Ngày 17/1, tỉnh Gia Lai tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, với mục tiêu phát triển nhanh, hiệu quả, bền vững, hướng tới tăng trưởng xanh. Hội nghị có sự tham dự của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cùng lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ghi nhận, đánh giá cao thành tựu của tỉnh Gia Lai trong những năm qua; đồng thời khẳng định, Quy hoạch tỉnh Gia Lai phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của cả nước, vùng Tây Nguyên và tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia. Quy hoạch cũng đồng bộ với Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, theo Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, Quy hoạch đã thể hiện tư duy mới, tầm nhìn mới để tạo cơ hội mới, động lực phát triển mới và giá trị mới cho tỉnh Gia Lai. Vì vậy, Gia Lai cần bám sát các quan điểm phát triển đã đề ra, phát triển tỉnh trở thành hình mẫu của một nền kinh tế phát triển bền vững, lấy sinh thái làm nền tảng; phát triển kinh tế nhưng phải gắn với gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa, bảo vệ môi trường.
Theo Phó Thủ tướng, Gia Lai còn có nhiều lợi thế, dư địa về phát triển năng lượng tái tạo, nông nghiệp công nghệ cao, phát triển kinh tế rừng và du lịch sinh thái… Do đó, tỉnh cần tạo ra những đột phá về cơ chế, chính sách thu hút nhà đầu tư để thúc đẩy phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững.
Theo Quy hoạch, Gia Lai sẽ là tỉnh tiên phong trong vùng chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, dựa trên cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số và hội nhập vào năm 2030. Đến năm 2050, Gia Lai sẽ trở thành “Cao nguyên Sinh thái, Thể thao và Sức khỏe”, điểm đến sinh thái, khác biệt, độc đáo và là vùng đất xanh, giàu bản sắc văn hóa.
Để đạt được những mục tiêu này, Gia Lai sẽ phát triển kinh tế dựa trên nền tảng công nghệ số, kinh tế sinh thái, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh là chủ đạo. Ba trụ cột phát triển là nông nghiệp tiên tiến, sạch và ứng dụng công nghệ cao; dịch vụ và du lịch sinh thái; công nghiệp sạch, thân thiện với môi trường gắn với nông nghiệp.
Gia Lai cũng tạo ra các đột phá về cơ chế, chính sách; nhân lực; hạ tầng; mạng lưới sinh thái và hình thành các cụm liên kết ngành dựa trên sinh thái, hành lang phát triển và các cực không gian tăng trưởng. Tỉnh tổ chức cấu trúc không gian đô thị phát triển theo mô hình: 1 tâm - 2 cửa ngõ - 3 hành lang kinh tế. Theo đó, thành phố Pleiku và phụ cận sẽ là trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế, du lịch của tỉnh và vùng. Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh và Cảng hàng không Pleiku sẽ là hai cửa ngõ kết nối Gia Lai với các địa phương trong và ngoài nước. Ba hành lang kinh tế ứng với các tuyến đường: đường Hồ Chí Minh (Quốc lộ 14), Quốc lộ 19, Quốc lộ 25, là động lực phát triển các ngành nghề, tạo ra các sản phẩm đặc trưng, có giá trị gia tăng cao.
Tỉnh cấu trúc bốn tiểu vùng sinh thái - kinh tế với tiểu vùng 1 gồm thành phố Pleiku - đô thị Chư Sê - Đak Đoa - Chư Păh; tiểu vùng 2 gồm Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh; tiểu vùng 3 gồm thị xã An Khê - thị trấn Kbang; tiểu vùng 4 gồm thị xã Ayun Pa - Phú Thiện - Krông Pa. Đây sẽ là nơi tập trung các hoạt động nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, du lịch, bảo tồn và phát triển bền vững tài nguyên thiên nhiên, bản sắc văn hóa của tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Trương Hải Long khẳng định, Quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có vai trò, ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh. Quy hoạch là một trong những công cụ quan trọng để cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện chức năng quản lý nhà nước, huy động mọi nguồn lực, lợi thế, đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đảm bảo quốc phòng, an ninh. Đây cũng là cơ sở để xây dựng các kế hoạch của tỉnh trong 5 năm, 10 năm, hằng năm của từng địa phương.
Hoài Nam – Xuân Huy