Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì Phiên họp đầu tiên của Ban Chỉ đạo Quốc gia Chương trình hành động “Không còn nạn đói” ở Việt Nam giai đoạn 2016 -2025. Ảnh : cpv.org.vn |
Ban Chỉ đạo Quốc gia Chương trình hành động “Không còn nạn đói” ở Việt Nam giai đoạn 2016-2025 được thành lập theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Chương trình “Không còn nạn đói” là sáng kiến của Tổng Thư ký Liên hợp quốc đưa ra nhằm thực hiện các mục tiêu: “100% dân cư có đủ lương thực quanh năm; không còn trẻ em dưới 2 tuổi bị suy dinh dưỡng; toàn bộ các hệ thống lương thực, thực phẩm bền vững; 100% nông hộ nhỏ tăng năng suất và thu nhập, đặc biệt là phụ nữ; và không còn tổn thất, lãng phí lương thực, thực phẩm. Đây là Chương trình phù hợp với Mục tiêu phát triển bền vững số 2 xóa đói, bảo đảm an ninh lương thực, cải thiện dinh dưỡng và phát triển nông nghiệp bền vững đã được Chính phủ Việt Nam cam kết thực hiện và cũng phù hợp với Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững đang thực hiện tại Việt Nam. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Việt Nam là một trong những nước đạt được thành tích nổi bật trong việc giảm số người bị đói từ 46,9% (32,16 triệu người) giai đoạn 1990-1992 xuống còn 9% (8,01 triệu người) trong giai đoạn 2010-2012 và đã đạt được Mục tiêu phát triển bền vững số 2, hướng tới mục tiêu giảm một nửa số người bị đói vào năm 2015 và cơ bản giải quyết được tình trạng đói vào năm 2020 (theo đánh giá của Tổ chức lương thực và nông nghiệp Liên hợp quốc). Tuy nhiên, suy dinh dưỡng ở trẻ em vẫn còn ở mức cao so với phân loại của Tổ chức Y tế Thế giới và còn có sự khác biệt khá lớn giữa các vùng, miền. Đặc biệt là suy dinh dưỡng thấp còi - ảnh hưởng đến chiều cao, tầm vóc của người Việt Nam, tỉ lệ này vẫn còn ở mức cao (24,6% năm 2015) và phân bố không đều giữa các vùng, miền trong cả nước. Hiện 12 tỉnh có tỉ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở mức cao (trên 30%). Các tỉnh này tập trung chủ yếu ở ba vùng: Tây Nguyên, Bắc Trung Bộ và miền núi phía bắc. Tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng (thiếu sắt, thiếu i-ốt, thiếu vitamin A) vẫn cần quan tâm đầu tư, đặc biệt ưu tiên các vùng khó khăn và vùng sâu vùng xa, vùng có tỉ lệ thiếu vi chất dinh dưỡng cao... Ngày 14/1/2015, tại lễ phát động khởi động Chương trình hành động Quốc gia “Không còn nạn đói” ở Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã cam kết với Liên hợp quốc tham gia và nghiêm túc triển khai có hiệu quả Chương trình này. Chương trình hành động quốc gia “Không còn nạn đói” đến năm 2025 thực hiện mục tiêu bảo đảm đủ lương thực, thực phẩm, đáp ứng đủ dinh dưỡng cho người dân nhằm nâng cao thể trạng, trí tuệ, tầm vóc con người Việt Nam; đồng thời thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững số 2 do Chính phủ Việt Nam cam kết với Tổ chức Liên hợp quốc. Chương trình hành động đặt ra 5 mục tiêu với các nhiệm vụ cụ thể gồm: Bảo đảm đủ lương thực, cơ bản đủ thực phẩm bảo đảm dinh dưỡng quanh năm. Hầu hết trẻ em dưới 2 tuổi không còn suy dinh dưỡng; phát triển hệ thống lương thực thực phẩm bền vững; phần lớn các hộ nông dân sản xuất nhỏ tăng năng suất và thu nhập; phấn đấu không còn thất thoát, lãng phí lương thực, thực phẩm. Nguồn kinh phí cho Chương trình sẽ lấy từ nguồn kinh phí thuộc chương trình mục tiêu của Chính phủ phân bổ cho các bộ, ngành và địa phương hỗ trợ cho các hoạt động của Chương trình. Cùng với đó, sẽ huy động các nguồn lực quốc tế hỗ trợ cho các nội dung: Tư vấn, tuyên truyền, đào tạo, xây dựng khung pháp lý, xây dựng mô hình điểm; Vốn vay từ nguồn tín dụng trong nước và quốc tế cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh của hợp tác xã, doanh nghiệp đầu tư liên kết trong Chương trình; huy động kinh phí bằng nguồn xã hội hóa từ các doanh nghiệp, nhân dân và của xã hội đóng góp chương trình để hỗ trợ cho các hoạt động về sản xuất của người dân tham gia Chương trình. Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định, xóa đói giảm nghèo là mục tiêu xuyên suốt, được Đảng, Nhà Nước ưu tiên thực hiện ngay từ khi giành độc lập. Cho đến nay, Việt Nam đã giành được rất nhiều thành tựu trong lĩnh vực phát triển con người, đặc biệt là xóa đói giảm nghèo. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định, Việt Nam tham gia và nghiêm túc triển khai có hiệu quả sáng kiến “Không còn nạn đói” của Liên hợp quốc tại Việt Nam. Việt Nam đã làm, đã có nhiều kinh nghiệm và tiếp tục cam kết với cộng đồng quốc tế về việc bảo đảm không còn nạn đói”. Cho ý kiến vào các nội dung của dự thảo Quy chế hoạt động Chương trình hành động Quốc gia “Không còn nạn đói” ở Việt Nam đến năm 2025, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, cùng với các bộ, ngành hoàn thiện Chương trình hành động Quốc gia “Không còn nạn đói” ở Việt Nam đến năm 2025 để ban hành trong quý 1/2018. Cùng với đó, các bộ, ngành cần tích cực làm việc với các tổ chức trong nước, quốc tế để huy động nguồn lực cho Chương trình. Phó Thủ tướng đặc biệt lưu ý vai trò của chính quyền cơ sở bởi đây là những người gắn chặt với dân, nếu thực sự hiểu, chia sẻ với người dân thì chắc chắn việc triển khai thực hiện các chương trình xóa đói giảm nghèo nói chung, trong đó có Chương trình hành động Quốc gia “Không còn nạn đói” ở Việt Nam sẽ đạt kết quả tích cực. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các bộ, cơ quan, các địa phương khẩn trương thực hiện nhiệm vụ được giao, tham gia tích cực, trách nhiệm các hoạt động của Ban Chỉ đạo; triển khai có hiệu quả Chương trình hành động; thực hiện nghiêm túc Quy chế hoạt động, đặc biệt là cơ chế phối hợp, chỉ đạo. Các bộ, ngành, địa phương phải cụ thể hóa, trên cơ sở chức năng nhiệm vụ của mình để thực hiện các mục tiêu của Chương trình hành động Quốc gia “Không còn nạn đói” ở Việt Nam; lồng ghép các chương trình hiện có.
TTXVN