Phong Điền - huyện nông thôn mới đầu tiên của thành phố Cần Thơ

Du khách đến với huyện Phong Điền (thành phố Cần Thơ). Ảnh: Thu Hiền - TTXVN
Du khách đến với huyện Phong Điền (thành phố Cần Thơ). Ảnh: Thu Hiền - TTXVN

Ngay sau khi thành phố Cần Thơ trực thuộc Trung ương, ngày 2/1/2004, huyện Phong Điền được thành lập. Khi mới "ra đời", huyện có xuất phát điểm thấp, thiếu thốn nhiều mặt: kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực,... Ngày nay, sau 20 năm thành lập và phát triển, huyện Phong Điền đã "thay da, đổi thịt" khoác trên mình diện mạo mới.

Phong Điền - huyện nông thôn mới đầu tiên của thành phố Cần Thơ ảnh 1Du khách đến với huyện Phong Điền (thành phố Cần Thơ). Ảnh: Thu Hiền - TTXVN

* Chuyển biến trên mọi lĩnh vực

Theo ông Nguyễn Trung Nghĩa, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Phong Điền, huyện luôn bám sát nghị quyết, kế hoạch, đề án của Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ và nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện các nhiệm kỳ,... để ban hành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm, đảm bảo linh hoạt thích ứng phù hợp với thực tiễn.

Với sự đoàn kết, quyết tâm cao của toàn Đảng bộ, chính quyền và người dân, 20 năm qua, huyện Phong Điền luôn nắm bắt thời cơ, khắc phục khó khăn, thách thức. Từ đó, huyện đạt được nhiều thành tích quan trọng, tạo sự chuyển biến đồng bộ trên mọi lĩnh vực: tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao, thu nhập bình quân đầu người đến năm 2023 là 75,1 triệu đồng/người/năm, tăng gấp 13,5 lần so với năm 2004 (năm 2004 là 5,53 triệu đồng/người/năm); giá trị sản xuất năm 2023 đạt 1.280 tỷ đồng, tăng 4,49 lần so với năm 2004; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2023 đạt 5.800 tỷ đồng, tăng 15,68 lần so với năm 2004; tổng số cơ sở thương mại - dịch vụ tính đến nay có 6.749 cơ sở, tăng 5.873 cơ sở so với năm 2004...

Điểm nhấn trong 20 năm hành trình xây dựng và phát triển huyện Phong Điền chính là việc thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Từ một huyện có xuất phát thấp đến nay, Phong Điền đã trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của thành phố Cần Thơ (năm 2015).

Hiện nay, tất cả 6 xã của huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; trong đó, xã Mỹ Khánh và Trường Long là xã nông thôn mới kiểu mẫu. Bộ mặt nông thôn của huyện Phong Điền ngày càng khang trang. Hệ thống giao thông trên địa bàn được đầu tư xây dựng khá hoàn chỉnh, tạo sự liên kết các tuyến đường giao thông từ trung tâm hành chính huyện đến các xã và liên xã được thông suốt, rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn với thành thị.

Không giấu được sự phấn khởi khi nói về sự đổi thay của quê hương Phong Điền, ông Nguyễn Hoàng Thám (70 tuổi), ấp Mỹ Ái, xã Mỹ Khánh chia sẻ, cách đây 20 năm, ấp vẫn là những con đường đất khiến cho việc giao thương, trao đổi hàng hóa cũng như việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn, nhất là vào mùa nước nổi phải đi bằng xuồng hoặc ghe chạy máy. Do đó, trái cây được trồng ở các vườn luôn bị thương lái ép giá.

Từ khi địa phương thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đến nay, sau hơn 10 năm xây dựng, ông Nguyễn Hoàng Thám nhận thấy quê mình ngày một phát triển. Những con đường đất đã được bê tông hóa, mặt đường 3,5 - 4m, xe ô tô chạy đến tận ấp nên việc vận chuyển hàng hóa, trái cây rất thuận tiện; hệ thống điện, nước sạch nông thôn được nâng cấp, mở rộng; trường lớp được xây dựng khang trang, sạch đẹp góp phần nâng chất lượng dạy và học...

Phong Điền là huyện vùng ven của thành phố Cần Thơ. Trong các lĩnh vực, huyện tập trung phát triển nông nghiệp gắn với dịch vụ du lịch sinh thái - thế mạnh của địa phương.

