Bộ Y tế cho biết, từ 16 giờ ngày 26/11 đến 16 giờ ngày 27/11, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 13.063 ca mắc mới, trong đó 15 ca nhập cảnh và 13.048 ca ghi nhận trong nước (giảm 46 ca so với ngày trước đó) tại 60 tỉnh, thành phố; có 7.160 ca trong cộng đồng.
Ngày 27/11, Sở Y tế Tây Ninh đăng ký bổ sung thông tin trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 cho 3.004 ca mắc tại Tây Ninh đã được lấy mẫu từ những ngày trước đó, sau khi rà soát đầy đủ thông tin.
Các địa phương ghi nhận số ca mắc giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Bến Tre (236 ca), Bình Phước (132 ca), An Giang (63 ca).
Các địa phương ghi nhận số ca mắc tăng cao nhất so với ngày trước đó: Gia Lai (88 ca), Bình Thuận (66 ca), Bình Định (65 ca).
Trung bình số ca mắc mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 11.667 ca/ngày.
Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 1.197.404 ca mắc, đứng thứ 37/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca mắc/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 150/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 12.151 ca mắc).
Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca mắc mới ghi nhận trong nước là 1.192.200 ca, trong đó có 954.107 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày là 1.668 ca/ngày, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 956.924 ca. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 5.383 ca.
Ngày 27/11, cả nước ghi nhận 148 ca tử vong. Tại Thành phố Hồ Chí Minh có 65 ca, trong đó có 8 ca từ các tỉnh chuyển đến như sau: Bạc Liêu, Bắc Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, An Giang (mỗi địa phương 1 ca), Long An (3 ca).
Tại các tỉnh, thành phố khác: Tây Ninh, Bình Dương (mỗi địa phương 11 ca), An Giang (9 ca), Long An, Tiền Giang (mỗi địa phương 8 ca), Bạc Liêu (7 ca), Bình Thuận, Cần Thơ (mỗi địa phương 5 ca), Sóc Trăng (4 ca), Khánh Hoà, Đồng Nai, Đồng Tháp (mỗi địa phương 3 ca), Bình Phước (2 ca), Hà Giang, Lạng Sơn, Đắk Lắk, Hậu Giang (mỗi địa phương 1 ca).
Trung bình số ca tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 144 ca/ngày. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 24.692 ca, chiếm 2,1% so với tổng số ca mắc, cao hơn trung bình của thế giới là 0,1%.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phân loại biến thể mới nhất của virus SARS-CoV-2, lần đầu tiên phát hiện ở Nam Phi B.1.1.529 vào dạng biến thể đáng quan ngại (Variant of Concern-VOC), đồng thời yêu cầu các quốc gia tăng cường giám sát và giải trình tự gene virus biến thể mới này.
Nam Phi đã chứng kiến các ca mắc COVID-19 tăng đột biến trong những tuần mới đây, trùng hợp với việc phát hiện ra biến thể B.1.1.529. Biến thể mới này được đặt tên là Omicron, lần đầu được phát hiện qua thu thập mẫu xét nghiệm tại Nam Phi vào ngày 9/11 và lần đầu tiên được báo cáo lên WHO vào ngày 24/11.
* Thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine, thuốc điều trị COVID-19 trong nước
Sáng 27/11, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì họp với các bộ, ngành, đơn vị nhằm rà soát lại tình hình và thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine, thuốc điều trị COVID-19 trong nước.
Theo Bộ Y tế, đến ngày 25/11, cả nước đã tiêm được khoảng 116,4 triệu liều vaccine phòng, chống COVID-19, trong đó có 69 triệu liều mũi 1 và 47,4 triệu liều mũi 2. Hiện nay, Việt Nam đang chuyển giao công nghệ, nghiên cứu, thử nghiệm các loại vaccine phòng COVID-19 gồm: Nanocovax, COVIVAC, ARCT-154, HIPRA, Sputnik V, Shionogi và một số loại vaccine của Cuba, Ấn Độ... Có 6 nhà máy nộp hồ sơ đăng ký thuốc điều trị COVID-19.
Đặc biệt, hiện nay có đơn vị đang triển khai thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1,2,3 đối với một số thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu xuất phát từ các bài thuốc, vị thuốc cổ truyền để phòng và điều trị COVID-19. Kết quả giai đoạn 2 cho thấy các thuốc cổ truyền có tính an toàn, về hiệu quả cần được tiếp tục chứng minh trong các nghiên cứu giai đoạn 3 với cỡ mẫu lớn hơn.
Bộ Y tế và các bộ, ngành, đơn vị đang phối hợp chặt chẽ để việc chuyển giao công nghệ, nghiên cứu, thử nghiệm, sản xuất vaccine, thuốc điều trị COVID-19 theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ.
Phát biểu tại cuộc họp Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, diễn biến dịch COVID-19 còn rất phức tạp cả trên thế giới và khu vực, trong đó có Việt Nam. Để thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19 thì một trong những yếu tố quan trọng là phải thực hiện phòng, chống dịch theo đúng công thức “5K + vaccine, thuốc điều trị + công nghệ + ý thức người dân và các giải pháp khác”. Trong đó vaccine, thuốc điều trị có ý nghĩa quan trọng trong phòng, chống dịch.
Thủ tướng nhấn mạnh, quan điểm của Đảng, Nhà nước là sản xuất bằng được vaccine, thuốc điều trị COVID-19 ở trong nước để chủ động phòng chống dịch bệnh, tiết kiệm ngân sách Nhà nước, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, trí tuệ của con người Việt Nam, nhất là truyền thống sáng tạo của ngành Dược, ngành Y tế trong sản xuất vaccine, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân...
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, đơn vị tiếp tục phối hợp chặt chẽ, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn cả về mặt nghiên cứu, hành chính, pháp lý..., phấn đấu sản xuất bằng được vaccine, thuốc điều trị COVID-19 ở trong nước, đảm bảo an toàn, khoa học, hiệu quả, kịp thời, công khai, minh bạch, trên cơ sở luật pháp, điều kiện thực tế của Việt Nam; chống mọi sách nhiễu, tiêu cực, chạy đua thiếu lành mạnh, lợi ích nhóm; phải đặt lợi ích quốc gia, dân tộc, sức khỏe, tính mạng của nhân dân lên trên hết, trước hết.
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 318/TB-VPCP ngày 27/11/2021 truyền đạt kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 trực tuyến với các địa phương về công tác phòng, chống dịch.
Chỉ đạo về các nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Y tế: Tổng kết, đánh giá công tác phòng, chống dịch COVID-19 đợt dịch thứ 4 và tiếp tục hoàn thiện Chiến lược tổng thể phòng, chống dịch COVID-19, báo cáo Chính phủ và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt trước ngày 30/11/2021. Phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh kế hoạch tiêm vaccine cho trẻ em an toàn, khoa học, phù hợp, hiệu quả; có kế hoạch tiêm mũi 3 đối với các trường hợp đã tiêm 2 mũi đủ thời gian.
* Các địa phương nỗ lực phòng, chống dịch
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Dương, ngày 27/11, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 716 ca mắc mới qua xét nghiệm RT-PCR và đã có đầy đủ các thông tin dịch tễ. Số ca mắc trong toàn tỉnh tăng 1,3% so với ngày 26/11.
Trước tình hình các ca mắc COVID-19 đang có dấu hiệu tăng, Sở Y tế tỉnh Bình Dương yêu cầu Trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố rà soát, cập nhật, công bố công khai cho người dân tiếp cận thông tin đường dây nóng của các trung tâm y tế, trạm y tế, đặc biệt là trạm y tế lưu động. Qua đó, giúp người dân được tiếp cận thông tin y tế nhanh chóng, kịp thời hỗ trợ những F0 điều trị tại nhà, tránh chuyển nặng, tử vong. Đến nay, tỉnh Bình Dương có 162 trạm y tế lưu động. Trong đó, 99 trạm ở xã, phường, 43 trạm trong khu công nghiệp và 20 tổ y tế lưu động của quân y.
Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương Nguyễn Hồng Chương cho biết tới đây, ngành y tế tiếp tục xây dựng kế hoạch thành lập thêm nhiều trạm y tế lưu động mới kèm theo chế độ ưu đãi để thu hút nhân sự là y, bác sỹ đảm trách các trạm y tế này. Theo kế hoạch, cứ 15.000 dân thì cần một trạm y tế lưu động để đáp ứng nhu cầu trong tình hình bình thường mới. Ngành y tế cũng đang lên kế hoạch lập đoàn giám sát hoạt động của các trạm y tế lưu động để kiện toàn tổ chức hiệu quả hơn; đồng thời đẩy mạnh hoạt động y tế tại cơ sở, gần người dân hơn.
Tiến sỹ, Bác sỹ chuyên khoa II Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy khẳng định, Bệnh viện sẽ tiếp tục hỗ trợ tỉnh Bạc Liêu nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian tới. Trước mắt sẽ tiếp tục cử Tổ chuyên gia ở lại giúp đỡ các cơ sở y tế Bạc Liêu nâng cao năng lực điều trị.
Các chuyên gia của Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp tục hỗ trợ tỉnh Bạc Liêu truy vết, thu dung, điều trị các ca mắc COVID-19 tại các cơ sở y tế, hướng dẫn thực hiện điều trị F0 tại nhà; tập trung đầu tư, bố trí các trang thiết bị y tế phục vụ điều trị, nhất là ở tầng 3 để giảm số ca chuyển nặng và tử vong.
Tính đến ngày 27/11, Bạc Liêu ghi nhận 12.386 ca mắc COVID-19. Trong những ngày gần đây, số ca mắc trên địa bàn tỉnh liên tục tăng cao (trên 500 ca mỗi ngày) tạo ra nhiều áp lực cho công tác phòng, chống dịch của tỉnh.
Trước tình hình dịch COVID-19 đang bùng phát mạnh trở lại trên khắp địa bàn Sóc Trăng, chỉ trong 3 ngày gần đây, toàn tỉnh có hơn 1.800 ca mắc mới, riêng ngày 27/11 có tới 714 ca mới với 486 ca là F0 sàng lọc trong cộng đồng, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng có Công văn hỏa tốc về việc triển khai một số nhiệm vụ cấp bách phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể, các đơn vị, địa phương đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền để người dân thực hiện nghiêm túc thông điệp 5K, hạn chế ra đường khi không thật sự cần thiết. Phụ nữ mang thai, người có bệnh lý nền, người già, trẻ em, người chưa tiêm đủ liều vaccine hạn chế đến những nơi công cộng để phòng ngừa bị lây nhiễm dịch bệnh. Ngoài ra, tổ chức quản lý chặt chẽ các trường hợp F0, F1 tại nhà theo hướng dẫn của Sở Y tế (có hồ sơ bệnh án, phát thuốc và hướng dẫn sử dụng, theo dõi sức khỏe, lấy mẫu xét nghiệm, căng dây, gắn bảng,...); các Trạm y tế bố trí trực 24/24 giờ để tiếp nhận thông tin, xử lý các trường hợp F0, F1, đáp ứng kịp thời yêu cầu hỗ trợ y tế của nhân dân.
Tỉnh Sóc Trăng cũng chỉ đạo tạm dừng hoạt động các chốt kiểm soát dịch tại các cửa ngõ ra, vào địa bàn huyện, thị xã, thành phố; tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm soát các cơ sở kinh doanh, dịch vụ ăn uống trong việc chấp hành các quy định phòng, chống dịch, việc tuân thủ thông điệp 5K; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm và đăng tải trên các phương tiện truyền thông để nhắc nhở mọi người...
PV