Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đến kiểm tra Quốc lộ 1A đoạn ngập sâu tại xã Lộc Ninh, TP Đồng Hới (Ảnh chụp lúc 21 giờ ngày 15/10/2016). Ảnh: Đức Thọ - TTXVN |
Sau khi nắm tình hình chung, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nêu rõ, Quảng Bình đã chủ động chỉ đạo phòng chống lũ lụt theo phương châm “bốn tại chỗ” nên đã hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra. Tuy nhiên, do mưa quá to, lũ lớn đã gây thiệt hại lớn đối với địa phương.
Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chia buồn với sự mất mát của các gia đình có người thân chết, mất tích do lũ lụt. Phó Thủ tướng chỉ đạo, hiện lũ đang rút, Quảng Bình cần khẩn trương huy động lực lượng tại chỗ với cố gắng cao nhất để tìm kiếm người mất tích, thăm hỏi, động viên và giúp đỡ các gia đình có người chết, người bị thương; cứu trợ cho các gia đình bị thiệt hại khó khăn, không để bất kỳ gia đình nào thiếu đói, hỗ trợ sửa chữa nhà bị hư hỏng cho các hộ dân để bà con nhanh chóng ổn định cuộc sống; khẩn trương khắc phục các công trình, đường giao thông bị hư hỏng, sớm tổ chức sản xuất; sửa chữa, khôi phục đường sắt Bắc-Nam và các tuyến đường, sớm lưu thông trở lại.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Bình. (Ảnh chụp lúc 23 giờ ngày 15/10/2016). Ảnh: Đức Thọ - TTXVN |
Ngay sau lũ rút, tỉnh cần khẩn trương vệ sinh môi trường, nguồn nước sinh hoạt cho nhân dân. Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn và các bộ ngành liên quan khẩn trương đưa lực lượng cứu hộ 04 người hiện còn mắc kẹt trên tàu vận tải bị mắc cạn ngoài cửa sông Gianh.
Quảng Bình cần chủ động theo dõi diễn biến của bão tiếp theo, triển khai biện pháp phòng chống, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đến kiểm tra khu neo đậu tàu cá tránh bão sông Gianh (Ảnh chụp lúc 21 giờ ngày 15/10/2016). Ảnh: Đức Thọ - TTXVN |
Theo báo cáo của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Nguyễn Hữu Hoài, trong 03 ngày qua (từ 13 đến 15/10) trên địa bàn tỉnh có mưa to đến rất to. Lượng mưa phổ biến từ 600-900mm, một số nơi như Đồng Hới 920mm, Hàm Ninh 950mm và đã xuất hiện lũ lụt trên diện rộng. Tỉnh có 09 người chết, 10 người mất tích và 07 người bị thương; 56.618 ngôi nhà bị ngập, 56 nhà bị tốc mái. Nước lũ lên nhanh và chảy mạnh đã làm 05 tàu vận tải biển đứt neo trôi ra biển, hiện 02 chiếc chìm, 01 chiếc mắc cạn tại phao số 0, sáu thuyền viên được cứu, năm người còn mất tích. Các lực lượng chức năng tỉnh Quảng Bình đã tiến hành sơ tán hơn 2.000 hộ dân tại các vùng trũng thấp đến nơi an toàn.
Mưa lũ gây ngập lụt nặng ở Quảng Bình. Ảnh: Anh Vũ |
Các tuyến đường sắt, Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh và các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, đường nông thôn bị ngập, hư hỏng gây ách tắc. Đến tối 15/10, Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh được thông tuyến trở lại. Tại Quảng Bình có 04 đoàn tàu khách với 366 người đang mắc kẹt. Từ tối 15/10, ngành Đường sắt phối hợp với các ngành chức năng tỉnh Quảng Bình chuyển tải hành khách từ ga Đồng Hới đến ga Vinh và ngược lại để tiếp tục hành trình.
Tuyến đường sắt qua địa phận tỉnh Quảng Bình bị lũ nhấn chìm. Ảnh: Xuân Trường- TTXVN |
Quảng Bình đã dừng toàn bộ các hội nghị, công việc khác để tập trung chỉ đạo công tác phòng chống lũ lụt. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy biên phòng tỉnh và Công an tỉnh Quảng Bình đã cử hàng nghìn cán bộ chiến sĩ và hàng chục phương tiện đến các vùng ngập lụt nặng để sơ tán dân, cứu trợ mì tôm, nước uống cho nhân dân. Để khắc phục hậu quả thiên tai, Quảng Bình đề nghị Chính phủ hỗ trợ cứu đói 5.000 tấn gạo, 250 tỷ đồng, giống các loại cây trồng, thuốc xử lý môi trường và nước sinh hoạt…
Trước đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đến thắp hương, chia sẻ mất mát với gia đình nạn nhân Lê Văn Thân (48 tuổi, ở xã Lý Trạch, huyện Bố Trạch) bị sét đánh chết ngày 14/10; kiểm tra khu neo đậu tàu cá tránh bão sông Gianh và Quốc lộ 1A đoạn ngập sâu tại xã Lộc Ninh, TP Đồng Hới./.