Theo thông tin từ Bộ Y tế, từ 16 giờ ngày 23/11 đến 16 giờ ngày 24/11, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 11.811 ca mắc mới, trong đó 22 ca nhập cảnh; 11.789 ca ghi nhận trong nước (tăng 663 ca so với ngày trước đó) tại 59 tỉnh, thành phố; có 6.578 ca trong cộng đồng.
Các tỉnh, thành phố ghi nhận nhiều ca bệnh nhất gồm: Thành phố Hồ Chí Minh (1.666 ca), Cần Thơ (766 ca), Tây Ninh (754 ca), Bình Dương (696 ca), Đồng Tháp (625 ca), Bà Rịa - Vũng Tàu (586 ca), Đồng Nai (580 ca), Vĩnh Long (482 ca), Bình Thuận (470 ca), Sóc Trăng (425 ca), Bạc Liêu (418 ca), Kiên Giang (369 ca), Bến Tre (300 ca), Trà Vinh (299 ca), Hà Nội (274 ca), Bắc Ninh (241 ca), Cà Mau (224 ca), Hậu Giang (198 ca), Khánh Hòa (183 ca), An Giang (181 ca), Đắk Lắk (152 ca), Bình Phước (145 ca), Hà Giang (144 ca), Vĩnh Phúc, Bình Định (mỗi địa phương 133 ca), Nghệ An (132 ca)...
Từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 1.155.778 ca mắc, trong đó 937.261 ca đã được công bố khỏi bệnh; 24.243 ca tử vong.
Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 5.533 ca, trong đó: 3.805 ca thở ô xy qua mặt nạ; 1.045 ca thở ô xy dòng cao HFNC; 162 ca thở máy không xâm lấn; 511 ca thở máy xâm lấn; 10 ca ECMO.
Tin từ Sở Y tế Hà Nội, từ 18 giờ ngày 23/11 đến 18 giờ ngày 24/11, thành phố ghi nhận 285 ca F0, trong đó có 159 ca tại cộng đồng, còn lại ở khu cách ly và phong tỏa. Số ca F0 trên phân bố tại 27/30 quận, huyện, trong đó quận Đống Đa có 26 ca; Hai Bà Trưng có 24 ca; Hoàng Mai có 21 ca; Long Biên có 17 ca..,
285 ca F0 thuộc 13 chùm ca bệnh, ổ dịch, trong đó chủ yếu phát hiện qua sàng lọc ho sốt và ho sốt thứ phát. Trong số 159 ca F0 tại cộng đồng, quận Đống Đa ghi nhận nhiều nhất với 22 ca, quận Hoàng Mai và Long Biên cùng 13 ca; quận Hà Đông 12 ca,… Cộng dồn số mắc COVID-19 tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay) là 8.547 ca, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng là 3.204 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly là 5.343 ca.
Tiếp nhận 500.000 liều vaccine do Chính phủ Argentina trao tặng
500.000 liều vaccine AstraZeneca do Chính phủ Argentina (Ác-hen-ti-na) viện trợ đã về tới Sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội) chiều 24/11.
Tham dự buổi tiếp nhận lô vaccine trên có đại diện của Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Argentina tại Việt Nam Luis Pablo Maria Beltramino (Lu-ít Pa-blô-Ma-ri-a Ben-tơ-ra-mi-nô) cùng các cán bộ nhân viên Đại sứ quán.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại Việt Nam cũng như trên thế giới, việc Argentina trao tặng Việt Nam số lượng vaccine nói trên là cử chỉ có ý nghĩa sâu sắc, thể hiện sự coi trọng quan hệ Đối tác toàn diện giữa hai nước, tình đoàn kết hữu nghị truyền thống, là sự hỗ trợ thiết thực của nước bạn dành cho Việt Nam trong nỗ lực đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng, sớm kiểm soát đại dịch.
Hướng đến mục tiêu giảm tỷ lệ tử vong xuống mức thấp nhất
SARS-CoV-2 là mầm bệnh gây ra đại dịch COVID-19, tác động đến sức khỏe, tinh thần của người dân toàn cầu và làm căng thẳng nguồn lực y tế. Nước ta đã có 911.310 người khỏi bệnh và hiện có tới 5.295 bệnh nhân nặng. Dù đã qua giai đoạn đỉnh dịch nhưng trên thế giới dịch vẫn diễn biến phức tạp nên trong nước cũng chưa thể chấm dứt được dịch. Đây là nội dung nổi bật được Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế nêu ra tại Hội thảo “Bảo vệ sức khỏe, thích ứng an toàn với dịch COVID-19”. Hội thảo do Báo Tiền Phong tổ chức ngày 24/11 tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Tiến sỹ tâm lý Lê Minh Công, Phó trưởng Khoa Công tác xã hội, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, ước tính khoảng 10-60% dân số có các triệu chứng rối loạn tâm thần, cao gấp 3 lần so với trước dịch COVID-19. Các rối loạn, vấn đề sức khoẻ tâm thần khởi phát ngay trong dịch như cảm xúc âm tính; nhận thức tiêu cực; trầm cảm; lo âu, hoảng sợ; ám thị; triệu chứng cơ thể; tự sát... Các rối loạn tâm thần có thể kéo dài, khởi phát kể cả sau dịch đến 2-9 năm gồm trầm cảm, ám ảnh sợ… Các yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần là giãn cách xã hội, cách ly, dương tính; kiệt sức; khó tiếp cận nguồn an sinh xã hội; tiếp nhận thông tin nhiễu loạn, độc hại; khủng hoảng tài chính và việc làm; mất người thân; lo sợ về tương lai.
Theo đó, 5 nhóm dễ tổn thương sức khỏe tâm thần gồm nhân viên y tế, nhân viên tuyến đầu; trẻ em, nhất là các nhóm trẻ có nhu cầu đặc biệt; công nhân (lao động di cư), lao động phi chính thức; người có vấn đề tâm thần hoặc bệnh nền; người khuyết tật. Do đó, cần chăm sóc sức khỏe tâm thần trong và sau đại dịch COVID-19; thúc đẩy nâng cao nhận thức của cộng đồng về COVID-19 và sức khỏe tâm thần (thông tin về dịch COVID-19 minh bạch, duy nhất; nâng cao hiểu biết sức khoẻ tâm thần và chiến lược ứng phó; gia tăng kênh giải trí; tránh kỳ thị bệnh nhân dương tính, nhân viên y tế …). Đồng thời, đẩy mạnh các chương trình phòng ngừa sức khỏe tâm thần cộng đồng theo khuyết nghị của WHO (năm 2020) như sức khỏe tâm thần trường học; chương trình huấn luyện cộng đồng phòng ngừa thiên tai; phòng ngừa sức khoẻ tâm thần trong nghề nghiệp; nâng cao sức khỏe tâm thần cha mẹ.
Về vấn đề kết hợp đông tây y trong điều trị bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Bay,Chủ tịch Liên Chi hội Đông Tây y kết hợp cho biết, con người có hệ miễn dịch tự nhiên vốn sinh ra đã có và hệ miễn dịch đặc hiệu nhờ vaccine để hình thành.
Theo đó, y học cổ truyền có vai trò giúp tăng cường miễn dịch tự nhiên, hỗ trợ tích cực, tăng sức đề kháng, giúp con người vượt qua được bệnh tật. Hiện Bộ Y tế đã cho phép sử dụng y học cổ truyền trong các phác đồ điều trị COVID-19. Với tác dụng hỗ trợ hoạt động miễn dịch giúp tăng sức đề kháng đã được chứng minh, các vị thuốc – bài thuốc y học cổ truyền là vũ khí tăng cường cho thầy thuốc chọn lựa trong điều trị chống lại SARS-CoV-2. Một loạt các nghiên cứu về tác dụng dược lý của Xuyên tâm liên đã được tiến hành cho thấy đây là một dược liệu rất tiềm năng trong tác dụng kháng khuẩn cũng như kháng virus, đặc biệt là một số chủng virus như Influenza A, EBV, HIV, Ebola và gần đây là các nghiên cứu về tác động của Xuyên tâm liên trên virus SARS-CoV-2.
Với mục tiêu là giảm tỷ lệ tử vong đến mức thấp nhất, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lương Ngọc Khuê cho biết, Bộ Y tế luôn cố gắng đưa ra những chiến lược tối ưu nhất để đảm bảo an toàn cho người dân. Vì vậy, nhiệm vụ đầu tiên trong giai đoạn hiện nay là thực hiện nghiêm túc các biện pháp 5K, các biện pháp phòng, chống dịch. Theo đó, mỗi người dân cần phải ý thức, thực hiện nghiêm hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế, sẵn sàng ứng phó nếu dịch bệnh bùng phát.
Đặc biệt, các cơ sở khám chữa bệnh, các bệnh viện tư nhân phải đáp ứng sẵn sàng thích ứng "4 tại chỗ"; các bác sỹ phải được huấn luyện, thực hành để ứng phó sẵn sàng đối phó với dịch bệnh. Các bệnh viện phải tích cực triển khai công tác điều trị các bệnh thông thường, bởi ngoài dịch COVID-19, vẫn còn rất nhiều căn bệnh thông thường khác làm ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Các bệnh viện, cơ sở y tế phải thực hiện linh hoạt chiến lược nhiệm vụ kép, tiếp tục thực hiện khám chữa bệnh từ xa, cải tiến chất lượng, cải tiến quy trình khám chữa bệnh, ứng dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh và quản trị bệnh viện.
Hà Nội cho phép học sinh lớp 9 của 7 huyện, thị xã còn lại trở lại trường
Thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, trong hai ngày 23 và 24/11, học sinh lớp 9 của 7 huyện, thị xã còn lại gồm: Hoài Đức, Mỹ Đức, Quốc Oai, Thanh Trì, Thường Tín, Thanh Oai, thị xã Sơn Tây và Trường Phổ thông dân tộc nội trú Ba Vì (huyện Ba Vì) đã trở lại trường học trực tiếp sau thời gian tạm dừng đến trường, học trực tuyến để phòng, chống dịch COVID-19.
Trước đó, ngày 8/11, huyện Ba Vì là đơn vị đầu tiên cho học sinh lớp 9 trở lại trường học; ngày 22/11, có thêm 10 huyện cho học sinh lớp 9 trở lại trường. Như vậy, đến thời điểm này, học sinh lớp 9 của 18 huyện, thị xã thuộc thành phố Hà Nội đã đến trường học trực tiếp.
Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội, hướng dẫn liên ngành của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội - Sở Y tế Hà Nội, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của các huyện, thị xã đã rà soát tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn, điều kiện bảo đảm an toàn của từng nhà trường và tình hình sức khỏe của học sinh để quyết định việc cho học sinh trở lại trường theo nguyên tắc: Học sinh ở địa bàn có cấp độ dịch mức độ 1, mức độ 2; trong 14 ngày tính đến ngày 19/11 không có ca F0 trong cộng đồng. Mỗi xã, thị trấn chọn 1 trường Trung học Cơ sở để tổ chức cho học sinh khối lớp 9 học tại trường; các khối lớp còn lại học trực tuyến; riêng trẻ mầm non tiếp tục nghỉ tại nhà.
Theo yêu cầu của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, các trường chỉ tổ chức dạy học trực tiếp 1 buổi/ngày; không tổ chức ăn bán trú, học sinh tự mang theo nước uống cá nhân. Giáo viên chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19 chỉ dạy trực tuyến, không đến lớp dạy trực tiếp. Các đơn vị xây dựng phương án cụ thể ứng phó với các trường hợp F0 xảy ra trong nhà trường. Trong quá trình tổ chức dạy học trực tiếp, nếu xảy ra các trường hợp liên quan đến vấn đề dịch tễ, không bảo đảm an toàn trong phòng, chống dịch, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 cấp huyện, thị xã có trách nhiệm xem xét, cho dừng việc học tập trực tiếp để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho học sinh.
Sau thời gian thực hiện, căn cứ vào tình hình dịch bệnh tại địa phương, UBND các huyện, thị xã xây dựng lộ trình tiếp theo cho học sinh trở lại trường học nhằm bảo đảm an toàn cho học sinh và cán bộ, giáo viên.
PV