Năm 2004, diện tích đất nông nghiệp thủy sản toàn huyện là 10.566 ha, trong đó, 6.069ha đất vườn cây ăn trái. Huyện Phong Điền đẩy mạnh đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp huyện theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Đến nay, toàn huyện có 8.914ha vườn cây ăn trái các loại, sản lượng thu hoạch năm 2023 đạt 105.267 tấm, tăng trên 123% so với năm 2004. Phong Điền đã hình thành được một số vùng sản xuất chuyên canh như: sầu riêng xã Tân Thới, vú sữa xã Giai Xuân, dâu Hạ Châu xã Nhơn Ái, nhãn ido xã Nhơn Nghĩa...

Từ những lợi thế về nông nghiệp, huyện Phong Điền hình thành nên nhiều điểm du lịch sinh thái. Trong tổng số 65 điểm du lịch và di tích lịch sử trên địa bàn huyện, có một số điểm du lịch sinh thái nổi bật như: Làng Du lịch sinh thái Mỹ Khánh, Làng du lịch sinh thái Ông Đề,... thu hút đông khách đến tham quan, trải nghiệm, nghỉ dưỡng. Năm 2023, huyện Phong Điền thu hút trên 1,6 triệu lượt khách tham quan, tăng 125 lần so với năm 2004, tổng doanh thu trên 485,5 tỷ đồng.

Với những kết quả đạt được trong 20 năm qua, huyện Phong Điền đã vinh dự được tặng thưởng cờ thi đua, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, cờ thi đua của Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ.

* Hướng đến đô thị sinh thái

Bên cạnh những thành quả đạt được, huyện Phong Điền vẫn còn một số hạn chế, khó khăn cần phải quan tâm như: sản xuất nông nghiệp có quy mô lớn tập trung chưa nhiều, còn manh mún, nhỏ lẻ; kinh tế vườn, chăn nuôi, thủy sản phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, chưa thật sự bền vững; các ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp hoạt động với quy mô nhỏ; thương mại - dịch vụ phát triển khá tốt, nhưng chưa tương xứng với tiềm năng lợi thế của huyện;...

Ông Nguyễn Xuân Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố Cần Thơ nhận định, sau 20 năm, huyện Phong Điền đã bước sang một trang mới trong quá trình phát triển. Những yêu cầu đặt ra đối với huyện sẽ nặng nề và phức tạp hơn trong công tác quản lý đô thị; xây dựng nông thôn mới; trong việc nâng cao trình độ, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân đồng lòng thực hiện các chủ trương, nhiệm vụ xây dựng huyện trong giai đoạn phát triển mới.

Vì thế, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố Cần Thơ đề nghị Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Phong Điền tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, của Thành ủy; đồng thời, quyết tâm, phấn đấu, đoàn kết và phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, khắc phục những khó khăn, hạn chế, tận dụng những cơ hội phát triển mới, có tính đột phá. Huyện cần tập trung nâng cao chất lượng đối với hệ thống tiêu chí đô thị loại 4, xây dựng huyện phát triển nhanh theo hướng hiện đại, bền vững đặt trong mối liên hệ với sự phát triển chung của thành phố và vùng Đồng bằng sông Cửu Long, phát triển kinh tế phải đi đôi với giải quyết tốt các vấn đề xã hội và bảo vệ môi trường.

Song song đó, Phong Điền cần tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng dịch vụ - thương mại; tích cực thu hút đầu tư; phát huy tiềm năng, lợi thế xây dựng và phát triển huyện thành đô thị sinh thái, phát triển hài hòa giữa đô thị và nông thôn, là vành đai xanh, là lá phổi xanh của thành phố; chú trọng phát triển các mô hình sản xuất có chất lượng và giá trị kinh tế cao.

Theo ông Đào Ngọc Chi, Bí thư Huyện ủy Phong Điền trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục kế thừa và phát huy tiềm năng, thế mạnh sẵn có, tinh thần đoàn kết của nhân dân để tạo nên sức mạnh tổng hợp để xây dựng huyện phát triển nhanh, vững chắc.

Trong quá trình lãnh đạo chỉ đạo, Huyện ủy sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để đôn đốc, nhắc nhở việc thực hiện nghị quyết đưa huyện Phong Điền sớm đạt tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao, định hướng thành lập thị xã Phong Điền là đô thị sinh thái đặc thù giai đoạn 2026 - 2030.

Thu Hiền

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm