Sau hai năm Thủ tướng Chính phủ phát động phong trào chống rác thải nhựa (9/6/2019-9/6/2021), nhiều hành động cụ thể, nhiều chương trình được lan tỏa, đặc biệt tạo bước chuyển biến mạnh mẽ phương thức sản xuất và thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni-lông khó phân hủy.
Từ câu chuyện nhỏ
Câu chuyện được chị Nguyễn Thị Mai (phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội) kể lại cho nhóm phụ huynh chung mong muốn cùng con giảm thiểu chất thải nhựa dùng một lần. Gia đình chị có 3 con đang học ở bậc tiểu học và trung học cơ sở. Liên tục nhiều năm qua, các con của chị sử dụng sữa Milo hàng ngày, dù ở trường hay ở nhà. Một lần, cô con gái nhỏ phát hiện ra sự thay đổi và thắc mắc với mẹ sao Milo giờ lại dùng ống hút giấy chứ không dùng ống hút nhựa như trước? Chị Mai giải đáp cho con sự thay đổi này sẽ giúp giảm rác thải nhựa, kéo theo giảm được ô nhiễm môi trường. Nếu dùng ống hút nhựa dùng một lần như trước thì hàng triệu hàng triệu hộp sữa được uống sẽ có rất nhiều rác thải nhựa.
Ô nhiễm rác thải nhựa là một trong những mối đe dọa toàn cầu đang gia tăng nghiêm trọng nhất trong vài thập kỷ vừa qua. Một trong những tác nhân chính đó là túi ni-lông và các sản phẩm từ nhựa dùng một lần. Vấn đề này đặc biệt nghiêm trọng ở những quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam, nơi hệ thống xử lý phân loại rác thải nhựa còn hạn chế, trong khi túi ni-lông là mặt hàng miễn phí tại các cửa hàng, siêu thị… được người dân sử dụng phổ biến.
Rác thải nhựa và túi ni-lông gây ảnh hưởng nghiêm trọng đối với môi trường cũng như sức khỏe con người, như tăng hiệu ứng nhà kính, gây cản trở quá trình sinh trưởng của các loài thực vật, dẫn đến tình trạng xói mòn và sạt lở đất, có tác hại đối với các loài sinh vật biển. Bên cạnh đó, rác thải nhựa, ni-lông được đốt ở ngoài môi trường sẽ tạo ra nhiều loại khí độc ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Đặc biệt với đặc tính khó phân hủy, khó xử lý, rác thải nhựa và ni-lông được thải mỗi ngày ra môi trường với số lượng lớn sẽ khiến tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng.
Chị Mai nhắc lại ngay với con câu chuyện về quy định bọc sách, vở vào năm học trước. Việc không còn bắt buộc phải dùng giấy ni-lông bọc sách, vở giúp học sinh biết đến tác hại của chất thải nhựa, tự rèn ý thức gọn gàng, giữ gìn sách, vở, đồ dùng học tập.
Trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, học sinh đã được nghỉ hè sớm. Với các con của chị, khi ở nhà, các con dùng các ứng dụng đặt đồ ăn chế biến sẵn về nhà nhiều hơn và các con nhận thấy là hầu hết các cơ sở đã thay đổi, dùng sản phẩm đồ giấy thay cho đồ nhựa như trước đây.
Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ký chương trình phối hợp về công tác bảo vệ môi trường giữa 2 bộ giai đoạn 2019-2025, với mục đích đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường, trong đó chú trọng đưa nội dung giáo dục về giảm thiểu, thu gom, phân loại, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải rắn; hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, túi ni-lông khó phân hủy.
Theo chị Mai, “nhồi” vào đầu con những điều tưởng chừng to tát, vĩ mô nhưng với chị, việc thay đổi tư duy, nâng cao nhận thức với con trẻ cứ phải “mưa dầm thấm lâu”.
Đến những liên kết lớn
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Nguyễn Thượng Hiền cho biết, với sự hỗ trợ, hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các tập đoàn sản xuất, phân phối bán lẻ lớn đã hình thành các Liên minh chống rác thải nhựa, Liên minh tái chế bao bì Việt Nam (gồm 40 doanh nghiệp lớn như TH Group, Coca-Cola, La Vie, Nestle, Nutifood… đã được thành lập để tham gia vào các chương trình tái chế rác thải nhựa. Thỏa thuận thiết lập hợp tác công tư về xây dựng kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa tại Việt Nam đã được ký kết giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường và Công ty trách nhiệm hữu hạn Dow Chemical Việt Nam, Tập đoàn SCG và Công ty trách nhiệm hữu hạn Quốc tế Unilever Việt Nam.
