Giúp nhau phát triển kinh tế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Hội Phụ nữ các cấp tỉnh Vĩnh Long triển khai nhằm từng bước cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống cho hội viên. Với cách làm sáng tạo, các cấp Hội đã xây dựng nhiều mô hình thiết thực, phù hợp với từng đối tượng, khu vực. Qua đó, tạo sự lan tỏa, giúp hội viên có điều kiện tham gia lao động, sản xuất, phát triển kinh tế gia đình.
Nhiều mô hình thiết thực
Do phụ nữ nông thôn vừa phải chăm lo gia đình, vừa lo việc đồng án, khó có thời gian để đi làm xa, Hội Phụ nữ các cấp đã xây dựng nhiều mô mình thiết thực, phù hợp với điều kiện của hội viên. Điển hình như: Các mô hình tổ liên kết phụ nữ se lõi lát, hợp tác xã thủ công mỹ nghệ, tổ liên kết may gia công... Nắm bắt cơ hội, nhiều hội viên mạnh dạn đảm nhận vai trò “đầu tàu”, triển khai các mô hình làm ăn hiệu quả, tạo việc làm, giúp chị em nâng cao thu nhập.
Với công việc may gia công, hơn hai năm qua, chị Lê Thị Thúy Vân (xã Long Phú, huyện Tam Bình) đã giúp nhiều phụ nữ địa phương vừa thuận tiện chăm lo cho gia đình, vừa có thêm thu nhập từ 3 - 7 triệu đồng/tháng. Chị Vân chia sẻ: “Công việc may gia công này hiện tại có nguồn hàng ổn định, khá nhẹ nhàng, phù hợp với phụ nữ nên mình vận động chị em tham gia. Ban đầu mới thành lập, do điều kiện máy móc còn hạn chế, các thành viên phải tập trung lại một chỗ để làm. Thấy việc đi lại mất thời gian và bất tiện, mình đầu tư thêm máy móc cho các chị mượn, hướng dẫn thành thạo nghề để mang về nhà tự làm. Nhờ vậy, chị em tranh thủ lúc chờ đến giờ đưa đón con đi học hay buổi tối rảnh rỗi đều làm được, giúp tăng thu nhập”.
Từng có kinh nghiệm trong nghề may, bà Phan Thị Diệu (xã Long Phú, huyện Tam Bình) tiếp cận công việc khá nhanh. Hằng ngày, bên cạnh việc lo cơm nước và đưa đón đứa cháu nhỏ đi học, bà Diệu tranh thủ may sản phẩm gia công với thu nhập bình quân mỗi tháng từ 3 - 4 triệu đồng. Bà cho biết, công việc may nhẹ nhàng, linh hoạt về giờ giấc nên rất phù hợp với người lớn tuổi như bà. Chị em trong tổ may đều phấn khởi, đoàn kết cùng phát triển.
Nhận thấy việc gia công nấm rơm phù hợp với điều kiện, sức lao động của phụ nữ ở địa phương, bà Nguyễn Thị Điệp (xã Hòa Bình, huyện Trà Ôn) đã mạnh dạn liên kết với doanh nghiệp mang nguồn hàng về vận động chị em cùng tham gia sơ chế. Bà Nguyễn Thị Điệp cho biết, công việc này không giới hạn thời gian, độ tuổi, chỉ cần sự tỉ mỉ và chịu khó. Do đó, hàng chục phụ nữ, nhất là những người lớn tuổi đều nhiệt tình tham gia. Tổ gọt nấm rơm hoạt động sôi nổi và hiệu quả. Các thành viên thuận tiện trong sắp xếp công việc nhà, đến làm khi rảnh. Người lớn tuổi làm chậm, được khoảng 50.000 đồng/ ngày; người trẻ hơn, linh hoạt hơn được hơn 100.000 đồng/ngày.
Chị Nguyễn Ngọc Thẩm (xã Hòa Bình, huyện Trà Ôn) cho biết, do gia đình không có ruộng đất, trước đây, chị sống bằng nghề bán rau củ, hàng ngày phải dậy sớm nhưng thu nhập vẫn bấp bênh. Từ ngày chuyển sang làm công việc gọt nấm, chị có nhiều thời gian hơn để chăm lo cho gia đình nhưng vẫn có thêm thu nhập. Công việc nhẹ nhàng, mát mẻ và thu nhập khá ổn định.
Bên cạnh đó, Hội Phụ nữ các cấp còn tích cực tổ chức các buổi tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hội viên, hỗ trợ hội viên khai thác hiệu quả các nguồn vốn vay để xây dựng mô hình sinh kế bền vững. Chị Huỳnh Thị Kim Quyên (xã Lục Sỹ Thành, huyện Trà Ôn) cho biết, nhờ sự hướng dẫn của Hội Phụ nữ, ban đầu chị được tiếp cận nguồn vốn 8 triệu đồng, sau đó số tiền vay được tăng lên 20 triệu đồng. Chị mạnh dạn đầu tư chăn nuôi, mua thêm nguyên liệu để mở rộng việc sản xuất kinh doanh bánh tráng. Nhờ đó, gia đình chị có thu nhập ổn định.
Đồng hành cùng hội viên phát triển kinh tế
Với mục tiêu đồng hành và giúp đỡ hội viên phụ nữ phát triển kinh tế, tăng thu nhập, các cấp Hội Phụ nữ đã triển khai nhiều giải pháp hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế từng địa phương. Tại huyện Trà Ôn, các cấp Hội đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nữ, thành lập các mô hình như: tổ hùn vốn xoay vòng, tổ may gia công, tổ làm nấm, tổ đan dây nhựa… mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Chị Nguyễn Thị Huyền Thoại, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Hòa Bình (huyện Trà Ôn) cho biết, các tổ hợp tác như: may gia công hay gọt nấm rơm khá phù hợp với điều kiện và nhu cầu của phụ nữ nông thôn. Nghề may gia công đang thu hút khá đông lực lượng lao động nữ với mức thu nhập ổn định từ 3 - 5 triệu đồng/tháng. Các mô hình giúp nâng cao thu nhập của hội viên phụ nữ, góp phần cùng địa phương kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo. Theo thống kế, hiện, lao động nữ có việc làm trên địa bàn xã Hòa Bình đạt trên 80%.
Theo Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Trà Ôn Nguyễn Thị Thơm, ban đầu, khi triển khai các mô hình, địa phương gặp nhiều khó khăn. Bởi vì, hội viên phụ nữ còn e ngại số tiền làm ra một sản phẩm không nhiều, thu nhập không cao, máy móc hạn chế nên khó mở rộng và thu hút các thành viên tham gia. Tuy nhiên, qua thực tế triển khai, các hội viên đều thấy hiệu quả và hưởng ứng tích cực. Số tiền một sản phẩm tuy ít nhưng tận dụng được nhiều thời gian trống trong ngày, tích lũy mỗi tháng cũng có tiền để trang trải cuộc sống.
Để tiếp tục phát huy hiệu quả của các mô hình phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, thời gian tới, Hội Phụ nữ huyện tích cực tuyên truyền nhân rộng mô hình, tranh thủ các nguồn đầu tư và xã hội hóa để các tổ hợp tác mở rộng sản xuất, giúp hội viên có việc làm ổn định.
Từ đầu năm đến nay, các cấp Hội đã phối hợp với các đơn vị mở hơn 45 lớp dạy nghề tiểu thủ công nghiệp, may gia công, nấu ăn, trang điểm, trồng nấm… cho hội viên; đồng thời, huy động nguồn vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội, các ngồn vốn do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam hỗ trợ, vốn từ các tổ góp vốn xoay vòng… giúp hơn 5.800 hội viên phụ nữ có việc làm và nguồn vốn sinh kế ổn định.
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Thị Kim Anh cho biết, thời gian tới, Hội Phụ nữ các cấp tiếp tục đồng hành, triển khai đề án hỗ trợ Phụ nữ khởi nghiệp để chị em xây dựng mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện của gia đình và địa phương. Các cấp Hội tăng cường phối hợp phát triển các mô hình kinh tế tập thể, tổ hợp tác, tổ liên kết; hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu kinh tế, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, sản xuất… nhằm nâng cao năng lực hội viên, nhất là Ban quản lý hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ liên kết.
Với phương châm “Trao cần câu hơn trao con cá”, Hội Phụ nữ tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để hội viên nắm bắt thông tin, mạnh dạn phát triển kinh tế, khẳng định vai trò trong gia đình và xã hội; tích cực khuyến khích phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh trên nhiều lĩnh vực. Đồng thời, Hội tăng cường phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội giúp hội viên tiếp cận các nguồn vốn vay, xây dựng mô hình sinh kế phù hợp để phát triển kinh tế, có cơ hội khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh; đồng thời, hỗ trợ hội viên kết nối quảng bá sản phẩm...
Lê Thúy Hằng