Phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Toàn cảnh thôn Cù Bài, xã Hướng Lập (Hướng Hóa, Quảng Trị). Ảnh: Hồ Cầu - TTXVN
Toàn cảnh thôn Cù Bài, xã Hướng Lập (Hướng Hóa, Quảng Trị). Ảnh: Hồ Cầu - TTXVN

Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 776/QĐ-TTg phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 ảnh 1Toàn cảnh thôn Cù Bài, xã Hướng Lập (Hướng Hóa, Quảng Trị). Ảnh: Hồ Cầu - TTXVN

Việc lập quy hoạch tỉnh Quảng Trị dựa trên quan điểm, nguyên tắc phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 của đất nước, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững; các quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch các ngành quốc gia, quy hoạch vùng.

Việc lập quy hoạch cần tuân thủ, bám sát các quy trình, nội dung, nguyên tắc theo Luật Quy hoạch, Nghị định, Thông tư hướng dẫn thực hiện Luật Quy hoạch; phù hợp với các văn kiện, Nghị quyết của Đảng, văn bản của Quốc hội và Chính phủ. Tỉnh Quảng Trị chủ động phối hợp, cập nhật thông tin trong quá trình lập quy hoạch tỉnh với quy hoạch cấp cao hơn để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ giữa các cấp quy hoạch.

Quyết định nêu rõ, việc lập quy hoạch cần đánh giá khách quan hiện trạng phát triển kinh tế-xã hội, xác định các yếu tố nội lực và các yếu tố tác động đến sự phát triển bền vững của tỉnh; các lợi thế phát triển kinh tế biển; các cơ hội liên kết giữa tỉnh Quảng Trị với các địa phương trong vùng, trong cả nước, vùng biên giới Việt-Lào; các cơ hội phát triển mới, các Hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết và tham gia.

Theo đó, mục tiêu lập quy hoạch là căn cứ pháp lý quan trọng để tỉnh Quảng Trị sử dụng hoạch định chính sách, kiến tạo động lực phát triển; đưa ra các định hướng, nhiệm vụ, giải pháp đột phá phát triển kinh tế-xã hội; đồng thời loại bỏ các quy hoạch chồng chéo đến đầu tư phát triển trên địa bàn. Đây sẽ là cơ sở tái cấu trúc nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế; xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội, kế hoạch đầu tư công trung hạn trong các giai đoạn 2021-2025 và năm 2026 đảm bảo tính khả thi, khách quan, khoa học.

Nội dung quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 thực hiện theo các quy định tại Điều 27 Luật Quy hoạch năm 2017 và Điều 28 Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 7/5/2019 của Chính phủ, bao gồm các nội dung liên quan đến việc phân tích, đánh giá, dự báo về các yếu tố, điều kiện phát triển đặc thù của tỉnh Quảng Trị; đánh giá thực trạng phát triển kinh tế-xã hội, hiện trạng sử dụng đất, hiện trạng hệ thống đô thị, nông thôn; đánh giá về việc thực hiện quy hoạch thời kỳ trước; xây dựng quan điểm, mục tiêu phát triển tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và lựa chọn phương án phát triển.

Nội dung quy hoạch cần định hướng phát triển, sắp xếp không gian, phân bố nguồn lực cho các hoạt động kinh tế-xã hội phải đồng bộ với quy hoạch cấp quốc gia, cấp vùng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững trên cả 3 trụ cột: kinh tế, xã hội và môi trường; phù hợp với bối cảnh hội nhập quốc tế, các cam kết trong các điều ước quốc tế đa phương, song phương mà Việt Nam là thành viên.

Việc lập nội dung quy hoạch cần đảm bảo tính liên kết, đồng bộ, khai thác, sử dụng hiệu quả hệ thống kết cấu hạ tầng hiện có giữa các ngành, các vùng liên huyện, các địa phương trên địa bàn tỉnh; xác định cụ thể các khu vực sử dụng cho mục đích quân sự, quốc phòng, an ninh ở cấp tỉnh, liên huyện, định hướng bố trí trên địa bàn cấp huyện.

Bên cạnh việc xây dựng, cụ thể hóa các quan điểm chỉ đạo về phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, nội dung lập quy hoạch cần chú trọng thúc đẩy phát triển các khu vực có điều kiện khó khăn, đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; đảm bảo sinh kế bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân; phân bổ, khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên gắn với bảo tồn các giá trị lịch sử-văn hóa, di sản thiên nhiên cho các thế hệ hiện tại, tương lai.

Tỉnh Quảng Trị đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại, số hóa thông tin, cơ sở dữ liệu trong quá trình lập quy hoạch; đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, kỹ thuật, thiết kế quy hoạch phù hợp với yêu cầu phát triển, hội nhập quốc tế, liên kết vùng.

TTXVN

TTXVN

Có thể bạn quan tâm