Phát triển văn hóa đọc ở Trường Sa

Phát triển văn hóa đọc ở Trường Sa

Tại huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa, huyện đảo xa đất liền nhất của Tổ quốc, các hoạt động vui chơi giải trí đối với quân dân không được đa dạng, phong phú so với đất liền. Tuy nhiên, ở Trường Sa, đời sống tinh thần của người lính vẫn phong phú thông qua đọc sách, báo.

Phát triển văn hóa đọc ở Trường Sa ảnh 1Phòng đọc sách trên đảo Trường Sa lớn có hơn 4.100 đầu sách phục vụ cán bộ chiến sĩ. Ảnh: Quân Trang-TTXVN

Sau mỗi giờ luyện tập trên thao trường, tuần tra canh gác biển đảo, chiến sĩ Trần Hoàng Trung (sinh năm 2001), đang công tác tại đảo An Bang, lại đến phòng đọc sách để bổ sung thêm kiến thức từ sách, báo. Đang là sinh viên năm thứ hai (Khoa Kỹ thuật cơ khí, Trường Đại học Nha Trang), vì nghĩa vụ liêng thiêng, vì tình yêu với biển đảo của Tổ quốc nên Trung đã quyết định tạm gác lại việc học để nhập ngũ và đến với quần đảo Trường Sa được hơn 9 tháng nay. Chiến sĩ Trần Hoàng Trung chia sẻ, ở trong đất liền, lúc rảnh chúng em có tivi, máy tính, điện thoại,… để giải trí. Ra đảo, giữa mênh mông sóng nước, không có sóng 3G, 4G, thì sách, báo là "món ăn tinh thần" hằng ngày, nhiều chiến sĩ đã hình thành thói quen đọc sách, báo từ khi nào không biết.

Phòng đọc sách trên đảo An Bang hiện có trên 2.000 đầu sách về các lĩnh vực như khoa học kỹ thuật, văn hóa, pháp luật, kinh tế, xã hội, truyện ngắn và một số báo, tạp chí. Đại úy Phan Văn Anh, Chính trị viên đảo An Bang cho biết, vào giờ nghỉ, bộ đội hăng hái tham gia các phong trào văn nghệ, thể dục thể thao, đặc biệt là đọc sách và dần hình thành phong trào sôi nổi về đọc sách, báo tìm hiểu tri thức. Thông qua sách, báo, cán bộ, chiến sĩ am hiểu pháp luật, tự trang bị cho bản thân kiến thức về kinh tế, xã hội, văn hóa, …từ đó để họ có nền tảng tri thức, có thể lựa chọn nghề nghiệp phù hợp khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự nơi đảo xa. Đặc biệt, kiến thức từ sách, báo sẽ giúp cán bộ, chiến sĩ vơi đi những mệt mỏi do nắng gió, nỗi nhớ đất liền, tự động viên mình, tự làm công tác tư tưởng cho chính mình.

Phát triển văn hóa đọc ở Trường Sa ảnh 2Các cán bộ chiến sĩ trên cùng nhau đọc sách tại đảo Sinh Tồn. Ảnh: Quân Trang-TTXVN

Tại đảo chìm Núi Le B, Nhà văn hóa đa năng được trang bị bàn bóng bàn tại tầng một, phòng đọc được đặt tại tầng ba hiện có gần 1.000 đầu sách và trên 20 đầu báo. Chiến sĩ Phạm Đình Trung, đảo Núi Le B chia sẻ, từ sách, báo chúng em học hỏi được nhiều điều bổ ích, như cách trồng và chăm sóc rau xanh, cây cảnh, trồng hoa,…những việc mà trước đây khi chưa nhập ngũ, ở trong đất liền chúng em chưa biết làm.

Với Đại úy Nguyễn Văn Dũng, Chính trị viên đảo Núi Le B, bên cạnh các loại sách về pháp luật, văn hóa, anh thường tìm đọc sách viết về Bác để học từ Người những nếp sống đẹp, bình dị, những câu chuyện hay,… để có thêm kiến thức nói chuyện, làm công tác tư tưởng, chính trị định hướng cho bộ đội. Đại uý Nguyễn Văn Dũng cho biết, nếu không đến tận nơi tham quan chắc không ai nghĩ bộ đội trên đảo chìm Núi Le B đã có thể tự chủ được nguồn rau xanh ăn hàng ngày, có vườn hoa, cây cảnh,… đều do bộ đội tự tìm hiểu kiến thức từ sách, báo, vận dụng vào thực tiễn luôn.

Được biết, trên tất cả các đảo, nhà giàn thuộc quần đảo Trường Sa hiện nay đều được trang bị phòng đọc sách đặt tại Nhà văn hóa đa năng hoặc phòng Hồ Chí Minh, thư viện trên đảo,… phục vụ cán bộ, chiến sĩ đọc tại chỗ hoặc mượn đem về đọc. Hiện tại, mỗi đảo đều có phòng đọc được trang bị từ 1.000 đến trên 4.000 đầu sách và các loại báo, tạp chí,…hàng tháng, sách, báo sẽ được bổ sung mới từ đất liền, các đoàn công tác ra thăm và tặng cán bộ, chiến sỹ trên đảo. Ngoài ra, định kỳ 6 tháng một lần, các đảo sẽ luân chuyển sách, báo với nhau để bộ đội được đọc nhiều loại sách khác nhau, phong phú hơn về kiến thức.

Theo Thiếu tá Nguyễn Công Chính, Chính trị viên đảo Trường Sa, ngoài tình yêu với biển đảo thì những quyền sách, tờ báo đang được bộ đội Trường Sa nâng niu, bầu bạn hằng ngày. Văn hóa đọc dần hình thành, tạo thành phong trào đọc sách trên mỗi điểm đảo. Thiếu tá Nguyễn Công Chính cho biết, xây dựng văn hóa đọc cho người lính rất quan trọng, từ việc đọc sách sẽ trang bị cho bộ đội hành trang để khi hoàn thành nghĩa vụ, họ sẽ có được kiến thức hữu ích về đời sống, pháp luật, cơ hội nghề nghiệp rộng mở và trở thành con người có ích cho xã hội.

Trần Trang

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm