Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2023: Khu vực phía Nam giải ngân được hơn 701 tỷ đồng

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2023: Khu vực phía Nam giải ngân được hơn 701 tỷ đồng

Ngày 3/7/2023, tại Cần Thơ, Ủy ban Dân tộc của Chính phủ tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) giai đoạn 2021-2023. Hội nghị đã rà soát, đánh giá kết quả triển khai thực hiện các Dự án, Tiểu dự án của Chương trình tại các địa phương, đồng thời chia sẻ, đề ra các giải pháp cụ thể để đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình cho cả giai đoạn 2021-2025.

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2023: Khu vực phía Nam giải ngân được hơn 701 tỷ đồng ảnh 1Ông Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc phát biểu khai mạc hội nghị sơ kết 3 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi từ năm 2021 - 2023 và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm giai đoạn 2024 - 2025. Ảnh: Ngọc Thiện - TTXVN

Nhiều xã, thôn thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn

Khu vực Nam bộ gồm 13 tỉnh với 308 xã, chiếm khoảng 9% số xã vùng DTTS&MN của cả nước. Tuy nhiên chỉ có 8 tỉnh có xã, thôn đặc biệt khó khăn chiếm khoảng 3,6% tổng số xã đặc biệt khó khăn và 2,7% thôn đặc biệt khó khăn của cả nước với 55 xã và 356 thôn. 13 tỉnh, thành phố khu vự phía Nam có đông đồng bào DTTS gồm: Trà Vinh, Vĩnh Long, An Giang, Kiên Giang, TP Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Bình Phước, Tây Ninh, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu. Phần đông người dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng không có nhiều điều kiện thuận lợi về phát triển sản xuất nông nghiệp và đối diện nguy cơ cao của tác động biến đổi khí hậu như xâm nhập mặn, hạn hán.

Việc phê duyệt và triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN là một quyết sách đánh dấu mốc lịch sử của Đảng và Nhà nước ta bởi đây là lần đầu tiên Việt Nam có một Chương trình mục tiêu quốc gia dành riêng cho vùng đồng bào DTTS&MN. Chương trình mang tính tổng thể gồm 10 Dự án do 23 Bộ, ngành cùng quản lý, hướng dẫn tổ chức triển khai thực hiện. Tổng kinh phí dự kiến cho giai đoạn I (2021-2025), Chương trình được bố trí từ ngân sách nhà nước là gần 115.000 tỷ đồng để thực hiện 10 dự án có tính tổng quát nhất từ trước tới nay trong lĩnh vực công tác dân tộc.

Trong đó, tổng nguồn vốn đã phân bổ của Chương trình cho khu vực các tỉnh Nam Bộ là hơn 2.277 tỷ đồng, chiếm hơn 5,4% tổng nguồn lực của cả Chương trình. Báo cáo từ hội nghị cho thấy, tính đến ngày 31/5/2023, 13 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam đã giải ngân nguồn vốn giai đoạn 2021-2023 được hơn 701 tỷ đồng, đạt 25,92%. Một số tỉnh có tỷ lệ giải ngân cao so với trung bình cả nước như: Hậu Giang, Kiên Giang, Cà Mau, Sóc Trăng, Bình Phước, Tây Ninh.

Các nội dung thành phần của Chương trình đi sâu và bao phủ hầu hết các mặt của đời sống kinh tế-xã hội với kỳ vọng ưu tiên giải quyết những vấn đề cấp thiết nhất hiện nay của đồng bào DTTS như: Đất ở, nhà ở, nước sạch, đất sản xuất, dịch vụ xã hội cơ bản, cơ sở hạ tầng thiết yếu, giáo dục, đào tạo nghề... Đồng thời cũng hướng tới những vấn đề mang tính chiến lược trong phát triển bền vững đối với vùng đồng bào DTTS&MN như chăm sóc sức khỏe cộng đồng, phát triển nguồn nhân lực, bình đẳng giới, thông tin tuyên truyền, đào tạo, tuyển dụng và sử dụng cán bộ…

Dù Chương trình mới được đưa vào tổ chức tại thực tiễn địa phương từ nửa cuối năm 2022 nhưng ước đến cuối năm 2023, một số chỉ tiêu hoàn thành, vượt mục tiêu kế hoạch được giao như: tỷ lệ xã, thôn có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông, cứng hóa; tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới, các nguồn điện khác phù hợp và sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.

Bên cạnh đó, một số chỉ tiêu khác về con người, khu vực phía Nam đã đạt và vượt so với các khu vực khác là: tỷ lệ lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề, tỷ lệ học sinh học mẫu giáo 5 tuổi, tỷ lệ người từ 15 tuổi trở lên đọc thông, viết thạo tiếng phổ thông, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể nhẹ cân, thấp còi.

Tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào DTTS của 13 tỉnh khu vực phía Nam hiện còn 1,89%.

Tỷ lệ giảm nghèo vùng DTTS của khu vực phía Nam thấp hơn các khu vực khác xuất phát từ các nguyên nhân: đối tượng người DTTS nghèo ở khu vực phía Nam (đặc biệt là Tây Nam Bộ) phần lớn thuộc diện nghèo “bền vững”. Các hộ di dân ngoài kế hoạch, hộ người DTTS nghèo sinh sống ở xã, thôn đặc biệt khó khăn còn thiếu đất ở, đất sản xuất, phương tiện sản xuất, nước sinh hoạt. Dù các chính sách hỗ trợ giải quyết vấn đề này đã được đưa vào Dự án 1, Dự án 2 của Chương trình, nhưng còn vướng mắc về quy định, cơ chế, nên địa phương gặp khó trong tổ chức triển khai, chính sách chưa được giải quyết trong khi người DTTS nghèo ở địa bàn này chịu tác động gia tăng của hiện tượng biến đổi khí hậu tiêu cực như hạn hán, xâm nhập mặn…

Phát biểu tại Hội nghị, ông Hầu A Lềnh - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 cho biết, trên cơ sở nguồn lực của Chương trình và sự nỗ lực của các địa phương trong chỉ đạo, điều hành và triển khai Chương trình, đến nay nhiều xã, thôn thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn, từng bước hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới, ổn định và phát triển. Công tác lồng ghép và triển khai chương trình ngày càng hiệu quả, xuất hiện những điển hình cần nhân rộng.

Tiếp tục đẩy mạnh phân cấp cho các địa phương có đủ điều kiện thực hiện

Dù đã đạt được kết quả tích cực, song việc thực hiện Chương trình vẫn còn một số hạn chế. Các ý kiến tại Hội nghị cho biết, việc phân bổ vốn tại các địa phương chậm, ảnh hưởng đến công tác thực hiện và giải ngân; việc lồng ghép các nguồn vốn thực hiện bị hạn chế bởi các quy định về địa bàn thực hiện, nhiều địa phương gặp khó trong việc xác định phạm vi địa bàn, đối tượng; công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành địa phương còn nhiều bất cập, hạn chế…

Ghi nhận những ý kiến đóng góp của các địa phương, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết, để hoàn thành tốt các mục tiêu đã đề ra thì cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa, đặc biệt là trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn ra ảnh hưởng mọi mặt đời sống và sản xuất ở các tỉnh Nam bộ nhất là đồng bào các DTTS sinh sống ở vùng sâu, vùng ngập mặn, ảnh hưởng đến việc triển khai các hoạt động của Chương trình.

Theo đó, cần tiếp tục đẩy mạnh phân cấp cho các địa phương có đủ điều kiện thực hiện, Trung ương chỉ hướng dẫn về quy trình và giao mục tiêu. Trong khi chờ Chính phủ, các bộ, ngành sửa đổi các quy định phù hợp thực tiễn, Ủy ban Dân tộc sẽ tiếp tục rà soát hoàn thiện các chính sách đồng bộ, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình.

Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố tập trung chỉ đạo kế hoạch thực hiện Chương trình trong năm 2023, đặc biệt là giải ngân nguồn vốn năm 2022 chuyển sang. Các cấp, các ngành tăng cường phân cấp, phân công nhiệm vụ gắn với trách nhiệm cụ thể, tăng tính hiệu quả trong thực hiện chương trình. Các địa phương rà soát thật kỹ để có báo cáo đúng thực tế, kết quả cụ thể các dự án, những vướng mắc, kiến nghị điều chỉnh phù hợp từng khu vực, địa bàn…

Các cấp, các ngành tăng cường tuyên truyền phổ biến chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; mục tiêu ý nghĩa của Chương trình trong phát triển kinh tế-xã hội vùng khó khăn để người dân cùng tham gia xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Đối với giai đoạn 2026-2030, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc mong muốn các địa phương kiến nghị Trung ương cần thiết kế chương trình theo hướng nào? Thay đổi nội dung gì? Bổ sung, điều chỉnh hạng mục nào để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, đúng đối tượng và địa bàn hưởng thụ. Tránh manh mún, dàn trải, đầu tư tạo động lực để phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS&MN.

Minh Hiếu

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm