Nhằm xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng của địa phương, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, tỉnh Tuyên Quang đang thực hiện phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng đến năm 2025 và 2030.
Theo đó, địa phương sẽ tập trung phát triển các sản phẩm du lịch mang thương hiệu, đặc trưng ở những loại hình du lịch tỉnh có thế mạnh như: Du lịch văn hóa, lịch sử cách mạng; du lịch văn hóa - lễ hội - tâm linh; du lịch nghỉ dưỡng, du lịch chăm sóc sức khỏe, làm đẹp; du lịch thể thao, mạo hiểm…
Cụ thể, đối với loại hình du lịch văn hóa, lịch sử cách mạng, tỉnh tập trung phát triển các sản phẩm như: Du lịch tham quan, nghiên cứu các di tích lịch sử cách mạng Tân Trào - thủ đô Khu giải phóng - thủ đô Kháng chiến; du lịch tri ân, giáo dục truyền thống cách mạng, truyền thống yêu nước của dân tộc... Với du lịch văn hóa - lễ hội - tâm linh, Tuyên Quang tập trung phát triển các sản phẩm như: Tham quan, trải nghiệm cuộc sống cùng cộng đồng của các dân tộc bản địa ở các bản làng (Nặm Đíp, Pà Thẻn - huyện Lâm Bình; Bản Ba - huyện Chiêm Hóa; Khau Tràng - Hồng Thái, huyện Na Hang…); tham quan, trải nghiệm “Lễ hội Thành Tuyên”…
Du lịch nghỉ dưỡng, du lịch chăm sóc sức khỏe, làm đẹp gồm các sản phẩm: Du lịch sinh thái nghỉ dưỡng hồ Na Hang kết hợp chơi Golf, thể thao nước trên lòng hồ Na Hang (chèo thuyền kayak, câu cá, dù lượn...); tắm khoáng nóng, tắm thuốc, vật lý trị liệu… ở Mỹ Lâm; du lịch nghỉ dưỡng tại Flamingo Tân Trào… Du lịch thể thao, mạo hiểm gồm các sản phẩm: Leo núi chinh phục đỉnh cao (đỉnh Pác Tạ - Na Hang; Khau Mút, Pù Nàng Tiên - Lâm Bình…; trekking, thám hiểm rừng nguyên sinh; khám phá, trải nghiệm, vượt thác (thác Mơ, Khuổi Nhi, Bản Ba…); khinh khí cầu, tàu lượn, nhảy dù…
Để phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng, tỉnh tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp và người dân tham gia đầu tư xây dựng sản phẩm đặc trưng, khác biệt dựa trên lợi thế về tiềm năng du lịch của địa phương; phát triển các thị trường và sản phẩm du lịch đặc trưng, xúc tiến quảng bá và xây dựng thương hiệu du lịch. Ngoài ra, địa phương triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm huy động các nguồn vốn đầu tư cho phát triển du lịch và sản phẩm đặc trưng; đồng thời, đẩy mạnh liên kết, hợp tác phát triển du lịch và xây dựng sản phẩm đặc trưng. Qua đó, tạo điều kiện khai thác tối ưu những tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương về tài nguyên du lịch và các nguồn lực khác, góp phần xây dựng thương hiệu và nâng cao khả năng cạnh tranh.
Địa phương tập trung phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao, bảo tồn các giá trị tài nguyên, môi trường du lịch, khuyến khích hỗ trợ cộng đồng tham gia phát triển du lịch và xây dựng sản phẩm đặc trưng, đặc biệt là cộng đồng các dân tộc - chủ nhân của các giá trị văn hóa bản địa (như: Hát Then, Nhảy lửa, lễ hội Lồng Tông, lễ Cấp sắc, lễ Đại phan…).
Những năm qua, với nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch nói chung và xây dựng sản phẩm nói riêng, hoạt động du lịch của tỉnh có nhiều khởi sắc; đã hình thành một số khu, điểm với các sản phẩm du lịch độc đáo, thu hút rất đông du khách đến tham quan, khám phá. Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tuyên Quang, năm 2022, địa phương đã đón trên 2,3 triệu lượt khách, tổng thu xã hội từ du lịch đạt trên 2.400 tỷ đồng. Tỉnh phấn đấu năm 2023 thu hút trên 2,5 triệu lượt khách, doanh thu xã hội từ du lịch đạt 3.000 tỷ đồng.
Vũ Quang