nhằm cải thiện cuộc sống, tăng thu nhập cho người lao động. Từ năm 2021 đến nay, huyện đã tổ chức 14 lớp đào tạo nghề trong chương trình mục tiêu cho trên 500 lao động nông thôn, tạo việc làm thêm cho gần 2.000 lao động, tạo điều kiện cho gần 300 người đi xuất khẩu lao động...
Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 triển khai trên địa bàn huyện Thanh Sơn đã trở thảnh đòn bẩy giúp người dân vươn lên thoát nghèo. Tính đến tháng 9/2023, hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều trên địa bàn giảm còn 8,3%, hộ cận nghèo giảm còn 8,47%, hộ nghèo là người dân tộc thiểu số còn 11,59% số hộ trong huyện.
Đạt mục tiêu giảm nghèo bền vững
Sau hơn hai năm triển khai, Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 tại Phú Thọ đã cơ bản đạt mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Đời sống người dân được cải thiện đáng kể; diện mạo nông thôn, nhất là nông thôn miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã có sự thay đổi rõ nét. Hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các xã được đầu tư đồng bộ, phục vụ tốt nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của người dân, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương. Thu nhập của người dân vùng nông thôn ngày càng được nâng cao. Đến hết năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh là 5,19%, hộ cận nghèo giảm còn 4,18%; hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 1,38%... Tỉnh phấn đấu hết năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo giảm 0,5%; hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giảm 2%, đạt mục tiêu đề ra.
Ông Hồ Đại Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, đạt được kết quả trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt các địa phương trong xây dựng kế hoạch giảm nghèo chi tiết, trong đó tập trung phân tích rõ các nguyên nhân nghèo và khả năng thoát nghèo của từng hộ, xác định rõ chỉ tiêu, địa chỉ cụ thể, đề ra giải pháp phù hợp. Bên cạnh đó, tỉnh tăng cường huy động các nguồn lực, đảm bảo phân bổ đúng nguyên tắc, công khai, minh bạch, tập trung theo thứ tự ưu tiên, tránh tình trạng đầu tư dàn trải. Đồng thời, tỉnh đẩy mạnh việc huy động các nguồn lực xã hội tham gia công tác giảm nghèo; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chính sách hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, tạo việc làm để nâng cao thu nhập, ổn định đời sống.
Theo ông Hồ Đại Dũng, hiện nay tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ vẫn còn cao so với của cả nước. Kết quả giảm nghèo chưa thực sự vững chắc, chênh lệch giàu - nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư còn cao. Mức giảm tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thấp, việc hoàn thành chỉ tiêu gặp nhiều khó khăn.
Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2023-2025 và mục tiêu đến năm 2030 với các giải pháp phù hợp để cải thiện tiêu chí thu nhập và tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản, đáp ứng yêu cầu của chuẩn nghèo đa chiều theo quy định của Chính phủ. Dự kiến, tỉnh sẽ huy động nguồn vốn lớn cho Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững với số tiền 365 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Trung ương 332 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương 33 tỷ đồng.
Cùng với đó, tỉnh sẽ khuyến khích doanh nghiệp và hợp tác xã liên kết trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, phát triển đa dạng các mô hình sản xuất có sự tham gia của các hộ nghèo, cận nghèo; hỗ trợ phát triển các mô hình sản xuất kinh doanh phù hợp với người nghèo, nhất là ở vùng nông thôn, miền núi. Tỉnh khơi dậy ý chí tự lực, nỗ lực vươn lên của người nghèo; nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả, phát huy các sáng kiến giảm nghèo dựa vào cộng đồng từ đó từng bước tạo sinh kế, nguồn thu nhập ổn định cho hộ nghèo; thực hiện tốt công tác rà soát hộ nghèo, cận nghèo hằng năm và giai đoạn 2021 - 2025 theo chuẩn nghèo đa chiều. Phú Thọ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện công khai, minh bạch, dân chủ trong công tác giảm nghèo bền vững; kiểm tra, giám sát, thanh tra, xử lý các vi phạm liên quan đến việc thực hiện các chính sách, chương trình, đề án giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững trên địa bàn …
Đào An