Hiện nay, các nhà bán lẻ và siêu thị đã có nhiều nỗ lực trong việc giảm thiểu túi ni-lông như khuyến khích dùng túi sử dụng nhiều lần, chương trình tích điểm khi không sử dụng túi ni-lông. Các doanh nghiệp như Co.op mart Việt Nam, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh, siêu thị Big C Đà Nẵng, Big C Hà Nội… đã sử dụng phương pháp bọc hàng hóa, sản phẩm bằng lá chuối thay thế dần túi ni-lông. Các hãng hàng không Vietjet, Bamboo sẽ đặt trọng tâm về kế hoạch sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường trên các chuyến bay. Nhiều tổ chức, đơn vị tư nhân trên cả nước đã đứng ra vận động người dân mang đổi vỏ chai nhựa để lấy cây xanh. Nhiều cửa hàng nước giải khát không phục ống hút nhựa đi kèm, thay bằng ống hút giấy, dùng cốc sử dụng nhiều lần… Tuy nhiên, túi ni-lông hiện vẫn đang được phát miễn phí cho khách hàng tại hầu hết các siêu thị.
Sáng kiến về xây dựng dự án Liên minh tiêu dùng bán lẻ giảm thiểu túi ni-lông một lần tại Việt Nam được đề xuất nhằm thúc đẩy liên kết giữa các siêu thị, cùng nhau hành động vì mục tiêu giảm thải rác thải nhựa và túi ni-lông dùng một lần, góp phần bảo vệ môi trường.
Tiến sĩ Kim Thị Thúy Ngọc, Viện Chiến lược chính sách Tài nguyên và Môi trường cho biết, dự án này giảm thiểu việc sử dụng túi ni-lông sử dụng 1 lần tại các siêu thị và dần thay đổi hành vi sử dụng túi thân thiện với môi trường của khách hàng. Theo đó, các chương trình khuyến mại được áp dụng nhằm khuyến khích khách hàng giảm sử dụng túi ni-lông; hoạt động truyền thông nhằm thay đổi hành vi của khách hàng.
Mục tiêu cụ thể là thay thế túi ni-lông sử dụng một lần bằng túi thân thiện với môi trường; so với năm 2020 giảm ít nhất 10% tổng lượng túi ni-lông sử dụng một lần; 100% thành viên Liên minh thực hiện các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức của người tiêu dùng; 80% thành viên Liên minh thực hiện các chương trình khuyến mại nhằm khuyến khích khách hàng giảm sử dụng túi ni-lông sử dụng một lần; 50% các chi nhánh của thành viên bước đầu thử nghiệm việc yêu cầu khách hàng trả tiền đối với túi ni-lông sử dụng một lần.
Sau khi tham gia liên minh, các bên có quyền trao đổi, chia sẻ, hợp tác để giảm tiêu thụ túi ni-lông và các sản phẩm nhựa dùng một lần; tiếp cận, kết nối với các sáng kiến, giải pháp và nguồn lực về giảm tiêu thụ và sử dụng túi ni-lông và sản phẩm nhựa dùng một lần; tham gia học tập, hội thảo, trao đổi kinh nghiệm về sản xuất và tiêu dùng bền vững trong nước; quảng bá hình ảnh về trách nhiệm xã hội và môi trường, nâng cao uy tín của doanh nghiệp.
Tiến sĩ Kim Thị Thúy Ngọc đề xuất các hoạt động trong kế hoạch hành động của Liên minh như chương trình một ngày không sử dụng túi ni-lông/tuần tại các siêu thị; chương trình tích điểm thưởng (1 ngày/1 tuần) khi không sử dụng túi ni-lông; chương trình tặng túi thân thiện với môi trường; chương trình trừ tiền trên hóa đơn mua hàng khi không sử dụng túi ni-lông; chương trình đổi voucher với quyền lợi ưu đãi khi mua hàng đối với một số nhãn hàng; chương trình tính phí đối với túi ni-lông sử dụng một lần.
Đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Thượng Hiền, để nâng cao hiệu quả quản lý chất thải nói chung, chất thải nhựa nói riêng, ngoài việc xây dựng, ban hành các văn bản pháp luật, Bộ Tài nguyên và Môi trường đẩy mạnh các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức về tác hại của các sản phẩm có nguồn gốc từ nhựa, túi ni lông sử dụng một lần đối với môi trường, hệ sinh thái và sức khoẻ con người; thường xuyên phát động các phong trào phòng, chống rác thải nhựa.
Bộ cũng đôn đốc các địa phương hạn chế và tiến tới chấm dứt việc nhập khẩu, sản xuất và cung cấp các loại túi nilon khó phân huỷ kể từ năm 2026 tại các Trung tâm thương mại, siêu thị phục vụ cho mục đích sinh hoạt; tuyên truyền, vận động và tổ chức ký cam kết chống rác thải nhựa, không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần đối với các cơ sở sản xuất, các tổ chức phân phối sản phẩm, trung tâm thương mại, cửa hàng, nhà hàng, chợ, siêu thị; xây dựng và tổ chức thực hiện các mô hình điểm thực hiện hạn chế sử dụng túi khó phân hủy, chuyển từ việc sử dụng túi ni lông sang các loại túi giấy và bao gói khác; thúc đẩy thị trường tiêu thụ túi thân thiện với môi trường; kiểm soát chặt chẽ các hoạt động sản xuất túi ni lông khó phân hủy trên địa bàn, đặc biệt là nhóm sản xuất quy mô hộ gia đình.
