Phát triển sản phẩm du lịch đêm ở Việt Nam đa dạng, có giá trị gia tăng cao

Để du khách có thêm những trải nghiệm mới, tour khám phá chùa Bái Đính (tỉnh Ninh Bình) về đêm đã chính thức được đưa vào khai thác từ cuối năm 2016. Ảnh: Hải Yến-TTXVN
Để du khách có thêm những trải nghiệm mới, tour khám phá chùa Bái Đính (tỉnh Ninh Bình) về đêm đã chính thức được đưa vào khai thác từ cuối năm 2016. Ảnh: Hải Yến-TTXVN

Thông tin từ Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam ngày 17/7 cho biết: Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt đã ký Quyết định 1894/QĐ-BVHTTDL về việc ban hành Đề án một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm.

Phát triển sản phẩm du lịch đêm ở Việt Nam đa dạng, có giá trị gia tăng cao ảnh 1Để du khách có thêm những trải nghiệm mới, tour khám phá chùa Bái Đính (tỉnh Ninh Bình) về đêm đã chính thức được đưa vào khai thác từ cuối năm 2016. Ảnh: Hải Yến-TTXVN

Đề án được triển khai nhằm phát huy lợi thế các dịch vụ ban đêm để phát triển sản phẩm du lịch đêm ở Việt Nam đa dạng, đặc sắc, bền vững, có chất lượng và giá trị gia tăng cao. Qua đó, du lịch Việt Nam khẳng định thương hiệu và nâng cao năng lực cạnh tranh điểm đến, tăng cường thu hút khách, tăng chi tiêu và kéo dài thời gian lưu trú của du khách; góp phần đưa du lịch đêm trở thành sản phẩm chủ đạo để phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam.

Đề án cũng đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, các địa bàn: Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Hội An (Quảng Nam), Đà Lạt (Lâm Đồng), Cần Thơ, Phú Quốc (Kiên Giang), Thành phố Hồ Chí Minh và Bà Rịa - Vũng Tàu có tối thiểu 1 mô hình về phát triển sản phẩm du lịch đêm. Đồng thời, ngành du lịch hình thành tổ hợp giải trí đêm riêng biệt tại Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh; tăng thời gian lưu trú trung bình của khách du lịch ở các địa bàn thực hiện Đề án ít nhất 1 một đêm.

Đề án cũng nêu: Đến năm 2030, ngành du lịch mở rộng hình thành tổ hợp giải trí đêm riêng biệt tại các trung tâm du lịch lớn như Quảng Ninh, Hải Phòng, Thừa Thiên - Huế, Hội An (Quảng Nam), Nha Trang (Khánh Hòa), Đà Lạt (Lâm Đồng), Cần Thơ, Phú Quốc (Kiên Giang) và Bà Rịa - Vũng Tàu. Đồng thời, ngành phát triển đồng bộ sản phẩm du lịch đêm tại các trung tâm du lịch, nơi có lượng khách du lịch tập trung đông; từ đó hình thành thương hiệu sản phẩm du lịch đêm của Việt Nam.

Trong Đề án đề cập đến 5 mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm với nội dung cụ thể về dịch vụ đặc trưng, dịch vụ bổ trợ và triển khai áp dụng. Đó là các mô hình hoạt động: Biểu diễn văn hoá, nghệ thuật; thể thao, chăm sóc sức khỏe, làm đẹp; mua sắm, giải trí đêm;tham quan du lịch đêm và giới thiệu văn hóa ẩm thực, dịch vụ ăn uống về đêm.

Đề án nêu nhiều giải pháp về quy hoạch, quản lý đô thị, cơ chế chính sách, tổ chức và quản lý dịch vụ, nguồn nhân lực, đầu tư, định hướng thị trường, xúc tiến quảng bá và ứng dụng công nghệ thông tin. Đặc biệt là việc xây dựng cơ sở dữ liệu hỗ trợ quản lý đồng bộ và hiệu quả hoạt động du lịch đêm; triển khai các ứng dụng, tiện ích hỗ trợ khách du lịch, trong đó ưu tiên triển khai ứng dụng Du lịch Việt Nam an toàn và thẻ du lịch thông minh.

Đồng thời, toàn ngành đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong thanh toán trực tuyến, sử dụng công nghệ tự động hóa trong cung cấp dịch vụ tại các mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm.

Bên cạnh đó, đề án cũng nêu các giải pháp cụ thể liên quan đến phát triển sản phẩm, dịch vụ, tổ chức chương trình tham quan trải nghiệm, xây dựng nhà vệ sinh đạt chuẩn phục vụ khách du lịch, thiết lập đường dây nóng hỗ trợ du khách, tăng cường thanh, kiểm tra về chất lượng, xuất xứ hàng hóa, niêm yết giá công khai…

Thanh Giang

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm