Bộ Y tế cho biết, từ 16 giờ ngày 21/11 đến 16 giờ ngày 22/11, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 11.132 ca mắcmới, trong đó 6 ca nhập cảnh và 11.126 ca ghi nhận trong nước (tăng 827 ca so với ngày trước đó) tại 61 tỉnh, thành phố; có 6.010 ca trong cộng đồng.
Các tỉnh, thành phố ghi nhận trên 100 ca bệnh như sau: Thành phố Hồ Chí Minh (1.204 ca), Bà Rịa - Vũng Tàu (709 ca), Bình Dương (698 ca), Tây Ninh (600 ca), Đồng Tháp (597 ca), Đồng Nai (571 ca), Bình Phước (509 ca), Vĩnh Long (505 ca), Bình Thuận (493 ca), Bạc Liêu (474 ca), Sóc Trăng (395 ca), Cần Thơ (354 ca), Kiên Giang (350 ca), An Giang (320 ca), Trà Vinh (295 ca), Hà Nội (260 ca), Cà Mau (252 ca), Bến Tre (236 ca), Hậu Giang (195 ca), Khánh Hòa (172 ca), Thừa Thiên Huế (160 ca), Long An (145 ca), Tiền Giang (112 ca), Bình Định (111 ca).
Ngày 23/11/2021, Sở Y tế Bình Dương đăng ký bổ sung thông tin cho 28.000 ca mắc trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 sau khi tỉnh rà soát và thu thập đầy đủ thông tin của các ca mắc COVID-19 đã được lấy mẫu từ những ngày trước đó.
Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca mắc mới ghi nhận trong nước là 1.138.836 ca, trong đó có 908.493 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày là 1.034 ca, nâng số ca được điều trị khỏi lên 911.310 ca.
Ngày 23/11 ghi nhận 167 ca tử vong; Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 24.118 ca, chiếm tỷ lệ 2,1% so với tổng số ca nhiễm.
Về việc bổ sung 28.000 ca bệnh, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương Nguyễn Hồng Chương cho biết, do trong thời gian dịch bệnh xảy ra căng thẳng, số bệnh nhân được các cơ sở y xét nghiệm sàng lọc, trong đó nhiều đơn vị y tế tư nhân cũng thực hiện xét nghiệm khẳng định đã lập danh sách nhưng chưa kịp thời gửi Sở Y tế để cập nhật đầy đủ. Ngoài ra, một số bệnh nhân phát hiện bệnh tại cơ sở, sau đó chuyển viện lên tuyến trên nhưng thiếu thông tin. Đến nay, Sở Y tế rà soát để cập nhật đầy đủ, bổ sung vào danh sách công bố chung.
Đặc biệt, trong giai đoạn cao điểm của đợt dịch, tỉnh Bình Dương tổ chức nhiều đợt xét nghiệm sàng lọc trên diện rộng để sớm phát hiện các ca F0 bằng test nhanh, sau đó cách ly điều trị và xét nghiệm RT-PCR. Có thời điểm, số lượng ca nhiễm mỗi ngày rất lớn (trên 4.000 ca/ngày); đồng thời nhiều đơn vị tham gia hỗ trợ xét nghiệm nhưng do yếu tố dịch tễ, các thông tin cá nhân người mắc COVID-19 gửi về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Dương chưa đầy đủ, kịp thời nên chưa công bố đầy đủ các trường hợp mắc COVID-19 theo quy định.
Theo ông Chương, việc công bố bổ sung số ca bệnh này nhằm đảm bảo quyền lợi cho những người bị bệnh; đồng thời minh bạch số liệu trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh, không có việc giấu dịch. Mặc dù công bố bổ sung, song những trường hợp nhiễm bệnh trên đều đã được chăm sóc đầy đủ, đảm bảo các quyền lợi theo quy định.
Bệnh nhân COVID-19 được cách ly tại nhà nếu gia đình không có người thuộc nhóm nguy cơ
Bệnh nhân COVID-19 (F0) được cách ly tại nhà khi trong gia đình không có người thuộc nhóm nguy cơ như người cao tuổi, mắc bệnh nền, béo phì, mang thai... Nội dung này là điểm mới trong “Hướng dẫn gói chăm sóc sức khỏe tại nhà cho người F0” do Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cập nhật ngày 23/11 trên trang web của Sở, thay thế cho phiên bản được đưa ra cuối tháng 8/2021. Hướng dẫn này được đưa ra trong bối cảnh số ca F0 tăng cao, kéo theo bệnh nhân nặng tăng; người già có nhiều bệnh nền lại mắc thêm COVID-19 nên nguy cơ tử vong cao.
Theo thống kê của Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, trong thời gian qua, dù độ phủ vaccine tốt nhưng khi F0 tăng, trong đó có khoảng 15-20% diễn tiến nặng, chủ yếu là người cao tuổi, kèm bệnh nền.
Trong hướng dẫn mới, tiêu chí cách ly tại nhà khác vẫn được giữ nguyên là F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, không suy hô hấp, chỉ số SpO2 trên 96%, nhịp thở dưới 20 lần/phút. Ngoài ra còn có F0 tuổi từ 1 đến 50, không có bệnh nền, không mang thai, không béo phì.
Nếu không thỏa mãn điều kiện trên, F0 vẫn có thể xem xét cách ly tại nhà nếu bệnh nền ổn định, tiêm đủ hai mũi hoặc sau 14 ngày kể từ ngày tiêm mũi vaccine phòng COVID-19 đầu tiên. Bên cạnh đó, F0 cách ly tại nhà phải có khả năng tự chăm sóc bản thân như ăn uống, tắm rửa, giặt quần áo, vệ sinh; biết cách đo thân nhiệt, sử dụng thuốc theo đơn bác sĩ, có khả năng liên lạc với nhân viên y tế để được theo dõi, giám sát khi có tình trạng khẩn cấp. F0 là trẻ em hoặc người không tự chăm sóc cá nhân phải có người hỗ trợ.
Thêm nhiều địa phương triển khai tiêm vaccine cho trẻ em
Ngày 23/11, thành phố Hà Nội bắt đầu triển khai tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ từ 15-17 tuổi ở 79 điểm trường, trạm y tế tại 13 quận/huyện/thị xã (Hai Bà Trưng, Đống Đa, Tây Hồ, Thanh Xuân, Long Biên, Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh, Quốc Oai, Hoài Đức, Đan Phượng, Sơn Tây, Phú Xuyên). Kết quả đã tiêm được 33.618 mũi vaccine ngừa COVID-19 cho các cháu học lớp 10, 11 và 12.
Chiều 23/11, tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện Yên Phong, ngành Y tế Bắc Ninh tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 cho hơn 900 trẻ từ 15-17 tuổi. Đây là những trẻ đầu tiên trên địa bàn tỉnh được tiêm vaccine trong đợt này. Trong ngày 23/11 có hơn 900 học sinh các khối lớp 10,11 và 12 được tiêm vaccine phòng COVID-19. Dự kiến từ nay đến hết ngày 28/11, ngành Y tế Bắc Ninh sẽ phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo, các huyện, thành phố tổ chức tiêm hơn 50 nghìn mũi 1 vaccine phòng COVID-19 cho học sinh bậc Trung học Phổ thông toàn tỉnh.
Theo kế hoạch của UBND tỉnh Bắc Ninh về việc triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 3-17 tuổi đang sinh sống trên địa bàn có chỉ định sử dụng vaccine theo khuyến cáo của nhà sản xuất và hướng dẫn của Bộ Y tế. Dự kiến toàn tỉnh có 341.489 trẻ từ 3-17 tuổi, trong đó có hơn 47.000 trẻ thuộc nhóm từ 16 đến 17 tuổi, 80.941 trẻ thuộc nhóm từ 12-15 tuổi, 213.327 trẻ thuộc nhóm từ 3-11 tuổi được tiêm phòng. Dự kiến từ cuối năm 2021 đến hết quý II/2022, tỉnh tổ chức tiêm lần lượt từ nhóm tuổi cao đến thấp theo các nhóm từ 16-17 tuổi, từ 15 đến dưới 16 tuổi, từ 14 đến dưới 15 tuổi, từ 13 đến dưới 14 tuổi, từ 12 đến dưới 13 tuổi. Đối với nhóm trẻ từ 3 đến 11 tuổi triển khai tiêm lần lượt từ nhóm tuổi cao đến thấp. Việc triển khai tiêm chủng tùy thuộc tiến độ cung ứng vaccine và tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn.
Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Sơn La vừa ban hành Kế hoạch 270/KH-UBND triển khai Chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi trên địa bàn, giai đoạn 2021-2022, với mục tiêu tăng diện bao phủ vaccine trong cộng đồng để chủ động phòng, chống dịch và hơn 90% trẻ ở độ tuổi trên được tiêm vaccine trên quy mô xã, phường.
Thời gian triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 từ tháng 11/2021 gồm toàn bộ trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi sinh sống hoặc học tập trên địa bàn tỉnh; thực hiện tiêm theo thứ tự lứa tuổi giảm dần, ưu tiên tiêm trước cho trẻ từ 17 tuổi đến dưới 18 tuổi và hạ dần độ tuổi, theo tiến độ cung ứng vaccine cũng như tình hình dịch tại địa phương.
Tỉnh tổ chức theo hình thức tiêm chủng chiến dịch tại các cơ sở tiêm chủng cố định, tại điểm tiêm lưu động và trường học. Căn cứ tình hình dịch COVID-19, lượng vaccine được cấp để triển khai đồng loạt toàn tỉnh hay “cuốn chiếu” theo địa bàn; tổ chức tiêm chủng tại trường học, mở rộng đối tượng tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi theo lộ trình từ cao đến thấp, triển khai trước cho nhóm học sinh trung học phổ thông, lần lượt theo khối lớp (từ khối 12 đến khối 11 và khối 10. Sau đó, tỉnh sẽ triển khai tiêm cho học sinh trung học cơ sở (học lớp 9, 8, 7).
Từ 7 giờ 30 ngày 23/11, hơn 1.500 học sinh trường Trung học phổ thông Hồng Quang, thành phố Hải Dương, bắt đầu được tiêm vaccine phòng COVID-19. Đây là điểm đầu tiên của tỉnh Hải Dương triển khai tiêm vaccine cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi.
Theo đại diện Sở Y tế Hải Dương, việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi sẽ được triển khai thành 2 đợt. Trong đợt 1 sẽ tiêm cho học sinh Trung học Phổ thông. Sau điểm trường Trung học Phổ thông Hồng Quang, các huyện, thị xã, thành phố sẽ triển khai tiêm đồng loạt cho các trường Trung học Phổ thông trên địa bàn.
Ngày 22/11, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Hải Dương đã quyết định phân bổ 52.650 liều vaccine Pfizer được Bộ Y tế cấp đợt 93 cho 12 địa phương để tiêm cho học sinh Trung học Phổ thông. Ngành y tế sẽ tiếp nhận, cấp phát và triển khai tiêm mũi 1 miễn phí cho học sinh Trung học Phổ thông trên địa bàn xong trước ngày 30/11, ưu tiên học sinh đang trong vùng dịch. Ba địa phương được phân bổ nhiều vaccine gồm: Thành phố Hải Dương 11.880 liều, huyện Ninh Giang 5.820 liều, thị xã Kinh Môn 5.700 liều.
PV