Phát triển thị trường carbon (Bài cuối)

Thời gian gần đây, thông tin về sự thành công của hàng loạt dự án tín chỉ carbon lớn tại Việt Nam đã tạo nên hấp lực, thu hút sự quan tâm của dư luận trong nước. Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn nhiều thông tin chưa chính xác, khiến dư luận có thể ngộ nhận về tín chỉ và thị trường carbon, ảnh hưởng đến cách tiếp cận đúng đối với thị trường còn đầy mới mẻ này.

7u4tvgczsvo6hbu5frphibmbmq-960x624.jpg
Các nhà khoa học cảnh báo, sự nóng lên toàn cầu sẽ vượt quá 2 độ C trong thế kỷ 21 nếu chúng ta không đạt được mức giảm sâu về lượng phát thải khí nhà kính ngay từ bây giờ. Ảnh: Reuters

Bài cuối: Có cách tiếp cận đúng

Phải chăng “chỉ cần ngủ dậy là có tiền”?

Có nhiều ý kiến cho rằng, với diện tích rừng và diện tích nông nghiệp lớn, tiềm năng hấp thụ carbon cao, nông dân Việt Nam chỉ cần ngủ dậy là có tiền nhờ bán tín chỉ carbon hấp thụ. Tuy nhiên, thực tế không phải là như vậy.

Theo Tiến sỹ Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, quy định chung của tài chính thế giới khẳng định, phải cải thiện được tình hình hấp thụ carbon trên thế giới thì mới lấy được tín chỉ carbon. Đây là một quy trình chặt chẽ mà nếu không làm từ đầu thì sẽ không có một tín chỉ carbon nào để bán.

Với 42% diện tích che phủ rừng hiện đang hấp thụ khoảng 30% lượng CO2e sẽ không tự động tạo ra tín chỉ cho Việt Nam mà thế giới sẽ lấy con số đó làm mốc tính. Chẳng hạn, hiện nay rừng đó đang hấp thụ 1.000 tấn CO2e. Nếu Việt Nam cải thiện, nâng lên được 1.050 tấn, Việt Nam sẽ được 50 tín chỉ carbon.

Do vậy, nếu thực hiện quy trình đăng ký dự án ngay từ đầu, từ năm 1995, khi diện tích che phủ rừng chỉ khoảng 28% thì sau khi kết thúc dự án, với diện tích cải thiện lên được khoảng 42% như hiện nay và được các tổ chức chứng nhận xác thực thì số tín chỉ đó Việt Nam mới có thể bán được. Tuy nhiên, do không làm từ đầu, nên bây giờ chỉ có thể thu tín chỉ carbon bằng cách cải thiện khả năng hấp thụ so với mức hiện tại.

"Rừng Việt Nam thực sự rất có giá trị, nhưng không phải cứ tỉnh dậy là có nghìn tỷ. Kiếm tiền từ việc bán tín chỉ carbon rừng không phải dễ. Tỷ trọng tín chỉ carbon từ trồng rừng mới và khôi phục rừng chỉ chiếm 4% tín chỉ carbon rừng toàn cầu. Bảo vệ, bảo tồn chiếm 8%. Còn 88% còn lại là từ hoạt động cải thiện và nâng cao chất lượng rừng" - Tiến sỹ Nguyễn Đình Thọ chia sẻ.

Do đó, thực hiện quy trình bảo vệ rừng phải bao gồm cải thiện đời sống của đồng bào dân tộc, của kiểm lâm, của những người bảo vệ, bảo tồn rừng; trong đó bao gồm cả các yêu cầu về kinh tế, môi trường, văn hóa xã hội, đáp ứng yêu cầu bền vững và đồng lợi ích - cùng nhau hưởng thụ lợi ích từ việc hấp thụ và lưu trữ carbon bền vững thì mới có thể nâng cao được chất lượng tín chỉ carbon rừng của chúng ta.

vna_potal_dong_thap_co_hon_6006_ha_dien_tich_dat_co_rung__7273920.jpg
Diện tích đất có rừng trồng của Rừng tràm Gáo Giồng (Đồng Tháp) là hơn 1.170 ha. Ảnh: Nhựt An - TTXVN

Tiến sỹ Phạm Khánh Nam - Hiệu trưởng Trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước khẳng định, nếu chỉ nghĩ đơn giản rừng ngập mặn Cần Giờ, dừa ở Bến Tre có thể mang lại hàng chục triệu USD từ tín chỉ carbon là không chính xác. Trên thực tế, mình đầu tư, làm giảm hoặc hấp thụ được thêm bao nhiêu tấn CO2e thì mức chênh lệch đó mới tạo ra tín chỉ carbon. Đó là công việc cực kỳ phức tạp.

Đồng quan điểm, Tiến sỹ Vũ Tấn Phương - Giám đốc Văn phòng Chứng chỉ Rừng Việt Nam (VFCO) nhận xét, quan niệm ngủ dậy có thể được vài nghìn tỷ đồng là không đúng. Vì rừng của Việt Nam chỉ là một hạt muối so với thế giới. Tổng diện tích rừng của thế giới là khoảng 4 tỷ ha, Việt Nam chỉ có khoảng 14,7 triệu ha rừng.

Trong khi đó, Liên Bang Nga chiếm khoảng 20% tổng diện tích rừng thế giới, tiếp đến là Brazil chiếm 12%, sau đó là Trung Quốc, Canada và Mỹ. Cả 5 nước này chiếm hơn 50% tổng diện tích rừng của thế giới. Hơn 180 nước còn lại chỉ chiếm khoảng 50% diện tích rừng còn lại. Mặt khác, tỷ lệ diện tích che phủ rừng của Việt Nam có vẻ cao, nhưng quy ra đầu người thì lại cực kỳ nhỏ. Do đó, cần truyền thông rất rõ vấn đề này để tránh hiểu lầm.

Chủ động tham gia thị trường

Mặc dù thị trường carbon Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn hình thành, nhưng thông tin và hấp lực từ thị trường carbon thế giới cùng với hàng loạt các dự án tín chỉ thành công tại Việt Nam thời gian qua đã thu hút sự quan tâm và mong muốn tham gia phát triển dự án tín chỉ carbon của doanh nghiệp Việt.

Tuy nhiên, doanh nghiệp cần nắm rõ bản chất, những thách thức, khó khăn và quy trình, thủ tục của một dự án tín chỉ carbon để định hình con đường chủ động tiếp cận thị trường một cách hiệu quả và có lợi nhất; nâng cao được năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững.

Chia sẻ từ góc độ một doanh nghiệp chuyên phát triển các dự án tín chỉ carbon tại Mỹ và Australia, Tiến sỹ Nguyễn Văn Quân - Trưởng phòng Phát triển khoa học và Chiến lược của công ty Carbon Friendly (Australia) cho biết, không phải bất kỳ hoạt động hay dự án giảm phát thải, hấp thụ khí nhà kính nào cũng có thể phát triển thành dự án tín chỉ và ban hành được tín chỉ carbon. Điểm mấu chốt trước hết là cần phải kiểm kê và phải thu thập được số liệu phát thải khí nhà kính trong 3 năm gần nhất đối với nội dung muốn đăng ký giảm phát thải, hấp thụ carbon để làm đường cơ sở cho dự án.

Ngoài việc phải tuân thủ quy trình chặt chẽ và yêu cầu cụ thể do từng bộ tiêu chuẩn carbon quốc tế tương ứng quy định, các dự án còn phải đảm bảo tiêu chí như việc giảm phát thải phải đảm bảo tính mới, bổ sung của dự án. Đây là tiêu chí đầu tiên và quan trọng nhất. Vì bản chất của cơ chế tín chỉ carbon là thúc đẩy hoạt động giảm phát thải. Nếu thiếu cơ chế này, hoạt động giảm phát thải sẽ không thể diễn ra trong kịch bản thông thường do rào cản về mặt tài chính.

Việc giảm phát thải phải thực tế, đo lường và được thẩm định, thẩm tra bởi bên thứ ba độc lập, được công nhận bởi tiêu chuẩn carbon tương ứng. Việc giảm phát thải phải lâu dài, không bị đảo ngược, duy nhất và theo dõi được, tránh việc một hoạt động giảm phát thải được tính hai lần. Tức là cùng một tín chỉ carbon nhưng lại được nhiều hơn một cơ sở phát thải sử dụng để bù trừ cho lượng phát thải của mình.

Ông Lê Quang Linh, Giám đốc kỹ thuật Văn phòng Việt Nam của công ty EKI (Ấn Độ) – doanh nghiệp chuyên tư vấn và phát triển dự án tín chỉ carbon tại Ấn Độ và Việt Nam cho biết, hiện nay các cơ chế tín chỉ carbon tự nguyện hầu như đã hạn chế dần việc đăng ký các dự án năng lượng tái tạo quy mô lớn, đặc biệt là các lĩnh vực như thủy điện, điện năng lượng mặt trời hay điện gió. Do tính phổ biến của các công nghệ này đã rất phát triển, không còn đảm bảo tính mới, bổ sung.

Do vậy, cơ chế tín chỉ carbon tập trung cho các lĩnh vực năng lượng tái tạo mới khác để khuyến khích các lĩnh vực này phát triển như: điện rác, điện gió ngoài khơi, điện địa nhiệt, điện sóng biển. Ông Linh cho biết thêm, hiện công ty đang triển khai dự án tín chỉ carbon biogas cộng đồng cho các hộ chăn nuôi gia đình ở Ấn Độ. Mô hình này có thể vận dụng áp dụng tại Việt Nam. Lợi nhuận thu được từ bán tín chỉ sẽ được chia sẻ lại cho cộng đồng.

Tiến sỹ Nguyễn Văn Quân chia sẻ kinh nghiệm, để tính toán phát triển một dự án tín chỉ carbon, doanh nghiệp cần đánh giá cho được tính khả thi về kinh tế của dự án, tức là khả năng thu hồi vốn của dự án và cần phải xác định tín chỉ đó sẽ bán cho ai. Vì chính người mua sẽ là người tài trợ tiền để thực hiện dự án.

Theo ông Lê Quang Linh, sau Hội nghị COP28, các nhà chính sách trên toàn cầu đều có chung một kết luận là, các dự án tín chỉ carbon đạt được càng nhiều tiêu chí phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc sẽ là những dự án chất lượng cao, rất dễ tìm được người mua và rất dễ để phát triển.

Tiến sỹ Nguyễn Đình Thọ cho rằng, để tham gia thị trường carbon, thách thức đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam là rất lớn, nhưng các doanh nghiệp cần nhận thức rằng không có phương án lựa chọn mà chỉ có một phương án duy nhất đó là tham gia cuộc chơi cùng với thế giới. Người nào đi trước, người đó sẽ có lợi thế.

Để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trong cuộc chơi này, Tiến sỹ Nguyễn Đình Thọ cho biết, Chính phủ sẽ sớm ban hành Danh mục phân loại xanh và Kế hoạch quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn. Theo đó, các doanh nghiệp đáp ứng được danh mục sẽ được ưu đãi về trái phiếu xanh và tín dụng xanh.

Lâm Nguyên

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm