Bài 2: Tạo chuỗi giá trị sản xuất khép kín Từ một người tay trắng nhưng sau 10 năm ông Vũ Mạnh Hùng là người đưa thịt gà nuôi tại xã Thuận Lợi (huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước – Việt Nam) xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản khó tính và trở thành “ đại gia” của ngành nông nghiệp tỉnh Bình Phước. Thành công này phải kể đến việc nhạy bén đầu tư trong việc chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp đơn thuần sang đầu tư nông nghệ áp dụng công nghệ cao, tạo ra chuỗi giá trị sản xuất khép kín thông qua liên kết của nhiều đơn vị trong và ngoài nước và được kiểm soát bằng tiêu chuẩn châu Âu.
Mô hình chăn nuôi tự động theo công nghệ CHLB Đức của doanh nghiệp Hùng Nhơn. Ảnh: Dương Chí Tưởng-TTXVN |
Tay trắng thành “đại gia” Từng trải qua nghề phụ lơ xe, làm thợ hồ để kiếm sống, nhưng ông Vũ Mạnh Hùng luôn xem những nghề nghiệp này là long đong, lận đận. Chính vì vậy, ông Hùng dong duổi vùng đất Bình Phước tìm vận may khởi nghiệp. Sau thời gian trích góp ít vốn, nhìn thấy nông nghiệp là hướng đi phù hợp với bản thân ông Hùng nhanh nhạy “vồ” mô hình nuôi gà trong nhà lạnh –lĩnh vực đang phát triển ở vùng đất Đông Nam bộ. Không may cho ông, khi bắt đầu mon men khởi nghiệp ông Vũ Mạnh Hùng đã nhận ngay thất bại ê chề khi mới vào nghề chăn nuôi gia cầm khi gặp trận dịch bệnh hồi năm 2009- 2010 đã cướp sạch vốn liếng làm ăn của ông. “Thất bại là mẹ thành công” – ông Hùng lấy đó làm động lực và không nản chí, vay vốn tiếp tục đầu tư. Tuy nhiên lần này, đầu tư bài bản áp dụng theo công nghệ của Đức nhằm đáp ứng theo xu thế của thị trường. Tầm nhìn đúng đắn đó đã mở ra con đường đi đúng hướng và phát triển lên tầm cao mới. Ông Vũ Mạnh Hùng cho biết: “Thấy tôi dốc toàn bộ vốn liếng, vay mượn để làm nông nghiệp, nhiều người nghĩ tôi mất trí vì làm nông nghiệp luôn đối diện rủi ro quá lớn. Nhưng tôi đã quyết cái gì tôi không biết thì tôi sẽ không làm và chỉ tập trung làm nông nghiệp”. Sau lần thất bại đó, ông Hùng bắt tay làm lại và đã thành công với mỗi năm đơn vị tăng trưởng bình quân 20%/năm. Từ một nông hộ nông dân kinh doanh gia cầm nhỏ lẻ, hiện mô hình của ông đã trưởng thành một tập đoàn hàng đầu với nhiều sản phẩm nông nghiệp thịt gà xuất khẩu sang thị trường nước ngoài. Đột phá thành công nhất của ông Hùng là hồi tháng 9 năm ngoái, hơn 300 tấn thịt gà xuất khẩu chính ngạch đầu tiên của Việt Nam được xuất sang thị trường nước ngoài. Số gà này được nuôi tại trang trại Hùng Nhơn do ông Hùng làm chủ. Là một trong số doanh nghiệp mạnh tay đầu tư hàng triệu USD cho hệ thống trang trại công nghệ cao theo tiêu chuẩn Global Gap tại tỉnh Bình Phước.
Mô hình chăn nuôi tự động theo công nghệ CHLB Đức của doanh nghiệp Hùng Nhơn. Ảnh: Dương Chí Tưởng |
Trong chuyến đến thăm và làm việc tại tỉnh Bình Phước mới đây, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường thôn cho biết: Mỗi năm, ngành nông nghiệp Việt Nam xuất khẩu đạt kim ngạch trên 30 tỷ USD. Hiện cả nước có 10 ngành hàng, đạt giá trị xuất khẩu trên dưới 1 tỷ USD. Tuy nhiên, điều trăn trở đối với ngành nông nghiệp là trong 10 ngành hàng trên, không hề có sản phẩm thực phẩm chăn nuôi. Trong khi đó, Việt Nam có một tiềm năng, khả năng sản xuất rất lớn. Bình quân mỗi năm, cả nước có thể sản xuất đạt khoảng 30 triệu con lợn, 300 triệu con gia cầm, nửa triệu con bò sữa… Tức là mỗi năm, Việt Nam đủ sản xuất ra 5,2 triệu tấn thịt, bình quân đạt 60kg thịt/người, bên cạnh mức bình quân 100 quả trứng/người, 10 lít sữa/người, 80 kg cá/người… Song, nhiều năm qua, sản phẩm của người nông dân làm ra vẫn lận đận đầu ra. Lĩnh vực xuất khẩu nông sản lại càng kém cõi. Đến tìm hiểu mô hình nông nghiệp áp dụng công nghệ cao tự động hoá hoàn toàn của Hùng Nhơn - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường tận mắt chứng kiến một doanh nghiệp đầu tư hệ thống thiết bị máy móc hiện đại của Tập đoàn Big Dutchman (Đức) cho 28 trại chăn nuôi, tạo ra hệ thống chuồng trại gà lạnh khép kín, tự động hóa… Nhờ ứng dụng "quản lý trang trại và truy xuất nguồn gốc", quy trình nuôi trồng được số hóa toàn