Những ngày này, ở Bắc Bộ và Trung Bộ trời nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt. Ngày 23/6, nền nhiệt độ cao nhất ở Bắc Bộ và Trung Bộ phổ biến 37-40 độ C, có nơi 41-42 độ C. Độ ẩm tương đối thấp nhất trong ngày phổ biến 30-50%. Thời gian có nhiệt độ trên 35 độ C từ 10-18 giờ.
Trong đợt nắng nóng này, các cơ sở y tế trong cả nước đã tiếp nhận nhiều trường hợp nhập viện liên quan đến nắng nóng, trong đó có nhiều người già và trẻ em. Với người già, nắng nóng là nguyên nhân chủ yếu làm gia tăng các bệnh về hô hấp, tim mạch, huyết áp thần kinh ... Với trẻ nhỏ, nhiệt độ và độ ẩm không khí tăng cao bất thường kéo theo nguy cơ trẻ bị suy kiệt vì nóng, thậm chí là say nắng.
Các dấu hiệu nhận biết
Tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã tiếp nhận trường hợp bị say nắng, say nóng với các triệu chứng kinh điển là tăng thân nhiệt trên 40 độ C và suy chức năng thần kinh xảy ra đột ngột ở 80% các trường hợp.
Theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Uyển, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, trẻ em và người già là đối tượng dễ bị say nắng, say nóng vì khả năng điều nhiệt, thích nghi kém với nắng nóng. Các dấu hiệu nhẹ ban đầu của say nắng say nóng là nhịp tim nhanh, thở nhanh, đỏ da (do cơ chế thải nhiệt- giãn mạch dưới da), có thể vã mồ hôi, kèm theo hoa mắt, chóng mặt, đau đầu, buồn nôn. Chú ý ở người già các dấu hiệu thường kín đáo và không đặc hiệu ở giai đoạn sớm. Các biểu hiện nặng hơn nếu không được xử trí kịp thời là tụt huyết áp, rối loạn chức năng thần kinh bao gồm thay đổi tri giác, kích động, mê sảng, lú lẫn, co giật và hôn mê. Khi thân nhiệt tăng quá cao còn gây mất điện giải nặng, rối loạn thăng bằng, có thể xuất huyết do rối loạn đông máu nặng, nặng hơn nữa là suy đa phủ tạng dẫn đến tử vong.
Các bác sĩ khuyến cáo, người già thường rất nhạy cảm khi thời tiết thay đổi, sức đề kháng giảm, nhiều cơ quan hoạt động không còn ổn định, đặc biệt là với khí trời nóng bức như hiện nay. Vì vậy trong những ngày nắng nóng, nhiệt độ cao, người già có bệnh mãn tính cần tránh ra ngoài nắng, tránh bị sốc nhiệt. Trời nóng thường khiến cơ thể đổ nhiều mồ hôi dẫn đến mất nước, mất khoáng, vì vậy cần bổ sung đủ nước thường xuyên, thậm chí cả lúc không khát. Bên cạnh đó, cần chú ý đến chế độ ăn uống, sinh hoạt, tập luyện để tránh mắc phải những chứng bệnh thường gặp trong mùa nắng nóng.
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, tuy chưa có trường hợp bệnh nhi nhập viện do sốc nhiệt nhưng cũng gia tăng trường hợp trẻ mắc các bệnh liên quan đến nắng nóng như bệnh về hô hấp, viêm phổi, viêm trên khí quản, tiêu hóa, sốt siêu vi, tiêu chảy cấp… do thời tiết nắng nóng làm giảm sức đề kháng của trẻ, từ đó giúp các vi khuẩn gây hại dễ xâm nhập vào cơ thể. Vì vậy, các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương cũng lưu ý, để phòng tránh những bệnh mùa nắng nóng cho con trẻ, phụ huynh nên giữ vệ sinh sạch sẽ cho trẻ, không nên đưa trẻ đến những nơi đông người, tránh thay đổi nhiệt độ đột ngột, cung cấp đầy đủ nước và chất dinh dưỡng nhằm tăng cường sức đề kháng cho trẻ. Tránh cho trẻ ra ngoài đường vào giờ nắng nóng cao điểm. Cần đặc biệt quan tâm đến chế độ ăn uống của trẻ, lựa chọn và bảo quản thực phẩm đúng cách. Không nên chủ quan với các biểu hiện ho, sốt, sổ mũi của trẻ và cần đến cơ sở y tế sớm nhất để được khám, điều trị.
Các bác sĩ cũng cảnh báo nguy cơ mắc bệnh do nắng nóng tăng cao ở các nhóm trẻ như: Trẻ dưới 4 tuổi do tỷ lệ diện tích bề mặt cơ thể trên cân nặng cao hơn so với người lớn khiến lượng nhiệt hấp thu từ môi trường và lượng nhiệt sản sinh khi vận động đều cao hơn. Trẻ quá nhỏ chưa thể tự vận động để lấy nước uống sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào người chăm trẻ. Trẻ đủ lớn để tự lấy nước cũng thường hay quên, không uống đủ nước. Bên cạnh đó, trẻ bị bệnh cấp tính, đặc biệt là sốt và bệnh đường tiêu hóa; trẻ vận động quá nhiều, nhất là nếu chưa quen với nắng nóng, lại quá mập hoặc không thật khỏe mạnh; trẻ đang dùng các loại thuốc làm giảm khả năng điều hòa nhiệt của cơ thể, ví dụ thuốc kháng histamin chống dị ứng, thuốc lợi tiểu hay thuốc điều trị bệnh tâm thần và trẻ từng có tiền sử bị bệnh liên quan tới nắng nóng cũng là các đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh trong mùa nắng nóng.
Ngoài ra, người dân cần biết cách nhận biết các dấu hiệu đột quỵ do nắng nóng để phát hiện và xử trí kịp thời. Cần đưa người bệnh đến ngay cơ sở y tế nếu có các biểu hiện như: Vã mồ hôi nhiều, đau đầu, khó chịu, mặt đỏ, đỏ da toàn thân, cảm giác nghẹt thở, thở nhanh; nôn mửa, chóng mặt, hoa mắt, ngất lịm, trụy mạch, thậm chí li bì, mê sảng, hôn mê…
Các biện pháp phòng ngừa
Để phòng tránh các bệnh do nắng nóng, các bác sĩ khuyến cáo người dân khi phải ra ngoài khi trời nắng nóng, cần che kín cơ thể bằng cách mặc quần áo rộng, nhẹ và sáng màu, đội mũ rộng vành, sử dụng kem chống nắng.
Uống đầy đủ nước khi trời nắng nóng hoặc phải lao động nặng dưới ánh nắng mặt trời gay gắt. Thường xuyên uống nước dù chưa cảm thấy khát. Có thể uống nước có pha một chút muối hoặc uống dung dịch oresol, nước trái cây, tránh xa nước ngọt có ga, đồ uống năng lượng.
Không làm việc quá lâu dưới trời nắng hoặc làm việc trong môi trường nóng bức, tránh các hoạt động thể lực quá sức. Nên nghỉ ngơi định kỳ sau khoảng 45 phút hay 1 tiếng làm việc liên tục ở nơi nắng nóng, nghỉ ngơi ở nơi thoáng mát từ 10 - 15 phút.
Luôn trang bị đầy đủ các thiết bị chống nắng, chống nóng khi lao động, làm việc dưới trời nắng như quần áo bảo hộ lao động, mũ bảo hộ, nón rộng vành, kính râm...
Làm thoáng mát môi trường làm việc, đặc biệt ở các công xưởng, hầm, lò... rất có ý nghĩa trong việc phòng chống bị say nắng, say nóng.
Khi vừa đi nắng về, đây là thời điểm cơ thể tiết ra nhiều mồ hôi, nhiệt cơ thể độ cao, nếu tắm ngay sẽ làm thay đổi thân nhiệt đột ngột, rất nguy hiểm, có thể dẫn đến đột quỵ.
Vào mùa nắng nóng, cần uống nhiều nước, ăn các loại thức ăn mát, rau củ quả chứa nhiều kali như: rau đay, mồng tơi, rau má, cà chua..., mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát, dễ thoát mồ hôi.
Không được để trẻ em hoặc bất kỳ ai trong xe hơi đỗ, tắt máy, trong thời tiết nắng nóng dù chỉ để trong thời gian ngắn, do nhiệt độ trong xe hơi có thể tăng hơn 11 độ C chỉ trong 10 phút.
PV