Trước thực trạng người dân trên địa bàn gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, tỉnh Gia Lai đã đưa ra nhiều phương án hữu ích giúp bà con yên tâm cách ly tại nhà, đồng thời, lên kế hoạch triển khai các hướng giải quyết việc làm cho người dân, đặc biệt là người dân tộc thiểu số đã hoàn thành thời gian cách ly.
Hỗ trợ để người dân yên tâm cách ly
Theo thống kê từ sở Lao động - Thương binh và Xã hội, tính đến cuối tháng 10/2021, Gia Lai có khoảng gần 43.000 công dân, trong đó có hơn 13.000 người dân tộc thiểu số trở về từ các tỉnh phía Nam. Gần 5.000 công dân đang thực hiện cách ly tại 62 cơ sở cách ly tập trung đã được nhà nước hỗ trợ kinh phí. Bên cạnh đó, hàng nghìn công dân đang thực hiện cách ly tại nhà cần được hỗ trợ sinh kế để yên tâm hoàn thành thời gian cách ly.
Gia đình anh Nay Kalet, làng Plei Kia, thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh nằm trong diện khó khăn, đông con, ít đất sản xuất. Hai vợ chồng phải vào miền Nam làm kiếm sống. Trở về Gia Lai, hoàn thành thời gian cách ly tập trung, gia đình anh còn phải cách ly và tự theo dõi sức khỏe tại nhà thêm 14 ngày nữa. Thời gian đó, chính quyền địa phương đã hỗ trợ gia đình anh nhiều thực phẩm, nhu yếu phẩm. Anh Kalet cho biết, anh rất cảm kích và trân trọng sự hỗ trợ này vì nếu không được giúp đỡ, gia đình anh không biết lấy gì để sống qua ngày vì nguồn kinh tế đã cạn kiệt.
Theo ông Nguyễn Hữu Dương, Chủ tịch UBND thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh, ngoài kinh phí hỗ trợ của nhà nước, UBND xã còn vận động người dân chung tay, góp sức quyên góp giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là người dân tộc thiểu số trên địa bàn để người dân yên tâm cách ly tại nhà, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch. Đồng thời, vai trò Tổ an toàn COVID-19 cộng đồng được phát huy trong việc quản lý những trường hợp đang thực hiện cách ly tại nhà một cách hiệu quả.
Bằng nhiều phương án, tỉnh Gia Lai đã giúp người lao động bị ảnh hưởng do dịch COVID-19 yên tâm thực hiện đúng thời gian cách ly, hạn chế sự lây lan dịch bệnh. Theo đó, đến cuối tháng 10/2021, Chính phủ đã phân bổ cho Gia Lai hơn 200 tấn gạo để cấp cho hơn 3.000 hộ. Các địa phương chủ động xuất ngân sách hỗ trợ hơn 600 hộ. Tỉnh đang tiếp tục đề xuất Chính phủ xem xét hỗ trợ hơn 200 tấn gạo cho hơn 3.400 hộ có nguy cơ thiếu đói do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Cùng với đó, các tổ chức đoàn thể, các tổ chức từ thiện đã có nhiều những hoạt động thiết thực, nhân văn hỗ trợ trang thiết bị y tế, lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người dân trong khu cách ly hoặc đang cách ly tại nhà.
Tạo cơ hội việc làm cho người dân
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các khu công nghiệp tại các tỉnh, thành phố phía Nam - là nơi giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động địa phương - đang tạm ngừng hoạt động, khiến nguồn lao động dôi dư, đổ dồn về quê tạo sự mất cân đối trong thị trường lao động. Với gần 43.000 lao động trở về từ các vùng dịch, Gia Lai đã và đang lên kế hoạch thực hiện các giải pháp nhằm mở ra cơ hội việc làm ổn định lâu dài cho người dân, đặc biệt là người dân tộc thiểu số, người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.
Tỉnh Gia Lai đang vào vụ thu hoạch cà phê, hồ tiêu. Theo tính toán của ngành Nông nghiệp, mỗi vụ thu hoạch cà phê, tỉnh sẽ cần hơn 6 triệu lượt nhân công để thu hái hết diện tích khoảng 97.000 ha cà phê trên địa bàn. Tương tự, với diện tích hồ tiêu khoảng 12.000 ha, tỉnh sẽ cần khoảng 840 nghìn lượt nhân công thu hái. Các năm trước, lao động tại chỗ của tỉnh Gia Lai chỉ đáp ứng được hơn 50% lượng nhân công thu hái nông sản vụ cuối năm. Nguồn nhân công thu hái sẽ phải chờ từ các tỉnh miền Trung đến. Năm nay, lao động từ các tỉnh phía Nam về quê sẽ là nguồn nhân công thu hoạch nông sản dồi dào, đồng thời, giảm bớt được sự di chuyển người từ cách tỉnh, thành phố khác đến.