bộ hoạt động; truy xuất nguồn gốc nhà cung cấp thức ăn, nước uống cho vật nuôi. Riêng với gà thịt nuôi trong 20 trang trại quy mô 20 ha cung cấp ra thị trường 3 triệu con một năm; 8 trại nuôi gà đẻ trứng được áp dụng nuôi theo công nghệ nuôi lạnh tiên tiến nhất hiện nay. Sản lượng trứng đạt 320.000 quả trứng/ngày, tương đương 130 triệu quả trứng/năm. Sau khi xem mô hình đầu tư này - “tư lệnh” ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam đã đánh giá đây là đơn vị đầu tiên nước ta đã làm chủ được công nghệ chăn nuôi hiện đại. Đồng thời, đánh giá cao mô hình chăn nuôi hiệu quả, giảm rủi ro là nhờ hình thành được chuỗi chuỗi giá trị khép kín để đưa sản phẩm xuất khẩu của tập đoàn Hùng Nhơn. Cụ thể, kết quả liên kết thành chuỗi giá trị sản xuất bằng hợp tác giữa Hùng Nhơn với các đối tác Công ty TNHH De Heus (Hà Lan) cung cấp thức ăn; Công ty Cổ phần Bel Gà (Bỉ) bán giống; và Công ty TNHH Koyu & Unitek (Đồng Nai) thu mua, giết mổ và xuất khẩu sang Nhật Bản. Chuỗi liên kết này tạo nên một dây chuyền khép kín sản xuất sản phẩm thịt gà sạch đạt tiêu chuẩn chất lượng khắt khe của châu Âu và đáp ứng được thị trường khó tính nhất là Nhật Bản. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng: “Nhật Bản là thị trường rất khắt khe nên việc chuỗi liên kết các doanh nghiệp sản xuất và xuất được thịt gà sang Nhật do Tập đoàn Hùng Nhơn đứng đầu, là một thành công mang ý nghĩa chiến lược, mở lối ra cho nông nghiệp Việt Nam. Điều này mở ra một triển vọng, khi thị trường Nhật Bản (khó tính nhất) tiếp cận được thì các nước khác cũng sẽ vào được. Sau thịt gà, thịt lợn, sữa và thịt bò Việt...cũng có thể xuất khẩu”.Đột phá về nông nghiệp Với mục tiêu lấy nông nghiệp công nghệ cao làm kinh tế mũi nhọn phát triển, tỉnh Bình Phước đang thu hút các doanh nghiệp có năng lực đầu tư làm hình mẫu về mô hình phát triển kinh tế. Theo Bí thư Tỉnh uỷ Bình Phước Nguyễn Văn Lợi cho biết tỉnh đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp áp dụng công nghệ cao tạo ra nhiều sản phẩm mang thương hiệu của Bình Phước. “Thủ phủ” tỉnh này vốn nối tiếng các loại nông sản như điều, hồ tiêu, cao su… Theo đó, đến năm 2020 Bình Phước quy hoạch hình thành 4 khu nông nghiệp công nghệ cao tại thị xã Đồng Xoài với diện tích 50ha; huyện Lộc Ninh 500ha; huyện Hớn Quản 500ha và huyện Đồng Phú 50ha.
Mô hình chăn nuôi tự động theo công nghệ CHLB Đức của doanh nghiệp Hùng Nhơn. Ảnh: Dương Chí Tưởng |
Các quy hoạch này sẽ hình thành cho được mô hình nông nghiệp có hiệu quả chất lượng nhất làm hình mẫu để dẫn dắt, liên kết và làm đầu mối để xây dựng các thương hiệu sản phẩm nông nghiệp chủ lực tại địa phương gắn sản xuất với tiêu thụ xây dựng chuỗi giá trị nhằm gia tăng hiệu quả. Cùng với đó, tỉnh đẩy mạnh hợp tác chuyển giao công nghệ trong và ngoài tỉnh, kể cả hợp tác với nước ngoài để hình thành chuỗi cung ứng sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm có truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đồng thời, liên kết thị trường giữa doanh nghiệp, nhà nông, hợp tác xã kiểu mới, nhà tiêu thụ và ngân hàng để xây dựng thành vùng sản xuất nguyên liệu và tiêu thụ bền vững. Mới đây, tại buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Bình Phước hồi cuối tháng 8 năm 2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo về phát triển kinh tế tỉnh nhà phải tranh thủ xu hướng phát triển nền nông nghiệp 4.0; trong đó tập trung cho nông nghiệp thông minh, nông nghiệp công nghệ cao đạt hiệu quả kinh tế để tạo " đột phá" cho Bình Phước. Ngoài ra, Thủ tướng cũng định hướng cho tỉnh Bình Phước cần tập trung phát triển nông nghiệp thông minh và chế biến chuyên sâu các sản phẩm nông nghiệp. Bên cạnh đó, tạo ra các sản phẩm chất lượng cao, có sự cạnh tranh khác biệt so với các địa phương khác trong cả nước. Hơn nữa, theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, tỉnh Bình Phước phải phát triển một nền nông nghiệp đa dạng, tạo hình mẫu của cả nước, góp phần thực hiện thành công mục tiêu xóa đói giảm nghèo, tiến lên thành tỉnh khá tự chủ được nguồn thu ngân sách cho địa phương.
Dương Chí Tưởng