Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến trả lời chất vấn. Ảnh: Trọng Đức – TTXVN |
Phát biểu về các nhóm vấn đề chất vấn và trả lời chất vấn, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cho biết, nước ta có 54 dân tộc anh em, trong đó có 53 dân tộc thiểu số. Đảng và Nhà nước ta luôn xác định đại đoàn kết các dân tộc là vấn đề chiến lược. Trong những năm qua, các cấp, ngành và cả hệ thống chính trị đã quan tâm đầu tư nguồn lực, hạ tầng, bảo đảm sinh kế, y tế, giáo dục... nâng cao đời sống người dân. Tuy vậy, hiện nay vùng dân tộc thiểu số vẫn là vùng chậm phát triển, thiên tai, đói nghèo, lạc hậu vẫn đang là một thách thức lớn. Thời gian qua, Ủy ban Dân tộc đã tham mưu cho cấp có thẩm quyền ban hành nhiều chính sách quan trọng để phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn; chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt và bước đầu đã đạt được những kết quả. Tuy nhiên trong công tác dân tộc vẫn còn những hạn chế, đòi hỏi phải có những giải pháp khắc phục căn cơ trong thời gian tới.
Tích hợp chính sách thành chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng dân tộc thiểu số
Là người đầu tiên đặt câu hỏi đối với Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến, đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) nêu thực tế: Giảm nghèo bền vững là một trong mục tiêu để ổn đinh kinh tế - xã hội nhưng hiện nay tỷ lệ hộ nghèo rất cao, cứ 3 đồng bào dân tộc có một người nghèo; hai người nghèo cả nước có một người nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số. Thu nhập đồng bào dân tộc thiểu số thấp so với cả nước, có nơi chỉ bằng 1/3 của cả nước. Điều này dẫn đến chênh lệch giàu nghèo, đặc biệt chênh lệch giữa đồng bào dân tộc thiểu số với các dân tộc khác. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng làm rõ trách nhiệm của Ủy ban Dân tộc; giải pháp của Ủy ban Dân tộc để khắc phục tình trạng trên như thế nào.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cho biết đây là vấn đề day dứt, trăn trở của nhiều cấp, ngành và chính bản thân Bộ trưởng. Số hộ nghèo cả nước cuối năm 2017 là hơn 1,6 triệu người, trong đó số hộ dân tộc thiểu số nghèo là 864.931 hộ, chiếm 52,66%. Thu nhập bình quân chỉ 7-8 triệu đồng/ người/năm, so với bình quân cả nước chỉ bằng 1/5.
Bộ trưởng khẳng định: Hỗ trợ, phát triển đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào dân tộc miền núi là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị theo đúng nghị quyết 24 của Trung ương nhưng với cơ quan tham mưu chính, Ủy ban Dân tộc thấy rõ trách nhiệm của mình và tiếp tục có các giải pháp khắc phục. Cụ thể, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, nhất là giao thông thông tin kết nối vùng dân tộc thiểu số với vùng phát triển. Đây là điều rất quan trọng để giảm khoảng cách địa lý; đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực và phát triển đào tạo phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Ủy ban Dân tộc đã tham mưu để Chính phủ ban hành Nghị quyết số 52 về phát triển nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số, miền núi và ban hành quyết định 1557 về mục tiêu thiên niên kỷ. Bên cạnh đó Ủy ban Dân tộc sẽ hỗ trợ khởi sự kinh doanh, hỗ trợ sản phẩm bà con làm ra, kết nối thị trường; tăng cường tuyên truyền, vận động, thuyết phục để bà con tự tin, tự lực vươn lên không trông chờ vào Nhà nước.
Ngoài ra, đối với đồng bào dân tộc thiểu số thì cần tích hợp các chính sách để thành một chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng dân tộc thiểu số, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn. Cần có sự tập trung đầu tư nguồn lực, có sự tập trung chỉ đạo, mục tiêu cụ thể, có hệ thống tiêu chí đánh giá, sau 5 năm, 10 năm đánh giá sẽ có hiệu quả hơn. Để giải quyết khó khăn về đất ở, đất sản xuất, sinh kế... thì đào tạo nghề cho đồng bào là giải pháp căn cơ để khắc phục khó khăn hiện nay về tạo việc làm, tăng thu nhập - Bộ trưởng khẳng định.
Quan tâm vùng dân tộc thiểu số rất ít người
Quan tâm đến đại biểu dân tộc thiểu số rất ít người, đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) cho rằng: Nước ta có 54 dân tộc trong đó có 53 dân tộc thiểu số, 16 dân tộc rất ít người dưới 10.000 người. Do xuất phát điểm khác nhau nên nhóm dân tộc này ở vùng sâu, vùng xa, trình độ phát triển không bằng các nhóm dân tộc khác. Ở Tuyên Quang có dân tộc Pà Thẻn sinh sống ở huyện Chiêm Hóa rất cần sự hỗ trợ có tính đặc thù. Bộ trưởng có suy nghĩ gì về vấn đề này và có giải pháp gì thiết thực để hỗ trợ đồng bào có cuộc sống tốt hơn?.
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến, nước ta có 53 dân tộc thiểu số trong đó có 16 dân tộc thiểu số dưới 10.000 người. Trong 16 dân tộc thiểu số dưới 10.000 người, có 4 dân tộc thiểu số dưới 1.000 người. Số đồng bào này sinh sống ở vùng rất khó khăn. Đây là nhóm qua điều tra kinh tế xã hội của 53 dân tộc thiểu số, các chỉ tiêu là thấp nhất, Ủy ban Dân tộc xác định phải có chính sách đặc thù để hỗ trợ riêng cho các dân tộc thiểu số này.
Ngay khi đảm nhiệm nhiệm vụ, Ủy ban Dân tộc đã tập trung tham mưu nghiên cứu, ban hành Quyết định 2086 về chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế- xã hội đối với dân tộc thiểu số rất ít người. Trước đó, Ủy ban Dân tộc đã tham mưu ban hành Quyết định 1672 về Phát triển kinh tế - xã hội vùng các dân tộc: Mảng, La Hủ, Cống, Cờ Lao. Thực hiện có hiệu quả nên sau đã mở rộng ra 16 dân tộc rất ít người. Hiện nay, Chính phủ đã có Quyết định 1672 đầu tư trực tiếp cho dân tộc Mảng, La Hủ, Cống, Cờ Lao (4 dân tộc này dưới 1.000 người sinh sống ở 88 thôn bản, 27 xã thuộc 9 huyện của 3 tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Hà Giang) và đầu tư 253 tỷ đồng trong mấy năm qua. Hiện, các địa phương này có bước tiến bộ rất rõ để khẳng định hiệu quả đầu tư khi đầu tư trực tiếp vào thôn. Từ kinh nghiệm trên, Ủy ban Dân tộc đã tham mưu ban hành Quyết định 2086 áp dụng cho giai đoạn 2016 – 2025 ban hành ngày 31/10/2016, đầu tư trực tiếp cho 12 dân tộc ở 194 thôn, 93 xã, 37 huyện của 12 tỉnh; xác định hạng mục, đầu tư rất cụ thể với tổng số đầu tư là 1861 tỷ đồng đầu tư trong 10 năm.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính Phủ Trương Hòa Bình, Ủy ban Dân tộc đang tổng kết thực hiện giai đoạn 2016 – 2018, xây dựng chính sách giai đoạn tiếp theo. Trong đó, Ủy ban Dân tộc hướng tới nhóm dân tộc thiểu số rất ít người có chính sách riêng, đảm bảo cho đồng bào có điều kiện phát triển ngang bằng với các dân tộc khác. Hiện, những dân tộc này đã có một số chính sách ưu tiên: Nghị định 57 của Chính phủ xác định rõ những dân tộc thiểu số rất ít người này khi tốt nghiệp Trung học phổ thông được ưu tiên vào đại học và được miễn giảm học phí, các loại đóng góp. Một cơ sở đào tạo học sinh dân tộc rất ít người rất thành công là trường phổ thông vùng cao Việt Bắc. Ở đây, những học sinh hưởng 100% mức lương cơ bản, được học thêm 2 buổi có sự hướng dẫn thầy cô giáo, được ưu tiên khi bố trí công việc.
Tăng vay ưu đãi, giảm cho không
Chỉ rõ thực trạng các xã khu vực 3, thôn bản đặc biệt khó khăn giai đoạn trước mặc dù được đầu tư nhưng không giảm mà còn tăng thêm số lượng ở giai đoạn sau? Cụ thể giai đoạn 1999-2005 xã khu vực 3 chiếm 37,34%, giai đoạn 2012-2015 là 38%, giai đoạn 2016-2020 là gần 40%. Đại biểu Dương Xuân Hòa (Lạng Sơn) đề nghị Bộ trưởng chỉ rõ nguyên nhân nhân thực trạng trên.
Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến cho rằng đã có một số chính sách thay đổi, trong đó có chính sách tiếp cận nghèo đa chiều, nên tỷ lệ nghèo tăng lên. Bên cạnh đó, giai đoạn vừa rồi, có thêm 2 xã được đưa vào diện đầu tư 135. Tuy nhiên, khó nhất là suất đầu tư cho xã, thôn 135 quá thấp (chỉ khoảng 200 triệu 1/năm/thôn; 1 tỷ/xã) nên hiệu quả đầu tư chưa được như mong đợi.
Về xây dựng chính sách dân tộc, về tổng thể chính sách đã bao phủ toàn bộ các lĩnh vực kinh tế, xã hội, giáo dục, y tế,... tuy nhiên vẫn chưa đạt hiệu quả bởi có những chính sách ban hành chưa cân đối được nguồn lực đầu tư, hoặc cân đối thấp; một số chính sách thiết kế chưa phù hợp, dẫn tới tình trạng 1 bộ phận đồng bào "không muốn ra khỏi diện hộ nghèo"... Do vậy cần xây dựng một chương trình tổng thể, chỉ đạo quyết liệt, đầu tư thỏa đáng, có tiêu chí rõ ràng để phát triển đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt cần chú trọng giải pháp "tăng vay ưu đãi, giảm cho không" - Bộ trưởng nói.
Phúc Hằng - Phan Phương