Chiều 4/8, tại Bạc Liêu, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chủ trì Hội nghị trực tuyến của Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo các các bộ, ngành và lãnh đạo các tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong giai đoạn 2021 - 2025, Trung ương chi hơn 9.740 tỷ đồng cho 12/13 địa phương thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long (thành phố Cần Thơ không bố trí ngân sách Trung ương), chiếm tỷ lệ 5% kế hoạch vốn đầu tư công nguồn ngân sách Trung ương để thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên cả nước. Đến nay, các địa phương đã hoàn thành việc phân bổ, giao kế hoạch vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 trên cơ sở bám sát các quy định và chỉ đạo của Trung ương.
Riêng trong năm 2023, ngân sách Trung ương phân bổ kinh phí thực hiện ba chương trình mục tiêu quốc gia (mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; mục tiêu giảm nghèo bền vững và mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới) cho vùng trên 4.200 tỷ đồng. Đến nay, các địa phương trong vùng đã phân bố trên 2.400 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển, đạt 99,5%, còn 2 tỉnh chưa phân bổ. Theo báo cáo của các địa phương, vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang khẩn trương thực hiện giải ngân vốn ngân sách địa phương để thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, phấn đấu đến cuối năm 2023 đạt 100% kế hoạch.
Cũng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các địa phương trong vùng đã quyết liệt trong việc triển khai các nội dung, hoạt động thuộc từng dự án, tiểu dự án thành phần của chương trình, cơ bản hoàn thành một số mục tiêu trong giai đoạn. Có 11 chỉ tiêu thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số như: Thôn có đường đến trung tâm xã, hộ dân sử dụng điện lưới quốc gia, đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước sạch đạt và vượt kế hoạch giao; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều vùng Đồng bằng sông Cửu Long giảm từ 7,61% xuống còn 5,73%.
Qua triển khai, một số địa phương đã có nhiều cách làm hay. Điển hình như tỉnh Trà Vinh phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn bằng hình thức chuyển trồng lúa sang các loại cây trồng khác và nuôi thủy sản đã nâng cao đáng kể thu nhập cho người dân trên địa bàn. Tỉnh Tiền Giang đã triển khai phong trào thi đua “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, Tổ hội nông dân nghề nghiệp theo nguyên tắc “5 tự” và “5 cùng”, từ đó xuất hiện nhiều mô hình hay, hiệu quả trong xây dựng nông thôn mới. Tỉnh Bến Tre đã đẩy mạnh thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm, đưa lũy kế sản phẩm OCOP toàn tỉnh lên 200 sản phẩm, trong đó có 90 sản phẩm đạt 4 sao. Tỉnh Sóc Trăng chú trọng hỗ trợ nhà ở, đất ở cho hàng ngàn hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số góp phần ổn định cuộc sống của người dân, phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn…
Tuy nhiên, quá trình triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia cũng còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như năng lực quản lý, tổ chức thực thiện Chương trình mục tiêu quốc gia ở các địa phương chưa đồng đều. Tại một số cơ quan địa phương thực hiện nhiệm vụ chỉ đạo, kiểm tra còn chưa sâu sát, thường xuyên, công tác phối hợp giữa các cơ quan cấp tỉnh còn chưa được chặt chẽ, chưa quan tâm đúng mức đến công tác triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia. Bên cạnh đó, trong huy động nguồn lực để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia, một số địa phương rất khó khăn bố trí vốn đối ứng, huy động nguồn vốn doanh nghiệp, người dân còn hạn chế, trong khi đó yêu cầu thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ là rất cao…
Báo cáo tại hội nghị, các địa phương cho biết còn gặp một số khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia. Nổi bật là việc phân bổ vốn sự nghiệp cho một số tỉnh chưa phù hợp do địa phương không có đối tượng hoặc có đối tượng không theo quy định; nguồn vốn phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa đáp ứng yêu cầu thực tế; một bộ phận hộ nghèo, hộ cận nghèo còn tư tưởng không muốn thoát nghèo để được hưởng các chế độ ưu đãi.
Các địa phương kiến nghị, đề xuất với Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chỉ đạo các Bộ, cơ quan khẩn trương ban hành hoặc trình ban hành các văn bản hướng dẫn để tạo sự thống nhất, đồng bộ cho việc triển khai thực hiện các Chương trình của các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long; xem xét điều chỉnh chỉ tiêu giảm nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số để đảm bảo phù hợp với thực tế của từng địa phương; ban hành sổ tay hướng dẫn thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia; đề xuất Chính phủ ban hành cơ chế cho địa phương tự điều chỉnh nguồn vốn từ các dự án thực hiện chưa hiệu quả hoặc không có địa bàn, đối tượng thụ hưởng sang thực hiện các dự án khác có nhu cầu vốn nhiều hơn đảm bảo thực hiện đúng đối tượng và địa bàn thụ hưởng của dự án theo quy định….
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đánh giá cao nỗ lực, quyết tâm của các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới, nhất là việc lồng ghép các Chương trình mục tiêu quốc gia, từ đó tạo nên những thành quả đáng phấn khởi. Theo Phó Thủ tướng, một số địa phương trong quá trình triển khai còn chưa thực sự quyết tâm, do đó, các địa phương cần chủ động hơn trong các khâu thực hiện Chương trình.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cũng đề nghị các địa phương, nếu có vướng mắc vấn đề nào, cần gửi ngay cho Bộ chủ quản phụ trách vấn đề đó; đồng thời các Bộ trong thời gian 7 ngày có văn bản trả lời các địa phương. Các Bộ, ngành liên quan xây dựng, ban hành sổ tay hướng dẫn thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia làm cơ sở cho các địa phương triển khai thực hiện, đảm bảo thống nhất, đồng bộ.
Phó Thủ tướng Chính phủ khẳng định, quan điểm và tinh thần của Chính phủ là phân cấp cho địa phương triển khai thực hiện các Chương trình. Tuy nhiên, các Bộ, ngành Trung ương sẽ phân công cán bộ phụ trách hỗ trợ địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Chanh Đa