Theo ông Lê Ngọc Quý, Chủ tịch UBND huyện Ia Grai, trước mắt, huyện sẽ chỉ đạo các xã thành lập tại mỗi thôn, làng 1-2 tổ thu hái cà phê để tạo việc làm trước mắt cho các công dân tại địa phương và từ các tỉnh phía Nam trở về. Chính quyền địa phương đã làm việc với Ngân hàng Chính sách xã hội tạo điều kiện cho những đối tượng thanh niên vay vốn để ổn định sản xuất. Đồng thời, huyện tiếp tục xúc tiến các chương trình phát triển nông nghiệp, phát triển du lịch, đặc biệt là liên doanh, liên kết với doanh nghiệp để giải quyết việc làm cho người dân.
Theo thống kê, Gia Lai hiện gần 5.000 lao động, trong đó gần 1.500 lao động là người dân tộc thiểu số đang có nhu cầu tìm việc làm. Đối với những trường hợp đã đăng ký tìm việc, Trung tâm Dịch vụ việc làm tại các huyện sẽ tư vấn giới thiệu việc làm, kết nối việc làm cho các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động. Tỉnh hiện có khoảng 450 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng hơn 6.000 lao động, trong đó gần 4.500 lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật, hơn 800 lao động có trình độ Sơ cấp và Trung cấp, gần 900 lao động có trình độ lao động từ Cao đẳng trở lên.
Bà Nguyễn Thị Thanh Lịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho biết, để ổn định đời sống người dân sau cách ly, tỉnh đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ tối đa công tác tìm việc làm cho người lao động.
Theo đó, tỉnh Gia Lai sẽ tăng cường tuyên truyền, vận động, kêu gọi người lao động của tỉnh còn đang cư trú tại các tỉnh phía Nam tiếp tục yên tâm, ở lại làm việc. Cơ quan chức năng sẽ phát phiếu đăng ký nhu cầu tìm việc cho người lao động đã trở về địa phương, triển khai tư vấn giới thiệu việc làm cho người lao động qua điện thoại. Đồng thời, địa phương tổng hợp nhu cầu đăng ký tìm việc tại tỉnh, nhu cầu quay trở lại các tỉnh phía Nam của người dân làm việc để triển khai phù hợp các giải pháp hỗ trợ.
Cùng với đó, tỉnh Gia Lai sẽ tiến hành tổ chức các phiên giao dịch việc làm lưu động tại các địa bàn có đông lao động từ các tỉnh trở về địa phương để triển khai tư vấn giới thiệu việc làm, tư vấn học nghề, kết nối việc làm cho người lao động. Thông tin nhu cầu tuyển dụng lao động, vị trí tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh được cung cấp trên cổng thông tin điện tử “việc tìm người, người tìm việc” hoặc trên các phương tiện thông tin đại chúng để người lao động có đủ thông tin tìm việc làm phù hợp.
Chính quyền tỉnh Gia Lai còn triển khai bố trí nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh để hỗ trợ người lao động vay vốn tạo việc làm và khởi nghiệp, trong đó tập trung ưu tiên hỗ trợ cho vay đối với người lao động là dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo từ các tỉnh trở về địa phương chưa tìm kiếm được việc làm. Đồng thời, tỉnh đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, chỉ đạo các chủ đầu tư, nhà thầu ưu tiên tuyển dụng lao động tại chỗ vào làm việc, góp phần giải quyết việc làm cho lao động tại chỗ. Tỉnh triển khai các giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh sớm ổn định sản xuất kinh doanh để thu hút lao động vào làm việc.
Đặc biệt, Gia Lai sẽ ưu tiên tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người lao động có đăng ký nhu cầu quay trở lại làm việc tại các tỉnh phía Nam, miễn phí xét nghiệm COVID-19, có chính sách hỗ trợ xe đưa người lao động đến các tỉnh làm việc, hỗ trợ tiền thuê nhà trọ cho 1 tháng đầu tiên. Tỉnh kết nối với các tỉnh phía Nam như Bình Dương, Đồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh để nắm bắt nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp, chế độ chính sách đãi ngộ, các quy định phòng, chống dịch của từng tỉnh để hỗ trợ đưa người lao động đi làm việc.
Hồng Điệp