Các đô thị lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã có các kế hoạch liên quan đến sản phẩm nhựa. UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 55/KH-UBND thực hiện chương trình quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững năm 2021, trong đó nhấn mạnh việc nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đối với sản xuất và tiêu dùng bền vững… Kế hoạch này đề cập đến nhiệm vụ trước hết là cần quyết liệt triển khai các giải pháp hạn chế, tiến tới loại bỏ, nói không với đồ nhựa dùng một lần trong đời sống xã hội.
UBND Thành phố Hồ Chí Minh vừa ban hành kế hoạch về việc tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa trên địa bàn thành phố giai đoạn đến năm 2030. UBND Thànhphố Hồ Chí Minh yêu cầu các cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị-xã hội phải gương mẫu, tích cực và đi đầu trong việc giảm thiểu, tái sử dụng chất thải nhựa; không sử dụng bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và sản phẩm nhựa dùng một lần tại công sở, hội nghị, hội thảo và các ngày lễ, ngày kỷ niệm; hạn chế sử dụng băng rôn, khẩu hiệu… dùng một lần chuyển sang sử dụng các trang thiết bị điện tử phục phục vụ cho công tác tuyên truyền.
Thành phố Hồ Chí Minh cũng đặt mục tiêu đến hết năm 2021, 100% hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn thành phố sẽ sử dụng các loại bao bì thân thiện môi trường phục vụ cho mục đích sinh hoạt để thay thế túi ni lông khó phân hủy. Đồng thời, các tiểu thương tại các chợ dân sinh sẽ giảm 50% sử dụng bao bì ni lông khó phân hủy sinh học trong việc đóng gói, đựng sản phẩm cho người tiêu dùng.
Thành phố cũng sẽ đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về tác hại của chất thải nhựa đối với môi trường và con người; lợi ích của các hoạt động phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, giảm thiểu, phân loại, thu gom, tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa đến tất cả cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí, học sinh, sinh viên, người dân… trên địa bàn thành phố.
Ở các địa phương khác, tại quận Thanh Khê (thành phố Đà Nẵng), 3 trường học sẽ triển khai mô hình “trường học không rác thải nhựa”do Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) tại Việt Nam hỗ trợ thực hiện. Đến năm 2025, quận Thanh Khê sẽ nhân rộng triển khai tại 10 trường học. Có 130 cán bộ, giáo viên nòng cốt của các trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn quận đã được tập huấn bồi dưỡng, phổ biến kiến thức về môi trường.
Tỉnh Thừa Thiên-Huế thực hiện đề án “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống rác thải nhựa giai đoạn 2021-2025”, qua đó xây dựng, hình thành mạng lưới truyền thông cấp cơ sở và các phong trào rộng khắp theo cách tiếp cận tổng hợp, dựa trên cơ sở phối hợp hiệu quả với các tổ chức quần chúng, tổ chức xã hội-nghề nghiệp như hội Nông dân, hội Nghề cá, hiệp hội Du lịch, hội Môi trường... Tỉnh còn tập trung vào các nội dung như tổ chức tập huấn, bồi dưỡng hoặc lồng ghép nội dung cập nhật kiến thức, phổ biến văn bản pháp luật bằng hình thức phù hợp với từng đối tượng; các hoạt động tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng, chống rác thải nhựa; biên soạn, phát hành các xuất bản phẩm và các sản phẩm truyền thông; ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền...
Thành phố Bến Tre (tỉnh Bến Tre) tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường, chống rác thải nhựa thông qua tổ chức nhiều buổi tọa đàm, tập huấn và triển khai các mô hình hay, có hiệu quả đã và đang được áp dụng để giảm thiểu rác thải nhựa đã mang lại hiệu quả cao và cần được duy trì. Trong đó, điển hình là những mô hình như: Ủ phân compost và sử dụng sản phẩm nhựa tái chế, nhựa thân thiện môi trường của Hội Phụ nữ; phân loại và xử lý chất thải nguy hại từ sản xuất nông nghiệp của Hội Nông dân; công tác bảo vệ môi trường của Đoàn Thanh niên; xách giỏ đi chợ ở Phường 5, Phường 6, Phường Phú Khương; Câu Lạc bộ Xanh thuộc xã Phú Hưng; nói không với rác thải nhựa của Phường 6, Phường 7, phường Phú Khương...
Minh Nguyệt