Dịch COVID-19 đã gây trì trệ các hoạt động sản xuất, kinh doanh của toàn xã hội, trong đó ảnh hưởng đến việc làm, đời sống của phụ nữ. Để giúp chị em vượt qua khó khăn, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Pleiku (Gia Lai) đã triển khai, nhân rộng nhiều mô hình thiết thực, mở ra những hướng kinh doanh phù hợp với tình hình thực tế. Trong đó, mô hình "Giúp bạn", "Nông sản sạch" đã góp phần hỗ trợ nhiều phụ nữ người dân tộc thiểu số có thu nhập ổn định, đảm bảo cuộc sống cho gia đình.
Mô hình "Giúp bạn" là một trong những điển hình được Hội Liên hiệp phụ nữ phường Trà Bá (thành phố Pleiku, Gia Lai) thực hiện rất hiệu quả. Triển khai từ năm 2017, mô hình đã giúp nhiều hội viên phụ nữ có thêm nguồn vốn để lo cho các con ăn học, phát triển kinh tế gia đình, sửa sang nhà cửa, mua sắm thêm vật dụng sản xuất. Đến nay, mô hình đã giúp đỡ được gần 100 hội viên vượt qua khó khăn với số tiền gần 800 triệu đồng.
Theo chị H’Sem, Chi hội trưởng Hội liên hiệp phụ nữ làng Ngó, làng có hơn 120 hội viên được chia thành 8 tổ. Mỗi năm, đến vụ thu hoạch lúa (mỗi năm 2 vụ), mỗi hội viên trong tổ sẽ đóng góp lúa, tiền mặt để lập một quỹ chung. Số tiền quỹ sẽ cho chị em trong tổ mượn xoay vòng để làm vốn sản xuất, kinh doanh. Tùy vào điều kiện gia đình mà số tiền hoặc số lúa đóng góp sẽ nhiều hay ít. Đến đợt sau, người khác cũng sẽ cho cá nhân đó vay lại đúng như số tiền, số lúa mà hộ này đóng góp trước đó. Ngoài việc giúp nhau về kinh tế, mô hình "Giúp bạn" còn gắn kết tình thương yêu của chị em trong từng tổ, nhóm với nhau.
Là gia đình vừa nhận tiền hỗ trợ từ quỹ "Giúp bạn", bà H’Hyel, làng Ngó cho hay, tháng 6/2021, bà nhận được 100 triệu đồng từ quỹ "Giúp bạn". Cùng với số tiền tiết kiệm của gia đình, bà đã xây dựng được một căn nhà mới thay cho ngôi nhà cũ nát trước đó. Ngoài ra, bà còn có tiền mua thêm giống, phân bón để phát triển vườn cà phê, ruộng lúa. Bà sẽ cố gắng làm ăn, phát triển kinh tế, để đến mùa vụ sắp tới sẽ đóng góp, trả lại cho các chị em khác vay, cùng với các hội viên trong tổ xây dựng quỹ để giúp nhiều hội viên có điều kiện vượt qua khó khăn.
Nằm trong chương trình hỗ trợ hội viên vượt qua khó khăn trong mùa dịch, mô hình "Nông sản sạch" của Hội Liên hiệp phụ nữ phường Thắng Lợi (thành phố Pleiku) là một trong những mô hình thiết thực giúp tiêu thụ nông sản cho phụ nữ tại các làng của người dân tộc thiểu số. Theo đó, Hội Liên hiệp phụ nữ phường Thắng Lợi đã lập ra trang "Nông sản sạch" trên Facebook để các hội viên mua bán, trao đổi nông sản, hạn chế tiếp xúc đông người. Mô hình rất thiết thực, hiệu quả và đang được nhân rộng tại các chi hội trong thành phố Pleiku.
Chị Rah Lan H’Điệp, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ làng Chuet 2, phường Thắng Lợi, cho biết "do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên hàng rau củ, thịt gia súc, gia cầm không thể xuất bán như trước khiến hàng hóa tồn đọng, đời sống bà con khó khăn. Thông qua trang "Nông sản sạch", các mặt hàng rau, thịt, trứng của các hộ dân trong làng đã xuất bán hết, không còn tồn đọng, chị em rất phấn khởi vì có thu nhập ổn định trong mùa dịch".
Ngoài các mô hình hữu ích giúp phụ nữ vượt qua khó khăn trước ảnh hưởng của dịch COVID-19, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Gia Lai còn phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức các lớp dạy nghề, giới thiệu việc làm, duy trì, phát triển các nghề truyền thống tại gia đình, qua đó tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hội viên phụ nữ. Các mô hình được Hội phát huy hiệu quả, nhân rộng là Tổ liên kết "Bóc, tách hạt điều"(Chư Ă); câu lạc bộ "Dệt thổ cẩm" làng Brel - Biển Hồ, Chư Á...
Theo bà Nguyễn Thị Hồng Vân, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Pleiku, Hội hiện có 175 chi hội phụ nữ, trong đó có 37 chi hội làng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhằm chăm lo đời sống cho các hội viên và thắt chặt tình đoàn kết, tương thân tương ái, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Pleiku đã xây dựng nhiều mô hình thiết thực hỗ trợ hôi viên phụ nữ, đặc biệt là người dân tộc thiểu số vượt qua khó khăn. Các mô hình có hiệu quả tích cực sẽ được nhân rộng ra toàn thành phố.
Hồng Điệp