Khách hàng đến mua sản phẩm tại cửa hàng buôn bán mực khô, nước mắm Sầm Sơn của ông Hoàng Thăng Minh, đường Nguyễn Thị Lợi, phường Trung Sơn. Ảnh: Nguyễn Nam-TTXVN |
Nghề làm nước mắm Sầm Sơn đã có cách đây hơn 100 năm, lúc đầu chỉ có một số hộ dân sống tại các làng chài ven biển thuộc các phường Quảng Cư, Quảng Tiến, Trung Sơn, Trường Sơn sản xuất. Sau đó, nghề làm nước mắm đã được nhân rộng ra toàn thành phố, đây là sản phẩm có chất lượng tốt, nồng độ đạm cao và có mùi vị đặc trưng nên được người dân sử dụng nhiều trong bữa ăn hàng ngày hoặc chế biến ra nhiều món ăn có hương vị thơm ngon. Để sản xuất ra nước mắm, người dân phải trải qua nhiều công đoạn, trước tiên phải chuẩn bị cá cơm, cá trích, cá nục rồi đem rửa sạch, xong đem trộn 3 loại cá với muối sạch rồi cho vào bể, chum để ủ trong khoảng 12 tháng tùy theo nhiệt độ, khi ủ xong thì rồi rút nước qua hệ thống lọc, rồi pha chế nước mắm khi đạt yêu cầu và đóng trai, dán nhãn, lưu kho. Ông Hoàng Thăng Vích, Chủ tịch Hội hải sản Sầm Sơn cho biết, hội có 26 hộ làm, kinh doanh nước mắm. Gia đình ông Vích là cơ sở sản xuất, kinh doanh nước mắm lớn nhất tại khu vực, trung bình mỗi ngày gia đình ông bán 500 lít. Nhờ buôn bán nước mắm, gia đình ông đã vươn lên làm giàu với thu nhập bình quân gần 1 tỷ đồng/năm, ông tạo việc làm cho 12 nhân công với mức lương 9 triệu đồng/người/tháng.
Nước mắm Sầm Sơn được để trong chum. Ảnh: Nguyễn Nam-TTXVN |
Hiện sản phẩm nước mắm của gia đình ông Vích làm ra đã được cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm và được bán chủ yếu ở Hà Nội, Hòa Bình, Bắc Giang. Trong nhiều năm qua, sản phẩm nước mắm của gia đình ông được tôn vinh là sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu do Hội Nông dân Việt Nam bình chọn. Cũng theo đuổi nghề sản xuất, buôn bán nước mắm đã lâu, ông Hoàng Thăng Minh, đường Nguyễn Thị Lợi, Phường Trung Sơn cho biết, cách đây nhiều năm ông vay vốn người thân để đầu tư phát triển kinh tế thông qua việc sản xuất nước mắm. Năm 2014, ông quyết định mở rộng kinh doanh, buôn bán thêm các loại hải sản khác như mực, cá, tôm. Đến nay, cơ sở kinh doanh của ông Hoàng Thăng Minh đang ngày một phát triển với nhiều loại hải sản như cá chỉ vàng, nước mắm, mực khô và ghẹ, tuy nhiên sản phẩm nước mắm Sầm Sơn vẫn luôn bán chạy trong nhiều năm qua. Hiện thu nhập mỗi năm của gia đình đạt 500 triệu đồng, ông còn tạo việc làm cho 10 lao động tại địa phương với mức lương 7-8 triệu/người/tháng.
Cho nước mắm Sầm Sơn vào chai để bán cho khách hàng. Ảnh: Nguyễn Nam-TTXVN |
Ngoài ra, tại phường Quảng Tiến cũng có nhiều hộ dân đã làm giàu nhờ sản xuất, kinh doanh nước mắm Sầm Sơn. Điển hình như cơ sở sản xuất, buôn bán nước mắm của anh Nguyễn Sỹ Đoàn cho thu nhập 130 triệu đồng/năm, cơ sở sản xuất nước mắm của chị Vũ Thị Lan cho thu nhập 100 triệu đồng/năm. Ông Trần Học Đính, Chủ tịch UBND phường Quảng Tiến cho biết, sản phẩm nước mắm Sầm Sơn được chế biến thủ công, không pha hóa chất, phụ gia nên luôn đảm bảo an toàn thực phẩm, hiện toàn phường có gần 15 hộ làm nước mắm, mỗi hộ thu nhập khoảng 100-150 triệu đồng/năm. Để tiếp tục phát triển sản phẩm này, phường sẽ kiến nghị cấp trên sớm xây dựng thương hiệu và có doanh nghiệp vào thu mua sản phẩm cho bà con. Hiện nay, thành phố Sầm Sơn có 66 cơ sở lớn và hơn 100 hộ sản xuất, buôn bán nước mắm nhỏ lẻ, trung bình mỗi năm các hộ dân bán ra thị trường trên 4 triệu lít nước mắm. Nhờ đó, nhiều hộ dân đã vươn lên làm giàu nhờ sản xuất, kinh doanh nước mắm Sầm Sơn. Ông Vũ Đình Chinh, Phó trưởng phòng Kinh tế thành phố Sầm Sơn cho biết, để giữ gìn và phát triển sản phẩm nước mắm Sầm Sơn, UBND thành phố Sầm Sơn đang triển khai dự án khoa học công nghệ “Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể nước mắm, mực khô Sầm Sơn cho sản phẩm nước mắm và mực của thành phố Sầm Sơn” nhằm quảng bá, nâng cao chất lượng, khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường; trong đó người dân đặc biệt trú trọng đến an toàn thực phẩm và chất lượng sản phẩm. Đến nay, dự án này đang dần mang lại hiệu quả thiết thực, đặc biệt là việc góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho các hộ sản xuất, kinh doanh sản phẩm nước mắm Sầm Sơn trên địa bàn. Thời gian tới, thành phố Sầm Sơn sẽ tiếp tục điều tra, khảo sát, đánh giá hiện trạng sản xuất, kinh doanh và xác lập được quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu tập thể nước mắm Sầm Sơn cho sản phẩm nước mắm trên địa bàn. Đồng thời, xây dựng và đưa vào khai thác có hiệu quả hệ thống quản lý của nhãn hiệu nước mắm Sầm Sơn và thực hiện quy trình truy xuất nguồn gốc, tem nhãn, bao bì đóng gói. Thành phố Sầm Sơn cũng chỉ đạo các ban, ngành tăng cường kiểm tra an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất nước mắm Sầm Sơn để đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng.
Nguyễn Nam